Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018: Tạo những chuyển biến mới trong giáo dục

Năm học 2022 – 2023 là năm thứ ba thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018 đối với các khối lớp: 1, 2, 3, 6, 7, 10. Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành trong tỉnh, sự nỗ lực trong công tác dạy và học, các hoạt động giáo dục đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Một tiết ôn tập của cô, trò tại Trường Tiểu học thị trấn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn

Một tiết ôn tập của cô, trò tại Trường Tiểu học thị trấn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn

Ngày 26/12/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT về Chương trình GDPT mới 2018. Theo đó, từ năm học 2020 – 2021, chương trình bắt đầu được áp dụng triển khai với lớp 1; năm học 2021 – 2022 triển khai với lớp 1, 2, 6; năm học 2022 – 2023 triển khai ở khối lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Bám sát chỉ đạo của trung ương, tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện chương trình GDPT và sách giáo khoa (SGK) mới, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong triển khai, qua đó tạo những chuyển biến tích cực, đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Sau 3 năm triển khai, đến năm học 2022 – 2023, toàn tỉnh có hơn 430 trường học và trên 60.000 học sinh từ tiểu học đến THPT và các trung tâm khối giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên triển khai dạy và học chương trình, SGK mới ở các khối lớp 1, 2, 3; lớp 6, 7 và lớp 10.

Tạo môi trường để học sinh phát triển năng lực và phẩm chất

Năm 2022 – 2023 là năm học đầy ý nghĩa với thầy và trò Trường Tiểu học Tân Lang, thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng. Đây là năm học thứ ba nhà trường thực hiện chương trình GDPT mới với việc giảng dạy thêm một số môn học và hoạt động giáo dục mới. Trong năm học, thầy và trò nhà trường đã được tham gia nhiều hoạt động như ngày hội giao lưu tiếng Anh, ngày hội năng khiếu Toán, tiếng Việt, tham gia hoạt động nhảy Flashmod, tham quan Đồn Biên phòng Na Hình… Các hoạt động đã góp phần tạo không khí vui tươi, sôi nổi để học sinh gắn bó với trường, lớp, qua đây cũng xây dựng được môi trường để các em được rèn luyện, học tập, trải nghiệm thực tiễn.

Tương tự, các trường tiểu học khác trên địa bàn tỉnh cũng chú trọng xây dựng môi trường học tập thân thiện, hạnh phúc, đa dạng các hoạt động học tập, giáo dục để học sinh vừa học vừa chơi. Em Triệu Phương Thảo, học sinh lớp 3 Trường Tiểu học xã Đồng Tân, huyện Hữu Lũng cho biết: Năm học vừa qua chúng em được tham gia nhiều hoạt động trong đó có làm bánh, được chơi các trò chơi dân gian, được tham gia ngày hội để đọc sách, đọc truyện tranh và được học thêm môn tiếng Anh.

Không chỉ bậc tiểu học, tại bậc THCS và THPT, chương trình mới cũng có những thay đổi. Đơn cử như ở cấp THPT, chương trình được xây dựng theo hướng phân hóa và gắn với định hướng nghề nghiệp của học sinh. Theo đó, chương trình lớp 10 có các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, giáo dục của địa phương và Lịch sử. Ngoài ra, học sinh được tự chọn 4 môn học khác. Như vậy, ở chương trình mới, từ học sinh lớp 10 năm học vừa qua được lựa chọn môn học và không bắt buộc phải học hết tất cả các môn trong nhóm môn tự chọn.

Cùng với những thay đổi về chương trình, SGK, trong chương trình mới, các thầy cô được linh hoạt vận dụng các phương pháp dạy học hiện đại, được kiểm tra, đánh giá kết quả nhận thức của học sinh qua các câu hỏi, đề thi mang tính mở.

