Thúc đẩy xử lý nợ xấu

Nhiều ngân hàng đang đối mặt với nguy cơ gia tăng nợ xấu, khi mà nhiều doanh nghiệp không thể trả nợ đúng hạn. Do đó, cần có cơ chế pháp lý rõ ràng cho các tổ chức tín dụng thu giữ tài sản nhằm đảm bảo an toàn hệ thống tài chính.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết đến tháng 1/2025, nợ xấu nội bảng ở mức 4,3%.

Còn thống kê của Hiệp hội Ngân hàng trong 2 tháng đầu năm 2025, nợ xấu tăng thêm khoảng 34.000 tỷ đồng, trong khi tốc độ xử lý nợ xấu chỉ đạt khoảng 15.000 tỷ đồng, chủ yếu do các tổ chức tín dụng trích dự phòng rủi ro để xử lý.

Theo phản ánh của các ngân hàng, việc không luật hóa quyền thu giữ tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng (quy định tại Nghị quyết 42/2017/QH14 – Nghị quyết 42) khiến nhiều khách hàng trây ỳ trả nợ. Hiện nay, việc xử lý tài sản bảo đảm phụ thuộc hoàn toàn vào quá trình tố tụng và bán tài sản trong quá trình thi hành án, thường kéo dài, dẫn đến ngân hàng khó xử lý nợ xấu.

Nhiều ý kiến cho rằng, ngân hàng đang gánh trách nhiệm rất lớn vì huy động vốn của người dân, nên phải có công cụ pháp lý phù hợp để xử lý nợ khi cần thiết. Hơn ai hết, ngân hàng phải tuân thủ quy định pháp luật một cách nghiêm ngặt, nhưng nếu không có cơ chế cụ thể thì rất khó để thực thi.

Ông Đặng Khắc Vỹ - Chủ tịch VIB cho biết, hiện nay, việc xử lý tài sản bảo đảm để xử lý nợ xấu rất khó khăn. Một trong những nguyên nhân cơ bản là Nghị quyết 42 đã hết hiệu lực và Luật Các tổ chức tín dụng mới không có quy định về quyền thu giữ tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng kể cả khi đã có thỏa thuận với khách hàng về phương thức xử lý tài sản bảo đảm và quyền thu giữ tài sản bảo đảm đã được quy định trong hợp đồng bảo đảm phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự 2015 và Nghị định 21 năm 2021 hướng dẫn thi hành.

Điều này dẫn đến việc xử lý tài sản bảo đảm phụ thuộc hoàn toàn vào quá trình tố tụng và bán tài sản bảo đảm trong quá trình thi hành án. Trong khi đó, quá trình khởi kiện, tham gia tố tụng và tiến hành thi hành án theo quy định cho mỗi một vụ án thường kéo dài, trong bối cảnh ngân hàng phải trích dự phòng rủi ro trong khi vẫn phải trả chi phí huy động vốn hàng ngày.

Thực trạng đó tạo ra rủi ro lớn, đặc biệt cho tổ chức tín dụng có hàm lượng cho vay bán lẻ tỷ trọng cao, hướng tới kích cầu, phải xử lý rất nhiều món nợ xấu giá trị nhỏ, địa lý phân tán, dẫn đến chi phí hoạt động cao trong vấn đề thu hồi nợ và làm giảm khả năng đẩy mạnh cho vay khách hàng.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng, việc thu giữ tài sản bảo đảm không phải là đặc quyền mà là quyền đương nhiên của bên cho vay trong quan hệ tín dụng. Ông Hùng nhấn mạnh, nếu không xử lý được nợ xấu thì hệ thống tín dụng sẽ bị ách tắc, doanh nghiệp không vay được vốn và nền kinh tế sẽ bị đình trệ. "Việc luật hóa quyền thu giữ là thực hành theo thông lệ quốc tế, không phải là hành động cực đoan" - ông Hùng nêu rõ.

TS. Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng tư vấn tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, có ít nhất 4 lý do để luật hóa quyền thu giữ: một là nợ xấu là tất yếu trong hoạt động tín dụng, kể cả nguyên nhân khách quan như thiên tai, khủng hoảng; hai là nếu không thu hồi được nợ, ngân hàng sẽ không cho vay mới – gây tắc nghẽn dòng vốn; ba là thu giữ tài sản đảm bảo là thông lệ quốc tế; bốn là luật hóa quy định này sẽ nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật và thực thi pháp luật.

Chính phủ đang trình Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Theo Dự thảo, Chính phủ đề xuất luật hóa 3 nhóm chính sách tại Nghị quyết 42/2017/QH14: các tổ chức tín dụng được quyền thu giữ tài sản bảo đảm trong trường hợp có thỏa thuận đồng ý giữa khách vay và tổ chức tín dụng; tài sản của bên phải thi hành án đang được sử dụng làm tài sản bảo đảm cho khoản nợ xấu chỉ bị kê biên trong trường hợp thi hành bản án, quyết định về cấp dưỡng, bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe hoặc được sự đồng ý của các tổ chức tín dụng; đối với tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự, sau khi hoàn tất thủ tục xác nhận chứng cứ và xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý và thi hành án, thì cơ quan tiến hành tố tụng hoàn trả vật chứng này cho các tổ chức tín dụng.

T.Hằng

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/thuc-day-xu-ly-no-xau-10306486.html
Zalo