Thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam
Sáng ngày 30/11/2024, tại Trường Đại học Luật TP.HCM đã diễn ra hội thảo khoa học với chủ đề 'Chính sách pháp luật thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam – Kinh nghiệm và thực tiễn'. Đây là sự kiện do Nhóm đề tài cấp Bộ tổ chức, thu hút sự tham gia của đông đảo chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và đại diện doanh nghiệp trong lĩnh vực pháp luật, lao động và môi trường.
Hội thảo do PGS.TS. Trần Việt Dũng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM cùng ThS. Lê Minh Nhựt – Giảng viên của Trường và một số chuyên gia cùng chủ trì, với sự góp mặt của các diễn giả như: ThS. Châu Kim Anh, Chánh Tòa Lao động, TAND TP.HCM, ông Nguyễn Bảo Cường - Trưởng phòng Lao động - Tiền lương - BHXH, Sở LĐTB&XH TP.HCM, cùng nhiều đại diện từ doanh nghiệp và học giả uy tín.
Hội thảo đã tập trung thảo luận các vấn đề pháp luật, thực tiễn thực thi các cam kết quốc tế của Việt Nam về kinh doanh có trách nhiệm, đặc biệt trong các lĩnh vực lao động và môi trường.
Trong phiên đầu tiên, các chuyên gia PGS.TS Trần Thăng Long, TS. Trần Huỳnh Thanh Nghị và ThS. Dương Quốc Thịnh đã trình bày về kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng chính sách kinh doanh có trách nhiệm với môi trường, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hoàn thiện khung pháp lý, tăng cường giám sát, thúc đẩy hợp tác quốc tế và hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng công nghệ xanh.
TS. Đào Gia Phúc phân tích sự chuyển dịch từ mô hình tự nguyện sang bắt buộc trong trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) tại các quốc gia Châu Âu, Hoa Kỳ và Châu Á, gợi ý định hướng pháp luật cho Việt Nam.
TS. Đỗ Việt Cường đã nhấn mạnh vai trò của các nguyên tắc ESG và thực thi cam kết môi trường trong các FTA thế hệ mới và TS Phạm Hồng Hạnh làm rõ trách nhiệm minh bạch và giải trình theo các hiệp định EVFTA và CPTPP.
Phiên thứ hai tập trung vào lĩnh vực lao động, với các tham luận của TS. Đỗ Quỳnh Chi về xu hướng toàn cầu và kinh nghiệm Châu Á; tham luận của TS. Hồ Xuân Dũng về thực hành kinh doanh có trách nhiệm trong bối cảnh già hóa dân số và thâm dụng lao động tại Việt Nam. Sau cùng là tham luận của ThS. Nguyễn Thị Minh Châu về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong việc đảm bảo mức lương đủ sống và việc làm thỏa đáng giai đoạn 2022–2026.
Sau phần trình bày của các diễn giả, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, thảo luận sôi nổi, làm rõ các nội dung quan trọng trong từng tham luận. Nhiều câu hỏi thiết thực từ phía khách mời đã được đưa ra. Các diễn giả cũng đã tận tình giải đáp, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn từ trong nước và quốc tế, tạo nên một không khí đối thoại mở và sâu sắc.
Tại Hội thảo, Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) đã tài trợ 20 triệu đồng vào Quỹ hỗ trợ sinh viên của Trường Đại học Luật TP.HCM, thể hiện tinh thần trách nhiệm xã hội trong lĩnh vực giáo dục.
Hội thảo là bước tiến quan trọng trong việc xây dựng hành lang pháp lý, hướng tới phát triển bền vững, đồng thời cũng là cơ hội để học hỏi kinh nghiệm quốc tế nhằm thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam.