Thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm

Quý I năm 2025, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh truyền nhiễm (BTN), Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành thực hiện Kế hoạch số 20/KH-UBND ngày 28/1/2025 của UBND tỉnh về phòng, chống BTN trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm các trường hợp mắc/nghi mắc BTN mới nổi, tái nổi, BTN xâm nhập và lưu hành; xử lý triệt để, kịp thời, khống chế không để dịch bệnh bùng phát, góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tổ chức Chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng, chống bệnh truyền nhiễm cho trẻ.

Tổ chức Chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng, chống bệnh truyền nhiễm cho trẻ.

Đồng chí Phan Văn Tùng, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Bên cạnh những kết quả đạt được, trong 3 tháng đầu năm 2025 công tác y tế dự phòng và phòng chống dịch BTN còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Biến đổi khí hậu, tình trạng chủ quan, lơ là trong phòng bệnh cá nhân, tỷ lệ tiêm chủng chưa đạt độ bao phủ cần thiết và sự biến chuyển liên tục các tác nhân gây bệnh là nguyên nhân dẫn đến bùng phát bệnh dịch, bệnh tái nổi, mới nổi. Nhất là thời điểm giao mùa đông - xuân, thời tiết thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh nguy hiểm lây lan, dẫn tới gia tăng số ca mắc, nhất là với nhóm trẻ em có sức đề kháng yếu và người cao tuổi có bệnh lý nền. Toàn tỉnh đã ghi nhận 236 ca mắc sởi tại 9 huyện, thành phố, trong đó đầu tháng 4/2025 đã ghi nhận ổ dịch bệnh sởi tại Trường THCS Trực Hùng (Trực Ninh)...; ghi nhận 64 ca mắc tay - chân - miệng, 7 ca sốt xuất huyết (1 ổ dịch tại xã Trực Tuấn, Trực Ninh), 6 ca bệnh ho gà. Đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS, hiện toàn tỉnh có 6.557 người nhiễm HIV, 3.915 bệnh nhân AIDS.

Trước diễn biến phức tạp của dịch BTN, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành tăng cường công tác quản lý và sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch và các BTN; tiếp tục có phương án bảo đảm đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch và phục vụ khám, chữa bệnh cho người dân theo chỉ đạo của Bộ Y tế, Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Thực hiện giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh để phát hiện sớm, xử lý kịp thời, không để dịch bệnh bùng phát trên địa bàn tỉnh. Chú trọng giám sát dịch bệnh thường gặp như viêm đường hô hấp cấp, sởi, sốt xuất huyết, tiêu chảy cấp nguy hiểm, tay chân miệng, viêm não Nhật Bản B.

