Thời tiết hanh khô làm ô nhiễm không khí ở Hà Nội thêm nghiêm trọng
Điều kiện thời tiết không có gió, nước không bốc hơi sẽ khiến ô nhiễm không khí (CO và NO2) tại Hà Nội sẽ trầm trọng hơn vào buổi đêm về sáng cho đến hết ngày 3/12, khi khu vực đón một đợt gió mùa đông bắc.
Hà Nội ô nhiễm không khí nghiêm trọng vào cuối năm
Những ngày cuối tháng 11/2024, Hà Nội nhiều lần đứng đầu bảng xếp hạng các thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Theo dữ liệu từ AirVisual, chỉ số AQI tại Hà Nội thường xuyên vượt ngưỡng 200, mức gây nguy hiểm đến sức khỏe con người, đặc biệt đối với nhóm người nhạy cảm như trẻ em, người già, và người mắc bệnh mãn tính.
Ngoài yếu tố thời tiết, thời gian qua, nhiều vỉa hè tuyến phố đang bị đào bới để cải tạo, sửa chữa, như phố Lương Định Của (quận Đống Đa), đường Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông)… ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường. Nhiều xe chở vật liệu xây dựng ra vào các công trình xây dựng trên địa bàn thành phố nhộn nhịp, nhất là vào buổi tối và đêm muộn.
PGS. TS Nghiêm Trung Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và Môi trường cho rằng, những hạt bụi PM 2.5 ảnh hưởng lớn tới sức khỏe vì nó có khả năng đi sâu vào phổi, còn tác động của bụi từ hoạt động xây dựng phải xem xét nguồn gốc gây bụi.
Những hạt bụi có kích thước từ 10- 2.5 micro mét bị chặn ở khoang mũi và khoang miệng (khí quản và phế quản). Chỉ có những hạt bụi có kích thước dưới 2.5 micro mét mới có thể đi sâu vào bộ máy hô hấp dưới (phổi), gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại Hà Nội và TPHCM có chiều hướng gia tăng, có những thời điểm, chỉ số chất lượng môi trường không khí (ngưỡng giá trị AQI) đã lên đến mức xấu, có ảnh hưởng đến sức khỏe con người và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian ô nhiễm tập trung vào mùa đông, từ tháng 9 năm trước đến tháng 3 năm sau.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ ra các nhóm nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường không khí tại các thành phố lớn. Trong đó, nguồn ô nhiễm lớn nhất là từ hoạt động giao thông vận tải. Sau đó là các nguồn từ hoạt động sản xuất công nghiệp, xây dựng, hoạt động đốt, sử dụng bếp than tổ ong. Ngoài ra yếu tố thời tiết, khí hậu cũng tác động không nhỏ đến chất lượng không khí, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố phía Bắc.
Không nhìn được chất ô nhiễm, bảo vệ sức khỏe thế nào?
Theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia về môi trường không khí, ô nhiễm không khí tại Hà Nội cũng như các tỉnh miền Bắc chủ yếu là ô nhiễm bụi PM2,5 - "sát thủ vô hình", bởi chưa thấy ngay tác hại và khó nhìn thấy về mặt trực quan. Việc đo lường chất lượng không khí phải dùng đến các công cụ phức tạp; hậu quả ảnh hưởng đến sức khỏe con người cũng phải rất lâu về sau mới thấy tác hại.
Kết quả quan trắc giai đoạn 2022 - 2023 cho thấy bụi mịn PM 2.5 trung bình năm tại Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên đều vượt quy chuẩn. Riêng Hà Nội bụi PM 2.5 dao động 26-52μg/Nm3, vượt giới hạn 1,1-2,1 lần. Năm 2024, Hà Nội đã ghi nhận 4 đợt ô nhiễm không khí nặng, trong đó ba đợt tháng 1 - 4 và một đợt vào đầu tháng 10. Ô nhiễm không khí không chỉ tập trung ở nội thành mà còn ở các khu vực ngoại thành như Kim Bài (Thanh Oai), Chúc Sơn (Chương Mỹ) và Vân Đình (Ứng Hòa). Tại đây, chỉ số AQI đã vượt quá mức cho phép, đặc biệt là tại Kim Bài với chỉ số 150.
Theo đánh giá, bụi PM2,5 - loại bụi được coi là tử thần trong không khí khi có thể đi sâu vào phổi, gây ra nhiều bệnh về hô hấp, tim mạch, đặc biệt là với đối tượng nhạy cảm như người già, trẻ em.
TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai nhận định, điều kiện khí tượng trong những ngày tới sẽ khiến tình trạng ô nhiễm không khí của Hà Nội càng trở nên nghiêm trọng hơn do lượng khí thải (chủ yếu là khí CO và NO2 từ phương tiện giao thông) bị tích tụ lại ở bề mặt đất.
Nguyên nhân là nhiệt độ về đêm ở bề mặt đất xuống thấp 18 -19 độ C tương đương với nhiệt độ ở tầng cao từ 500m - 1000m nên không có trao đổi không khí theo trục đứng. Thêm vào đó, không có sự xuất hiện của gió ngang ở mực khí áp 850hpa (khoảng 1500m) khiến cho không khí ô nhiễm ban ngày bị đẩy lên cao nhưng buổi đêm lại tự lắng xuống là là mặt đất.
Lượng khí thải từ phương tiện giao thông, đốt rác, công xưởng thải ra trong những ngày này bị cộng dồn lại nên nồng độ khí ô nhiễm trong không khí vào buổi đêm càng lớn dần. Nguyên nhân ô nhiễm không khí buổi trưa giảm là do tầng bề mặt bị hun nóng bởi mặt trời và tạo đối lưu không khí trục đứng. Buổi đêm từ 18h chiều đến 7h sáng hôm sau bề mặt nguội nên không khí ô nhiễm lại lắng xuống.
"Mọi người tập thể dục buổi sáng, người đi làm sớm đặc biệt lưu ý và phải mang khẩu trang trong những ngày tới. Khí CO không phát hiện được bằng mắt thường nên phải cảnh giác, chuẩn bị các biện pháp an toàn bảo vệ sức khỏe", TS Nguyễn Ngọc Huy khuyến cáo.