Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp

Bà Hà Hồng Hạnh - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Khánh Hòa trả lời phỏng vấn Báo Khánh Hòa về những điểm mới trong dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Luật KH, CN và ĐMST).

Bà Hà Hồng Hạnh - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa

Bà Hà Hồng Hạnh - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa

- Thưa bà, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ thảo luận và cho ý kiến dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, xin bà cho biết sự cần thiết của việc ban hành dự án Luật này?

Trong hơn 10 năm qua, Luật KH&CN 2013 đã phát huy vai trò quan trọng trong việc tạo hành lang pháp lý cơ bản và quan trọng cho việc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH&CN. Trên cơ sở đó, KH&CN đã có những bước tiến tích cực, đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội và được minh chứng qua nhiều kết quả nổi bật: Theo Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index 2024 - GII) năm 2024 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO), Việt Nam được xếp hạng 44/133 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2023 (năm 2022, Việt Nam đứng thứ 48). Năm 2024, Việt Nam có 3 chỉ số đứng đầu thế giới là chỉ số Nhập khẩu công nghệ cao, Xuất khẩu công nghệ cao và Xuất khẩu hàng hóa sáng tạo (tính trên tổng giao dịch thương mại).

Tuy nhiên, quá trình triển khai thi hành Luật KH&CN 2013 cho thấy pháp luật hiện hành còn có những nội dung chưa phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn để phát triển khoa học, công nghệ, phát triển kinh tế - xã hội, cụ thể là:

Thứ nhất, các quy định của pháp luật về KH,CN và ĐMST chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn, chưa đồng bộ và được xác định là một trong những rào cản để thực hiện mục tiêu đưa KH,CN và ĐMST thành động lực chính phát triển kinh tế - xã hội; pháp luật về KH,CN và ĐMST cũng chưa quy định được đầy đủ cơ chế để thực sự thu hút, đào tạo, phát triển được nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ chế thu hút, đãi ngộ nhân tài cho KH,CN và ĐMST.

Thứ hai, các làn sóng công nghệ mới phát triển nhanh chóng, mãnh liệt, đặc biệt là làn sóng của Cách mạng công nghệ 4.0 mà trong đó chuyển đổi số là cốt lõi đòi hỏi các quy định của pháp luật KH,CN và ĐMST phải được điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn.

Thứ ba, khi xây dựng Luật KH&CN 2013, các chủ thể tham gia hoạt động KH&CN chủ yếu đến từ khu vực viện nghiên cứu, trường đại học công lập. Hoạt động ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ, thương mại hóa sản phẩm KH&CN, nhất là trong các đơn vị sản xuất, kinh doanh tuy đã được quan tâm nhưng chưa trở thành xu thế phổ biến. Trong bối cảnh hiện nay, để KH,CN và ĐMST thực sự tác động đến tăng trưởng kinh tế thì việc xác định doanh nghiệp là chủ thể quan trọng nhất trong hoạt động ứng dụng, chuyển giao, đổi mới, sáng tạo công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo là vấn đề căn bản nhất cần được thể chế hóa trong Luật để xoay trục các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo lấy doanh nghiệp làm trung tâm.

- Thưa bà, dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo có những nội dung gì mới?

Về đổi mới sáng tạo (ĐMST) (IV, V): Lần đầu tiên, ĐMST được đưa vào và đứng ngang với KHCN. Dự thảo Luật bổ sung các cơ chế hỗ trợ cho hoạt động ĐMST, đặc biệt là trong doanh nghiệp; thúc đẩy sự phát triển của các tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm.

Về thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp (Điều 4, 33, 34, 35, 36, 37, 38, 39, 65, 66, 67, 68): Dự thảo Luật đã dành riêng chương IV với nhiều chính sách nhằm khuyến khích, huy động nguồn lực từ doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động KH,CN và ĐMST, doanh nghiệp được trích lập nhiều hơn cho Quỹ Phát triển KH,CN và ĐMST của mình, được chi cho các hoạt động đầu tư vào KH,CN và ĐMST, được tính chi phí khấu trừ thuế (kể cả các dự án khởi nghiệp sáng tạo và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo).

Về sửa đổi các luật liên quan (từ Điều 74 đến Điều 80): Dự thảo Luật đề xuất sửa một số điều liên quan đến 7 luật để tạo thuận lợi cho hoạt động KH,CN và ĐMST, bao gồm: Luật Công nghệ cao, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Đất đai, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Luật Báo chí, Luật Sở hữu trí tuệ để bảo đảm các quy định của dự thảo Luật KH,CN và ĐMST được triển khai thuận lợi trong thực tiễn và tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

- Thưa bà, trong dự án Luật này có những cải cách gì mới về thủ tục hành chính so với Luật Khoa hoc và Công nghệ năm 2013?

Hiện tại, dự thảo Luật quy định 6 thủ tục hành chính, cụ thể: (1) Thành lập tổ chức khoa học và công nghệ; (2) Đăng ký công nhận trung tâm nghiên cứu và phát triển; (3) Công nhận cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; chuyên gia hỗ trợ khởi nghiệp (4) Công nhận tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; (5) Công nhận trung tâm đổi mới sáng tạo; (6) Tuyển chọn, xét tài trợ, giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Như vậy, so với Luật KH&CN năm 2013, dự thảo Luật đã cắt giảm 9/11 thủ tục, đạt 81%.

Do dự thảo Luật mở rộng phạm vi điều chỉnh sang lĩnh vực ĐMST nên đã bổ sung 4 thủ tục hành chính để quản lý các đối tượng mới và công nhận để tạo điều kiện cho các tổ chức được hưởng các ưu đãi của pháp luật về thuế và đầu tư.

- Xin cảm ơn bà!

TRÍ NGHĨA (Thực hiện)

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/202505/thuc-day-hoat-dong-nghien-cuu-phat-trien-va-doi-moi-sang-tao-trong-doanh-nghiep-7832d7e/
Zalo