Thúc đẩy tín dụng xanh

Khoảng 90% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) nhưng phần lớn những DN mạnh dạn thực hiện chuyển đổi xanh lại là các tập đoàn lớn. Trong khi đó, các DNNVV hiện gặp nhiều khó khăn trong quá trình xanh hóa, một trong những rào cản lớn nhất là vấn đề tài chính.

Ngân hàng muốn tăng tốc tín dụng xanh. Ảnh: Thanh Tùng.

Ngân hàng muốn tăng tốc tín dụng xanh. Ảnh: Thanh Tùng.

Khó tiếp cận vốn để chuyển đổi xanh

Theo ông Đinh Hồng Kỳ - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP Hồ Chí Minh (HUBA), mặc dù trào lưu chuyển đổi xanh đang phát triển mạnh mẽ, nhưng vẫn còn nhiều thách thức. Hiện nay, khoảng 90% DN Việt Nam là DNNVV nhưng phần lớn những DN mạnh dạn thực hiện chuyển đổi xanh lại là các tập đoàn lớn. Trong khi đó, các DNNVV gặp nhiều khó khăn trong quá trình xanh hóa, từ tài chính, nguồn nhân lực đến công nghệ và nhận thức.

“Theo thống kê, khoảng 65% DN gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn để thực hiện các dự án xanh. Mặc dù đã có các cơ chế tài chính hỗ trợ nhưng việc đưa nguồn vốn này đến đúng đối tượng vẫn là một bài toán khó. Bên cạnh đó, nhân lực cũng là một yếu tố đáng lo ngại. Chỉ có khoảng 12% DN tại TP Hồ Chí Minh sở hữu đội ngũ nhân sự có chuyên môn về ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị), gây cản trở lớn cho quá trình chuyển đổi” - ông Kỳ thông tin.

Ông Nguyễn Thái Việt Huy - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Saty Holding, cho biết công ty chuyên đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp bền vững. Trước đây, Saty Holding tập trung chủ yếu vào phát triển công nghệ nhưng hiện đang mở rộng sang xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp và phát triển chuỗi sản phẩm chủ lực của Việt Nam như lúa gạo và cà phê.

Ngoài việc hỗ trợ nông dân về kỹ thuật và giống, Saty Holding còn tập trung vào việc minh bạch hóa quy trình sản xuất bằng công nghệ số, đảm bảo kiểm soát chất lượng trên từng cánh đồng. Công ty mong muốn hợp tác với các tổ chức tín dụng để giúp nông dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn xanh, qua đó thúc đẩy mô hình canh tác bền vững trên diện rộng.

Sau thời gian đầu tư vào công nghệ xanh trong nông nghiệp, Saty Holding nhận thấy rằng nông dân sẵn sàng thay đổi phương thức sản xuất để hướng tới mô hình thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, một trong những rào cản lớn nhất là đầu ra cho sản phẩm xanh, khi thị trường chưa có sự phân biệt rõ ràng giữa nông sản canh tác bền vững và nông sản truyền thống.

Ông Nguyễn Tấn Lộc - Giám đốc Công ty TNHH Tái chế cà phê Lộc Nhân chia sẻ, vấn đề tín dụng cũng là một rào cản lớn. Chúng tôi mong muốn các ngân hàng có chính sách hỗ trợ tốt hơn đối với các dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực tái chế, đơn giản hóa quy trình thẩm định và điều kiện cấp tín dụng.

“Thực tế cho thấy, nhiều chủ DN khởi nghiệp đã phải bán cả nhà để có vốn hoạt động, không còn tài sản thế chấp. Vì vậy, chúng tôi hy vọng có thể thế chấp bằng hàng hóa, hoặc được vay tín chấp dựa trên tính khả thi của dự án thay vì yêu cầu tài sản thế chấp truyền thống” – ông Lộc đề xuất.

Làm rõ khái niệm xanh

Theo TS Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tiên phong triển khai các kế hoạch hành động, thực hiện chính sách Chính phủ ban hành nhằm thúc đẩy tín dụng xanh. Dưới sự chỉ đạo của NHNN, các tổ chức tín dụng đã chủ động xây dựng các kế hoạch nội bộ, hoàn thiện tiêu chí và quy trình để tăng cường đầu tư vào các dự án thân thiện với môi trường.

Kết quả đạt được đến nay là có 50 tổ chức tín dụng tham gia cấp tín dụng xanh với tổng dư nợ gần 680 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,5% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống. Tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh bình quân đạt 22% mỗi năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của tín dụng kinh tế. Đặc biệt, năm 2023, tốc độ này đạt mức cao kỷ lục 24%.

Mặc dù luôn khuyến khích ngân hàng cấp tín dụng xanh, song đẩy vốn cho lĩnh vực này không hề đơn giản. Ngành ngân hàng gặp không ít khó khăn khi phát triển tín dụng xanh do khung pháp lý chưa hoàn thiện; nhận thức hạn chế về ESG; cơ sở hạ tầng thực thi ESG chưa đầy đủ; chi phí lớn; thiếu hụt nhân sự chuyên trách.

Các tổ chức tín dụng vẫn vướng mắc vì thiếu hướng dẫn về phân loại xanh. Chưa kể khi đầu tư xanh, như năng lượng tái tạo cần nguồn vốn lớn và kỳ hạn dài, trong khi phần lớn huy động của ngành ngân hàng là kỳ hạn ngắn...

Theo giới chuyên gia, các khoản tín dụng xanh tại Việt Nam chủ yếu tập trung vào các dự án năng lượng tái tạo, trong khi các tiêu chí đánh giá vẫn phụ thuộc vào tiêu chuẩn riêng của từng ngân hàng thay vì dựa trên các thông lệ quốc tế. Việc không có tiêu chuẩn rõ ràng dẫn đến nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc đánh giá độ an toàn và tính minh bạch của các khoản đầu tư vào tín dụng xanh và trái phiếu xanh.

Theo ông Vương Thành Long - Giám đốc Ban Kinh doanh vốn và tiền tệ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh trong hệ thống tài chính, BIDV kiến nghị Chính phủ và các cơ quan quản lý sớm ban hành danh mục dự án xanh, tiêu chuẩn và điều kiện cụ thể để DN và ngân hàng có căn cứ rõ ràng trong việc tiếp cận vốn.

Khi danh mục này được công bố, Chính phủ có thể dành một phần ngân sách để tái cấp vốn cho các ngân hàng, từ đó tạo động lực để giảm lãi suất và phí cho vay đối với các dự án xanh. Bên cạnh đó, ông Long cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của truyền thông trong việc nâng cao nhận thức và khuyến khích DN chủ động chuyển đổi xanh.

T.Hằng

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/thuc-day-tin-dung-xanh-10300482.html
Zalo