Cô giáo Trần Mai Phương, giáo viên dạy Ngữ Văn, Trường THPT Tú Đoạn, huyện Lộc Bình cho biết: Hiện nay, việc giảng dạy cũng như đánh giá, kiểm tra môn Ngữ Văn trong trường phổ thông có sự thay đổi đặc biệt là với các lớp đang thực hiện chương trình GDPT mới. Trong quá trình giảng dạy, chúng tôi cũng vận dụng đa dạng các phương pháp để học sinh được trải nghiệm, được đóng vai, hóa thân vào nhân vật văn học. Cùng đó, trong việc kiểm tra, đánh giá, những năm gần đây, đề thi phần nghị luận xã hội của môn học này thường là những câu hỏi theo hướng mở, từ đó tạo thuận lợi cho học sinh được trình bày, được viết ra những quan điểm cá nhân, những suy nghĩ riêng của bản thân khi bàn về một vấn đề trong xã hội. Đó là những điểm đổi mới tích cực, nhận được sự ủng hộ của đông đảo giáo viên và học sinh.

Chương trình GDPT mới với quan điểm hướng tới phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh đã được các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đón nhận và triển khai một cách chủ động, linh hoạt. Có được kết quả đó là nhờ sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở.

Giờ học của các em học sinh khối 10 Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS – THPT Cao Lộc

Giờ học của các em học sinh khối 10 Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS – THPT Cao Lộc

Triển khai đồng bộ

Để triển khai chương trình GDPT mới, ngành GD&ĐT tỉnh đã có sự chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng, nhiều giải pháp để đáp ứng yêu cầu đổi mới. Cụ thể, sau khi kết thúc năm học 2019 – 2020, ngành GD&ĐT tỉnh đã chủ động thực hiện rà soát, sắp xếp đội ngũ; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học. Đồng thời, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ giáo viên được phân công giảng dạy Chương trình GDPT 2018 ở từng cấp học theo lộ trình; xây dựng kế hoạch giáo dục theo hướng phù hợp với điều kiện về đội ngũ cán bộ, giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.

Nhằm thực hiện hiệu quả chương trình, trước hết là sự thống nhất trong lựa chọn SGK và tài liệu giáo dục địa phương. Hằng năm, các cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất lựa chọn SGK theo quy định; thành lập các hội đồng lựa chọn SGK cấp tỉnh, từ đề xuất các hội đồng, UBND tỉnh phê duyệt danh mục SGK sử dụng trong các cơ sở giáo dục tại tỉnh. Riêng bộ tài liệu giáo dục địa phương, UBND tỉnh cũng ban hành kế hoạch về biên soạn, thẩm định tài liệu, thành lập ban biên soạn, hội đồng thẩm định tài liệu các cấp học. Qua đó, Lạng Sơn là một trong số ít tỉnh trên toàn quốc hoàn thiện sớm tài liệu giáo dục địa phương được Bộ GD&ĐT phê duyệt.

Cùng đó, ngành GD&ĐT tỉnh đã tập trung thực hiện các nội dung về đội ngũ nhà giáo, từ công tác đào tạo đến tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu GDPT 2018. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 20.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó số giáo viên phổ thông thực hiện giảng dạy chương trình GDPT mới chiếm gần 10.000 người, cơ bản các thầy cô đều đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ.

Cô giáo Nông Thị Tuyền, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Bắc Ái 1, xã Đề Thám, huyện Tràng Định cho biết: Năm học 2022 – 2023, tôi được phân công dạy lớp 1. Chuẩn bị cho nhiệm vụ quan trọng này, từ hè 2022 tôi đã được tham gia các lớp tập huấn về chương trình, SGK để qua đó nắm được những điểm mới, khác biệt so với chương trình và sách trước đây. Đồng thời, qua các lớp tập huấn, chúng tôi cũng được trao đổi, thảo luận, học hỏi thêm các kỹ năng, nghiệp vụ để nâng cao chất lượng giảng dạy.

Mặt khác, để triển khai chương trình GDPT mới, công tác chuẩn bị cơ sở vật chất được ngành giáo dục tỉnh đặc biệt quan tâm, trong giai đoạn 2016 – 2020, toàn tỉnh đã trang bị được 159 phòng vi tính và bổ sung 298 bộ máy tính; đầu tư trang thiết bị (tivi, máy tính) cho 564 phòng học, 29 phòng bộ môn; trang bị bổ sung 769 bộ bàn ghế giáo viên, 8.537 bộ bàn ghế học sinh; cung cấp trang thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1 theo Thông tư số 05/2019/TT-BGDĐT ngày 5/4/2019 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1. Triển khai kế hoạch mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu lớp 2, 3, 6, 7, 10.