Công tác tiêm chủng mở rộng cũng được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện, thành phố triển khai tích cực, hiệu quả. Quý I năm 2025, triển khai tiêm chủng thường xuyên các loại vắc-xin IPV, viêm não Nhật Bản, sởi-rubella, DPT vào các ngày 6, 7 hàng tháng; tổ chức tiêm chủng vắc-xin BCG, DPT-VGB-Hib, bOPV, vắc-xin phòng uốn ván cho phụ nữ có thai vào các ngày 25, 26, 27 hàng tháng tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn; tiêm vắc-xin VGB tại các bệnh viện, trung tâm y tế có phòng sinh; tiếp tục triển khai tiêm vắc-xin phòng bệnh lao (BCG) tại các bệnh viện, trung tâm y tế có phòng sinh trên địa bàn tỉnh (tỷ lệ tiêm BCG trước khi trẻ ra viện tại các cơ sở y tế đạt ≥ 90%). Có 1.121 người có hành vi nguy cơ cao được xét nghiệm HIV; 3.845 phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV; 100% trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Khương Thành Vinh, trước diễn biến gia tăng của dịch bệnh sởi, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và Công điện số 06/CĐ-UBND ngày 19/3/2025 của UBND tỉnh về việc đẩy nhanh tiêm chủng vắc-xin phòng, chống bệnh sởi, Sở Y tế ban hành Kế hoạch số 556/KH-SYT ngày 20/3/2025 triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng, chống dịch sởi trên địa bàn tỉnh năm 2025. Sau 7 ngày triển khai (từ ngày 25 đến 31/3/2025), toàn tỉnh có 12.451 người tiêm vắc-xin sởi, đã hoàn thành mục tiêu của chiến dịch tiêm vắc-xin sởi cho trẻ từ 6 tháng đến 10 tuổi, đạt tỷ lệ 96,1%. Trong thời gian tới, ngành Y tế tiếp tục triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh sởi như: Thực hiện tiêm vét, tiêm bổ sung vắc-xin tại các trạm y tế trên toàn tỉnh cho các đối tượng, trong đó chú trọng việc rà soát các đối tượng dân di biến động, đảm bảo bao phủ vắc-xin tạo miễn dịch cộng đồng; giám sát, phát hiện các ca bệnh tại các tuyến điều trị, thực hiện các biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu tác động lây lan ra cộng đồng; tăng cường công tác truyền thông về lợi ích của tiêm vắc-xin sởi và các dịch bệnh khác nhằm nâng cao hiểu biết của cộng đồng về tình hình dịch bệnh.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả phòng, chống BTN theo Kế hoạch số 20/KH-UBND ngày 28/1/2025 của UBND tỉnh với mục tiêu giảm tối đa tỷ lệ mắc và tử vong do các BTN, khống chế kịp thời dịch bệnh truyền nhiễm, không để dịch lớn xảy ra, góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Duy trì thành quả thanh toán các bệnh bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh, giun chỉ bạch huyết. Đạt tỷ lệ tiêm chủng các vắc-xin tiêm chủng mở rộng theo kế hoạch tiêm chủng mở rộng năm 2025. 100% đối tượng kiểm dịch y tế được giám sát, kiểm tra và xử lý y tế theo đúng quy định. Đối với một số BTN: Bệnh sốt xuất huyết tỷ lệ mắc ≤ 50/100 nghìn dân; bệnh tay, chân, miệng tỷ lệ mắc < 30/100 nghìn dân, không có tử vong; bệnh sốt rét tỷ lệ mắc < 0,01/100 nghìn dân; 100% ổ dịch bệnh tả, lỵ trực trùng, bệnh do Adeno vi-rút được phát hiện, xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan, bùng phát trong cộng đồng; 100% ổ dịch bệnh cúm A (H5N1), cúm A (H5N6), cúm A (H7N9) được phát hiện, xử lý kịp thời, không để bùng phát trong cộng đồng, cơ sở y tế.

Theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh; thường xuyên phân tích, đánh giá, dự báo tình hình dịch; chuẩn bị sẵn sàng các phương án bảo đảm công tác y tế với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh. Củng cố, nâng cao năng lực hệ thống tiêm chủng từ cơ sở đến tuyến tỉnh; đảm bảo an toàn tiêm chủng.

Tổ chức thực hiện hiệu quả việc phân tuyến, phân luồng khám, sàng lọc bệnh. Các bệnh viện, trung tâm y tế có khám bệnh, chữa bệnh tổ chức đào tạo, tập huấn phác đồ điều trị, hồi sức cấp cứu, chăm sóc bệnh nhân, phòng, chống lây nhiễm; sẵn sàng hỗ trợ chẩn đoán, điều trị từ xa và củng cố, bố trí các đội cấp cứu cơ động sẵn sàng hỗ trợ cho tuyến dưới khi được điều động. Đảm bảo cơ sở, thuốc, vật tư, hóa chất, sinh phẩm, phương tiện bảo hộ đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch.

Bài và ảnh: Việt Thắng

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/tieu-diem/202504/thuc-hien-dong-bo-cac-giai-phap-phong-chong-benh-truyen-nhiem-dec743d/
Zalo