Thúc đẩy chăn nuôi an toàn sinh học
Xác định chăn nuôi an toàn sinh học (ATSH) là hướng đi bền vững cho lĩnh vực chăn nuôi, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng phối hợp với các địa phương tích cực tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn người dân tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi ATSH. Đến nay, trên 85% số doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ chăn nuôi quy mô lớn trong tỉnh áp dụng thành công phương pháp chăn nuôi ATSH, VietGAHP, hiệu quả kinh tế tăng trung bình 15 – 20%/năm.
Sau ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi trên đàn lợn, 3 năm nay, HTX Nam Phong ở xã Xuân Trúc (Ân Thi) chuyển hướng sang chăn nuôi gia cầm. Để nâng cao hiệu quả chăn nuôi, bảo đảm nguồn thu nhập cho các thành viên, HTX áp dụng quy trình chăn nuôi ATSH và quan tâm bảo vệ môi trường để hạn chế mầm bệnh phát sinh. Anh Nguyễn Văn Phong, Giám đốc HTX Nam Phong cho biết: HTX duy trì chăn nuôi trên 3 nghìn con gà/lứa theo phương pháp chăn nuôi ATSH. Chuồng trại được đầu tư hệ thống làm mát, quạt thông gió, chuồng nuôi được dọn vệ sinh và phun khử trùng tiêu độc định kỳ, môi trường xung quanh chuồng trại, đường đi được rắc vôi bột. HTX đầu tư máy ấp trứng để chủ động nguồn con giống. Quá trình chăn nuôi, gà được tiêm đầy đủ các loại vắc xin và bổ sung thêm các loại men vi sinh, khoáng chất giúp tiêu hóa tốt, tăng sức đề kháng. Từ khi áp dụng phương pháp chăn nuôi ATSH, trang trại chưa xảy ra dịch bệnh, gà khỏe mạnh, phát triển tốt, giảm tỉ lệ hao hụt.
Áp dụng quy trình ATSH trong chăn nuôi đã giúp trang trại chăn nuôi lợn của gia đình anh Nguyễn Văn Dũng ở xã Quảng Châu (thành phố Hưng Yên) vượt “bão” bệnh dịch tả lợn châu Phi. Anh Dũng khẳng định: Chăn nuôi ATSH cho năng suất, chất lượng sản phẩm ổn định. Ngoài ra, chăn nuôi bảo đảm kỹ thuật giúp kiểm soát dịch bệnh, hạn chế rủi ro trong sản xuất. Thời điểm bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát trong tỉnh và cả nước, trang trại chăn nuôi lợn của gia đình tôi không bị ảnh hưởng, hoạt động chăn nuôi vẫn diễn ra bình thường, lợn thương phẩm xuất bán ra thị trường đều đặn, bảo đảm cả về lượng và chất. Từ hơn 6 năm nay, gia đình tôi thường xuyên duy trì chăn nuôi trên 1 nghìn con lợn; xuất bán trung bình 15 tấn lợn/tháng, doanh thu đạt trên 3 tỷ đồng/năm.
Thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi VietGAHP bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2030, từ năm 2020 đến nay, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các địa phương tổ chức gần 90 lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật chăn nuôi ATSH, VietGAPH cho trên 4,5 nghìn lượt người; hỗ trợ trên 110 hộ chăn nuôi áp dụng quy trình ATSH, VietGAHP trong sản xuất; hỗ trợ 6 máy tách ép phân và gần 10 hầm biogas cho các trang trại để bảo đảm vệ sinh môi trường khu vực chăn nuôi… Từ đó, tạo ra gần 15 nghìn tấn lợn hơi, khoảng 5 nghìn tấn thịt gia cầm, trên 79 triệu quả trứng gia cầm… đạt tiêu chuẩn VietGAHP cung ứng ra thị trường. Đến nay, toàn tỉnh có trên 120 trang trại chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAHP; tỉ lệ nhân giống theo phương pháp thụ tinh nhân tạo cho đàn vật nuôi đạt trên 95%…
Tuy nhiên hiện nay, việc áp dụng đồng bộ phương pháp chăn nuôi ATSH và VietGAHP ở một số trang trại và hộ chăn nuôi trong tỉnh còn gặp một số khó khăn do chưa đủ điều kiện về diện tích đất chăn nuôi, thiếu hạ tầng chuồng trại, thiết bị vật tư sản xuất, nguồn vốn... Để khắc phục tình trạng trên, hiện nay, tỉnh tiếp tục có cơ chế, chính sách ưu đãi về vốn vay, quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi xây dựng trang trại khép kín, tạo động lực hình thành các HTX, phát triển chuỗi liên kết từ sản xuất đến giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Hằng năm, các ngành chức năng trong tỉnh phối hợp với các địa phương tổ chức rà soát, hỗ trợ xây dựng sản phẩm OCOP, nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm chăn nuôi và sản phẩm chăn nuôi sau chế biến đủ điều kiện để nâng cao giá trị sản phẩm, thúc đẩy mở rộng thị trường tiêu thụ.
Đồng chí Lê Trung Cần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Chăn nuôi ATSH, theo quy trình VietGAHP là hướng đi cần thiết, mang lại hiệu quả bền vững cho hoạt động chăn nuôi của tỉnh với hiệu quả kinh tế tăng trung bình 15% so với phương pháp chăn nuôi truyền thống, cung cấp sản phẩm chăn nuôi an toàn, đem lại lợi ích sức khỏe cho cộng đồng.