Thức ăn chín không che đậy bán tràn lan tại các di tích, lễ hội
Tháng Giêng là tháng diễn ra nhiều lễ hội, thu hút lượng lớn khách du xuân đầu năm tại các di tích lịch sử, đền, chùa… Ăn theo các hoạt động này là hàng quán kinh doanh thực phẩm với lượng khách đông đúc, dẫn đến nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), nhất là tại những nơi có tổ chức lễ hội lớn, tập trung nhiều người tham gia. Năm nay, Hà Nội tổ chức nhiều đợt kiểm tra an toàn thực phẩm tại nhiều lễ hội.
“Phơi” trên đường đi
Phủ Tây Hồ (Hà Nội) đông khách từ đêm 30 Tết cho hết tháng Giêng. Những ngày này, dòng người đổ về Phủ Tây Hồ cầu may, xin tài lộc vẫn đông đúc. Tại các lối đi vào Phủ luôn đông kín người, xe ôtô từ các tỉnh chở khách thập phương về vãn cảnh, cầu may đông vào ngày cuối tuần.
Ngay từ mùng 1 Tết cho đến nay, dọc hai bên đường vào Phủ kín hàng quán kinh doanh thực phẩm để phục vụ du khách. So với những năm trước, nhiều hàng quán ở đây đã đưa những mẹt bánh tôm rán, bánh bột lọc vào tủ kính, hoặc bọc lại, nhưng vẫn còn cơ sở vi phạm. Những mẹt bánh tôm rán màu vàng óng, chất đầy ngay bên đường đi không che đậy, rất dễ nhiễm khuẩn.
Dòng người tấp nập vào Phủ từ sáng đến tối, cuốn theo bụi bặm, bám vào những khay bánh tôm và các thực phẩm chín bày sẵn ở lối đi. Có những rổ chim bồ câu chao chín cũng “phơi” ngay cạnh đường đi. Bên cạnh đó là những nồi bún ốc nghi ngút khói, thực phẩm chín cũng bày trên kệ không che đậy để bán cho thực khách. Hàng ăn phía ngoài Phủ lúc nào cũng đông tấp nập khách, giấy ăn, rác thải vứt bừa bãi.

Nguy cơ nhiễm vi khuẩn khi thực phẩm chín không che đậy bán ngay cạnh đường đi.
Tại Đền Bạch Mã – một trong tứ trấn của Hà Nội, đầu năm cũng thu hút rất đông khách đến đây thắp hương thành kính. Những hàng ăn xung quanh phục vụ khách từ mùng 1 Tết. Có hàng bún ốc do khách quá đông, bát đĩa không kịp thu dọn, để thẳng xuống nền đất, tận dụng vỉa hè chật chội để rửa bát và xả rác bừa bãi.
Từ Tết Nguyên đán đến nay, di tích lịch sử và quần thể danh lam thắng cảnh Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội đón hàng nghìn lượt người mỗi ngày. Để phục vụ du khách, các nhà hàng đã chuẩn bị một lượng lớn thực phẩm, tuy nhiên, theo phản ánh của người dân đến đây du xuân, hàng ăn tại khu vực đền Trình vẫn bày bán thực phẩm chín không che đậy giữa đường đi lối lại rầm rập người qua. Từ thịt sống, đến đồ ăn chín như gà luộc, bánh trôi, chả, tôm, xúc xích… đều bày ở đường đi đầy bụi bẩn. Ngay tại khu vực bến Trò, sân Thiên Trù cũng tồn tại những hàng quán mất VSATTP.
Theo ông Trần Ngọc Tráng, Trưởng Phòng Y tế huyện Mỹ Đức, năm nay, tại Lễ hội Chùa Hương có 97 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố. Trước lễ hội, Đoàn kiểm tra liên ngành của Ban tổ chức lễ hội tiến hành kiểm tra, giám sát và cho các cơ sở ký cam kết điều kiện đảm bảo vệ sinh môi trường, VSATTP, không kinh doanh buôn bán động vật thú rừng… Trong dịp Tết Ất Tỵ, Đoàn đã tiến hành kiểm tra 10/97 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 1 cơ sở với số tiền 4 triệu đồng. Tình trạng treo móc thịt, kinh doanh động vật thú rừng đã không còn. Các hộ chỉ được sử dụng một số động vật nuôi có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được kiểm dịch đầy đủ để chế biến thực phẩm.
