Sẽ thêm quy định với người kinh doanh hàng hóa qua thương mại điện tử

Để tháo gỡ những bất cập của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007, Phó thủ tướng Lê Thành Long cho biết, dự thảo luật đã sửa đổi một số nội dung như bổ sung nghĩa vụ đối với người kinh doanh hàng hóa qua thương mại điện tử, đề xuất bỏ cơ chế phân công theo từng sản phẩm, hướng mạnh về hậu kiểm.

Sáng nay (6-5), Phó thủ tướng Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đã trình bày tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong khuôn khổ kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, TTXVN đưa tin.

Theo đánh giá của Chính phủ, sau gần 17 năm áp dụng, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007 đã bộc lộ nhiều vướng mắc, đặc biệt là tình trạng chồng chéo, thiếu minh bạch trong phân công và phân cấp giữa các cơ quan quản lý nhà nước.

Hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử đang ngày càng phổ biến nhưng lại là khoảng trống lớn trong khung pháp lý hiện hành. Ảnh: TL

Hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử đang ngày càng phổ biến nhưng lại là khoảng trống lớn trong khung pháp lý hiện hành. Ảnh: TL

Để tháo gỡ những mâu thuẫn nêu trên, dự thảo luật đã đề xuất bỏ cơ chế phân công theo từng sản phẩm, thay vào đó là nguyên tắc chung về phân công, phân cấp quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Chính phủ sẽ thống nhất quy định danh mục hàng hóa và giao các bộ quản lý ngành, lĩnh vực thực hiện.

Điểm đáng chú ý là dự thảo lần này cũng bổ sung nghĩa vụ đối với người kinh doanh hàng hóa qua thương mại điện tử. Theo Phó thủ tướng, hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử đang ngày càng phổ biến nhưng lại là khoảng trống lớn trong khung pháp lý hiện hành.

Luật sửa đổi lần này yêu cầu người bán hàng trên môi trường mạng phải tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng đồng thời chịu trách nhiệm pháp lý nếu để xảy ra vi phạm về chất lượng, hàng giả, hàng kém chất lượng. Đây là yếu tố quan trọng trong xu thế chuyển đổi số toàn diện của nền kinh tế, nơi người tiêu dùng ngày càng phụ thuộc vào môi trường số để lựa chọn sản phẩm.

Dự luật cũng hướng mạnh về hậu kiểm, giao quyền và trách nhiệm rõ ràng hơn cho các cơ quan giám sát thị trường tại địa phương. Cùng với việc tinh gọn bộ máy quản lý, dự thảo luật sửa đổi còn chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong công tác kiểm soát chất lượng, trong đó có mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc, quản lý nhãn điện tử.

Dự thảo luật cũng chỉnh sửa các quy định tại Điều 12 và Điều 19 của luật hiện hành để đảm bảo sự thống nhất với Luật Phí và lệ phí. Việc kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu sẽ không còn phải nộp lệ phí như trước đây, giúp giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.

Về phía cơ quan thẩm tra, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu bổ sung một số chính sách như hài hòa tiêu chuẩn, thừa nhận lẫn nhau kết quả đánh giá sự phù hợp; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số, hệ thống truy xuất nguồn gốc và chứng nhận chuỗi cung ứng.

Bên cạnh đó, Ủy ban đề nghị Chính phủ nghiên cứu, sửa đổi quy định về kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa nhập khẩu cho phù hợp với tình hình thực tế, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa. Cùng với đó là đề nghị nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định chế tài cụ thể, đủ mạnh để xử lý vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Thùy Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/se-them-quy-dinh-voi-nguoi-kinh-doanh-hang-hoa-qua-thuong-mai-dien-tu/
Zalo