Với việc triển khai thống nhất, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, việc thực hiện chương trình GDPT năm 2018 tại Lạng Sơn được triển khai theo đúng lộ trình, các cơ sở giáo dục đã tập trung hướng đến mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh từng cấp học.

Đáp ứng yêu cầu đổi mới

Sau 3 năm thực hiện chương trình GDPT mới đã bước đầu đáp ứng được yêu cầu đổi mới và mang lại những chuyển biến tích cực về mọi mặt. Trước hết, với việc thực hiện chương trình GDPT mới, các cấp các ngành trên địa bàn tỉnh đã có sự quan tâm đầu tư cho ngành giáo dục, các trường học được xây dựng đầy đủ cơ sở vật chất, được trang bị các phương tiện, dụng cụ dạy học… Đặc biệt, khác với trước đây, từ khi thực hiện chương trình mới, hằng năm, UBND tỉnh đều chủ động thành lập các hội đồng thẩm định việc thay sách SGK, biên soạn tài liệu giáo dục địa phương.

Đối với các thầy cô và học sinh, việc thực hiện chương trình GDPT mới cũng mang lại những kết quả tích cực. Thời điểm đầu, các thầy cô còn lúng túng với việc làm quen với chương trình mới, tuy nhiên qua từng năm, với việc được bồi dưỡng, tập huấn, học hỏi, trau dồi kinh nghiệm, phương pháp, các thầy cô đã làm chủ được chương trình, phương pháp dạy học đáp ứng chương trình đổi mới. Nhiều thầy cô tự tin vận dụng linh hoạt, sáng tạo phương pháp dạy học để nâng cao chất lượng giảng dạy. Còn với học sinh, học chương trình mới, các em được giáo dục, rèn luyện phát triển toàn diện, gắn liền việc hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực.

Ông Hoàng Quốc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Sau 3 năm triển khai, chương trình GDPT mới đã nhận được sự ủng hộ, đồng thuận của toàn xã hội. Các cơ sở giáo dục đã chủ động kế hoạch và triển khai chương trình mới bám sát chủ trương, định hướng của tỉnh. Các thầy cô đã có sự linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức hoạt động giảng dạy, hoạt động giáo dục hướng đến phát triển học sinh một cách toàn diện. Qua từng năm, chất lượng giáo dục tại các khối lớp thực hiện chương trình mới ngày càng được nâng lên.

Theo báo cáo, kết thúc năm học 2022 – 2023, đối với học sinh lớp 1, 2, 3 cấp tiểu học: môn Toán có 99,5% học sinh được xếp loại hoàn thành trở lên (tăng 0,3% so với năm trước); môn Tiếng Việt có 99,3% học sinh xếp loại từ hoàn thành trở lên (tăng 0,5% so với cùng năm trước). Cấp THCS ở khối lớp 6, 7 và cấp THPT ở khối lớp 10, qua đánh giá cuối năm học có trên 50% học sinh xếp loại học lực từ khá trở lên…

Với những kết quả đạt được, để triển khai hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới trong năm học 2023 – 2024, thời gian tới, Sở GD&ĐT sẽ tăng cường đôn đốc các trường chuẩn bị điều kiện cho chương trình, SGK mới ở khối lớp 4, lớp 8 và lớp 11. Đồng thời duy trì, nâng cao chất lượng ở các khối lớp đã triển khai trước. Cùng đó, tiếp tục tạo điều kiện để giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, học và tự học đáp ứng yêu cầu đổi mới; thường xuyên kiểm tra, nắm tình hình và phản ánh thực tế triển khai ở các nhà trường để có định hướng, chỉ đạo phù hợp, kịp thời, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trên địa bàn tỉnh.

HOÀNG TÙNG - PHƯƠNG DUNG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/tieu-diem/597536-thuc-hien-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-nam-2018-tao-nhung-chuyen-bien-moi-trong-giao-duc.html
Zalo