ĐBQH: Vụ 600 loại sữa giả phơi bày sự buông lỏng và lỗ hổng lớn
Dẫn vụ việc gần 600 nhãn hiệu sữa giả được sản xuất, lưu hành suốt 4 năm qua, đại biểu Nguyễn Như So cho rằng, điều này đã phơi bày rõ nét sự buông lỏng, sự chồng chéo và đùn đẩy trách nhiệm.

ĐBQH Nguyễn Như So phát biểu thảo luận tổ tại Quốc hội
Chiều 6-5, Quốc hội thảo luận ở tổ về 3 nội dung: Dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).
Phát biểu thảo luận tại tổ, ĐBQH Nguyễn Như So (đoàn Bắc Ninh) - Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, ông tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Lý do vì luật hiện hành sau 17 năm triển khai đã bộc lộ những hạn chế, không còn theo kịp sự phát triển trong bối cảnh nền kinh tế mở, hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đặc biệt là các vấn đề liên quan đến truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng trong thương mại điện tử, trách nhiệm của nhà sản xuất trong chuỗi cung ứng...
Góp ý cụ thể vào các nội dung của dự thảo luật, ông So bày tỏ sự quan tâm đến quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa tại khoản 30, 31, 32 Điều 1 Dự thảo.
Theo ông, cần rà soát, điều chỉnh theo hướng tăng tính minh bạch, phân định rõ ràng trách nhiệm quản lý nhà nước của từng bộ, ngành theo lĩnh vực được phân công tránh chồng chéo, buông lỏng quản lý hoặc bỏ trống trách nhiệm.
Đồng thời, cần thiết lập rõ vai trò chủ trì và cơ chế phối hợp liên ngành một cách hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm về chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Dẫn lại vụ việc gần 600 nhãn hiệu sữa giả được sản xuất và lưu hành công khai trong suốt 4 năm qua vừa được Công an triệt phá, đại biểu Nguyễn Như So cho rằng, điều này đã phơi bày rõ nét sự buông lỏng và thiếu cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong kiểm soát chất lượng hàng hóa.
“Đây không chỉ là vụ việc cá biệt mà còn là dấu hiệu cho thấy những lỗ hổng mang tính hệ thống trong thiết kế chính sách và tổ chức thực thi” – đại biểu So nói.
Ông phân tích, cơ chế hậu kiểm vốn là định hướng đúng đắn phù hợp với thông lệ quốc tế và chủ trương cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, nâng cao tính chủ động trách nhiệm của doanh nghiệp. Thế nhưng khi thiếu năng lực hậu kiểm, thiếu cơ chế phối hợp, thiếu sự liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước thì cơ chế này trở thành kẽ hở để lợi dụng, né tránh trách nhiệm pháp lý và kiểm soát chất lượng.
“Trong vụ việc trên, sự chồng chéo, phân tán và thiếu thống nhất trong phân công trách nhiệm giữa Bộ Y tế, Bộ Công Thương, chính quyền địa phương... khiến cho không có một cơ quan nào thực sự chịu trách nhiệm toàn diện. Khi hậu quả xảy ra việc quy trách nhiệm trở nên mơ hồ vì tất cả đều liên quan nhưng không ai là đầu mối chịu trách nhiệm cuối cùng, dẫn đến tình trạng đùn đẩy, đá bóng trách nhiệm” – ĐBQH Nguyễn Như So phân tích.
Cuối cùng, đại biểu này cho rằng, việc sửa đổi Luật cần giải quyết tận gốc vấn đề bằng cách thiết lập mô hình quản lý rõ ràng, trong đó quy định cụ thể cơ quan chủ trì, cơ chế phối hợp liên ngành, trách nhiệm hậu kiểm gắn với chế tài thực thi đủ mạnh.
“Chỉ khi xây dựng được cơ chế quản lý đồng bộ, rõ ràng và có tính ràng buộc cao thì chất lượng sản phẩm hàng hóa mới thực sự được kiểm soát và quyền lợi người tiêu dùng mới được bảo đảm” – ĐBQH Nguyễn Như So nói.