Tuy nhiên, Trưởng phòng Y tế huyện Mỹ Đức thừa nhận vẫn còn tồn tại tình trạng một số cơ sở chưa thực hiện tốt các quy định về VSATTP như: Chưa cập nhật ghi chép sổ theo dõi nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm hằng ngày thường xuyên, đầy đủ; còn thiếu thùng rác có nắp đậy kín trong khu vực sơ chế; chế biến thực phẩm chưa có đầy đủ trang thiết bị che đậy; bảo quản thực phẩm chín, thực phẩm đã qua chế biến để tránh sự xâm nhập của côn trùng, động vật gây hại…
Kiểm tra phải đột xuất, bất ngờ
Nhằm đảm bảo VSATTP Tết Nguyên đán và lễ hội đầu xuân, Hà Nội đã thành lập 4 đoàn kiểm tra liên ngành, trong đó, khi bắt đầu đi làm trở lại, các đoàn đã tiến hành kiểm tra ở một số lễ hội như chùa Hương, Phủ Tây Hồ... Tại Phủ Tây Hồ, Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 đã kiểm tra thực tế tại 4 nhà hàng: Hòa Nhã, Nguyệt Nga, Lâm Tuấn Đạt, Hồng Luyến, tại ngõ 50 phố Đặng Thai Mai, phường Quảng An.
Theo kết quả kiểm tra tại nhà hàng Hồng Luyến, cơ sở có các tủ kín để bày bán thực phẩm, thực hiện kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thức ăn theo quy định. Tuy nhiên, cơ sở còn một số tồn tại như chưa xuất trình giấy xác nhận tập huấn kiến thức ATTP của 2 người lao động và một số hồ sơ chứng minh nguồn gốc thực phẩm. Xét nghiệm nhanh tinh bột bát đĩa thì có 15/20 mẫu đạt; hàn the (bún tươi) đạt. Đoàn kiểm tra yêu cầu cơ sở bổ sung các giấy tờ còn thiếu và duy trì thực hiện nghiêm túc các điều kiện đảm bảo ATTP theo quy định.
Theo ông Thẩm Ngọc Trung, Trưởng phòng Y tế quận Tây Hồ, hiện có khoảng 27 cơ sở dịch vụ ăn uống phục vụ quanh Phủ Tây Hồ. Thời gian qua, Đoàn kiểm tra liên ngành của quận Tây Hồ và phường Quảng An đã xử phạt 3 cơ sở (mỗi cơ sở 4 triệu đồng) và quận đang thiết lập hồ sơ xử lý thêm 2 cơ sở. Các lỗi vi phạm chủ yếu là khâu vệ sinh trong chế biến và ngoại cảnh, đặc biệt là vấn đề lưu mẫu thực phẩm và kiểm thực 3 bước. Quận Tây Hồ cũng chú trọng kiểm tra nguồn gốc thực phẩm của các loại bánh như bánh tôm, bánh bột lọc… Trước đó, tuy các cơ sở đã được tập huấn, hướng dẫn và tuyên truyền những vấn đề liên quan đến VSATTP, nhưng khi đoàn liên ngành kiểm tra vẫn có một số cơ sở bị xử phạt.
Ông Đặng Thanh Phong, Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đề nghị các đoàn kiểm tra của địa phương ngoài việc kiểm tra theo kế hoạch, cần tăng cường kiểm tra đột xuất, qua đó kịp thời phát hiện các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống vi phạm quy định về ATTP. Đặc biệt, các đoàn không được “nương tay” với vi phạm, khi phát hiện vi phạm đề nghị các đoàn xử lý nghiêm, thậm chí có thể tạm dừng hoạt động của cơ sở.
Theo ông Phong, dịch vụ ăn uống tại các lễ hội thường mang tính chất tạm thời, thiếu nước sạch, thiếu phương tiện thu gom chất thải, thiếu điều kiện bảo quản và chế biến thực phẩm an toàn, hoặc bố trí ngay đường đi làm cho thức ăn dễ nhiễm khuẩn. Các cơ sở dịch vụ ít tuân thủ việc đeo găng tay khi chế biến thực phẩm chín, không dùng kẹp gắp khi chia thức ăn, thậm chí còn để thức ăn sống – chín lẫn lộn. Đây là những nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.