Bạn bè quốc tế ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam xây dựng Quân đội trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 ghi dấu mốc kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta. Mặc dù thực dân Pháp chấp nhận ký Hiệp định Genève, song đất nước ta bị chia cắt thành hai miền Nam - Bắc, với phân giới tự nhiên là dòng sông Bến Hải. Để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, quân và dân Việt Nam lại phải bước vào cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược với tiềm lực kinh tế, quân sự mạnh hàng đầu thế giới. Trong bối cảnh đó, chúng ta rất cần sự giúp đỡ, ủng hộ của quốc tế, nhất là các nước xã hội chủ nghĩa về nhiều mặt: Chính trị - ngoại giao, kinh tế, quân sự... Một trong những yêu cầu bức thiết khi ấy là xây dựng QĐND trở thành chỗ dựa vững chắc cho toàn dân tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975).
Chủ trương xây dựng QĐND trong tình hình mới được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra ngay từ trước khi Hiệp định Genève được ký kết. Trong báo cáo tại Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Tăng cường lực lượng QĐND, xây dựng một QĐND mạnh mẽ và thích hợp với yêu cầu của tình thế mới”[1]. Quán triệt định hướng này, đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh nhấn mạnh: “Nhiệm vụ tăng cường lực lượng quân sự là một trong những nhiệm vụ trung tâm của toàn Đảng và toàn dân... phấn đấu để xây dựng một QĐND hùng mạnh, thích hợp với yêu cầu của tình thế mới, đó là một nhiệm vụ trọng đại của Đảng ta hiện nay”[2].
Trung ương Đảng xác định: “Vấn đề xây dựng một quân đội cách mạng chính quy và hiện đại là một vấn đề mới mẻ đối với chúng ta. Nhưng chúng ta còn có kinh nghiệm phong phú về xây dựng quân đội cách mạng hiện đại, chúng ta có khoa học quân sự tiên tiến của các Đảng và các quân đội anh em, đặc biệt là của Liên Xô và Trung Quốc. Sự giúp đỡ của Liên Xô và Trung Quốc tạo điều kiện cho quân đội ta có thể tranh thủ thời gian trên con đường xây dựng chính quy hóa và hiện đại hóa, trong lúc bản thân chúng ta chưa có đầy đủ các điều kiện”[3].
Nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến trong thời kỳ quan hệ quốc tế có nhiều biến động phức tạp, có thể kể tới là sự căng thẳng của Chiến tranh lạnh... Bối cảnh quốc tế đó đã tác động sâu sắc tới sự ủng hộ, giúp đỡ của quốc tế, đặc biệt là chi viện, giúp đỡ về quân sự đối với Việt Nam. Sự ủng hộ, giúp đỡ của quốc tế về mặt quân sự chủ yếu là từ các nước xã hội chủ nghĩa như: Liên Xô, Trung Quốc, Cuba, Ba Lan, Tiệp Khắc, Rumani, Bungari, Hunggari, Cộng hòa Dân chủ Đức, Cộng hòa Nhân dân Triều Tiên...
Theo số liệu được công bố trong công trình “Chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945-1975 - Thắng lợi và bài học” của Ban Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị, viện trợ quân sự của các nước xã hội chủ nghĩa cho Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước có thể chia thành 5 giai đoạn. Giai đoạn 1 (1955-1960): 49.585 tấn, bao gồm 4.105 tấn hàng hậu cần và 45.480 tấn kỹ thuật (vũ khí, khí tài, vật tư, đạn dược); giai đoạn 2 (1961-1964): 300.065 tấn, bao gồm 230.000 tấn hậu cần, 70.065 tấn kỹ thuật; giai đoạn 3 (1965-1968): 517.493 tấn, bao gồm 105.614 tấn hậu cần, 411.879 tấn kỹ thuật; giai đoạn 4 (1969-1972): 1.000.796 tấn, bao gồm 316.130 tấn hậu cần và 684.666 tấn kỹ thuật; giai đoạn 5 (1973-1975): 124.513 tấn, bao gồm 75.267 tấn hậu cần và 49.246 tấn kỹ thuật. Tính tổng trọng lượng các mặt hàng quân sự mà các nước xã hội chủ nghĩa viện trợ Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là 1.992.452 tấn.
Những mặt hàng quân sự mà các nước xã hội chủ nghĩa viện trợ cho Việt Nam lúc bấy giờ là những vật tư, khí tài thiết yếu để Việt Nam phát triển các quân, binh chủng: Phòng không, Không quân và Hải quân, đẩy nhanh quá trình xây dựng QĐND chính quy, hiện đại. Nhờ nguồn viện trợ quân sự nên vũ khí, trang bị của QĐND Việt Nam có những bước tiến vượt bậc. Bước đầu, Việt Nam xây dựng được nền công nghiệp quốc phòng với nhiều công trình sản xuất, bảo dưỡng, sửa chữa một số loại vũ khí, đạn dược, phương tiện phục vụ cho cuộc chiến đấu trước mắt cũng như lâu dài. Đi đôi với viện trợ vật chất, bạn bè quốc tế còn giúp đào tạo cán bộ và đội ngũ chuyên gia trên lĩnh vực quân sự. Cùng với sự giúp đỡ về vật chất, kỹ thuật, đào tạo cán bộ, nhiều chuyên gia quân sự của các nước đã trực tiếp tham gia chiến đấu cùng với quân và dân Việt Nam. Sự ủng hộ, giúp đỡ đó có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với cách mạng Việt Nam nói chung và QĐND Việt Nam nói riêng.
Viện trợ quân sự cùng sự động viên về chính trị, tinh thần của bạn bè quốc tế đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của Việt Nam trong những năm khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Lực lượng vũ trang và nhân dân Việt Nam, với nòng cốt là lực lượng QĐND đã lần lượt đánh bại các chiến lược của kẻ địch từ Chiến tranh đặc biệt, Chiến tranh cục bộ đến Việt Nam hóa chiến tranh, giành nhiều thắng lợi quan trọng: Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968; tiến công chiến lược năm 1972... để đi tới Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, non sông thu về một mối.
Có thể thấy, trong điều kiện nền kinh tế trong nước còn khó khăn, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, trước hết là các nước xã hội chủ nghĩa để xây dựng QĐND là vô cùng quan trọng. Tiếp sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chúng ta đã tranh thủ hiệu quả sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu đó. Điều đáng nói, mặc dù trình độ khoa học kỹ thuật còn hạn chế, nhiều loại vũ khí, khí tài được viện trợ hiện đại bậc nhất thời bấy giờ..., song vượt qua mọi khó khăn, bằng trí thông minh và nghị lực phi thường, cán bộ, chiến sĩ quân đội ta không phụ sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân, nhanh chóng tiếp cận, tiến tới làm chủ vũ khí, khí tài, sử dụng và phát huy tối đa hiệu quả trong chiến đấu. Chính điều này đã góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp của quân và dân ta “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giành lại độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 15, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2001, tr.171.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 15, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2001, tr.188.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 18, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2001, tr.203.