Thuật ngữ 'thất bại khi bước vào đời' của thanh niên Mỹ

'Thất bại khi bước vào đời' hay NEET là thuật ngữ chỉ những người thanh niên không tham gia vào các hoạt động làm kinh tế.

 Ảnh minh họa. Nguồn: EU Union.

Ảnh minh họa. Nguồn: EU Union.

Người Mỹ từ lâu đã sử dụng thuật ngữ "thất bại khi bước vào đời" để mô tả những người đi chệch hướng, không tìm được việc làm và cuối cùng phải sống với cha mẹ trong một khoảng thời gian không xác định. Những chàng trai ở độ tuổi gần 30 có nhiều khả năng sống chung với cha mẹ hơn (27% trong số họ, vào năm 2018) so với các cô gái trẻ (17%).

Một thuật ngữ chính quy hơn là NEET, được các nhà kinh tế học ở Vương quốc Anh đặt ra để chỉ những người trong độ tuổi từ 16 đến 24 không thuộc diện "Giáo dục, Việc làm hoặc Đào tạo". Những người trẻ như vậy được cho là "không hoạt động kinh tế"

NEET ở Vương quốc Anh và Mỹ chủ yếu là nam giới, loại trừ tất cả những người khuyết tật hoặc những người là cha mẹ đang chăm sóc con cái của họ.

Cha mẹ Mỹ nói rằng, họ cảm thấy lo lắng liệu con trai của họ có trở thành những người lớn thành đạt hay không, hơn là nói rằng họ lo lắng về con gái của họ. Các bậc phụ huynh cũng đồng ý con gái của họ sẽ dễ nói ra câu "Thất bại không làm con nản lòng".

Cha mẹ lo lắng là điều dễ hiểu. Con trai cũng dễ bị tổn thương hơn khi trở thành người khép kín hoàn toàn, như tình trạng đã xảy ra ở Nhật Bản. Từ lâu, xã hội Nhật Bản đã đặt áp lực nặng nề buộc những người đàn ông trẻ tuổi phải thành công trong học tập, có được một công việc danh giá và tuân theo những kỳ vọng xã hội đặt ra đối với một "người đàn ông đi làm thuê".

Vào những năm 1990, khi bong bóng kinh tế của những năm 1980 tan vỡ và những rào cản để thành công ngày càng nhiều hơn, nhiều thanh niên đã lui về ở ẩn trong phòng ngủ lúc nhỏ của họ và đóng cửa lại. Khi tình trạng suy thoái kinh tế khiến họ gặp khó khăn hơn trong việc tham gia hiệu quả với thế giới bên ngoài, thì Internet đã tạo điều kiện cho những người đàn ông trẻ có được khả năng thể hiện bản thân và giao tiếp xã hội của họ ở một mức độ nào đó, một mình trong phòng ngủ.

Những người trẻ này được gọi là hikikomori, một thuật ngữ tiếng Nhật có nghĩa là "tự giam mình". Họ sống như những ẩn sĩ, hầu như chỉ ra khỏi nơi trú ẩn của họ vào những thời điểm kỳ lạ khi họ ít có khả năng gặp bất kỳ ai, kể cả người thân. Trong một số gia đình, cha mẹ còn để thức ăn cho họ bên ngoài cửa. Họ xoa dịu nỗi lo lắng của mình bằng cách ở trong nhà, nhưng họ càng ở trong nhà lâu, họ càng trở nên kém linh hoạt hơn với thế giới bên ngoài. Từ đó họ cứ bị mắc kẹt.

Trong nhiều năm, cộng đồng tâm thần học đã coi hikikomori là một tình trạng đặc biệt của Nhật Bản.

Nhưng trong những năm gần đây, một số thanh niên ở Hoa Kỳ và những nơi khác đang có hành vi giống như hikikomori. Một số thanh niên thậm chí còn lấy cả từ tiếng Nhật và "NEET" làm danh tính bộ lạc.

Trên Reddit, các subreddit r/NEET và r/hikikomori thảo luận về mọi thứ, từ các chương trình truyền hình tán thành lối sống khép kín đến các chi tiết cụ thể của việc đi tiểu trong hộp vệ sinh cho mèo để tránh phải rời khỏi phòng.

Allie Conti của tạp chí New York đã nói chuyện với một người dùng Reddit như vậy đến từ Bắc Carolina tên là Luca. Luca mắc chứng lo âu từ khi học cấp 2. Mẹ cậu đã cho cậu nghỉ học khi cậu 12 tuổi và cho phép cậu học trực tuyến ở phòng ngủ của mình.

Tuy nhiên, Luca đã tìm thấy một thế giới trực tuyến đủ sống động để giữ cho tâm trí cậu không bị chết đói. 10 năm sau, cậu vẫn chơi trò chơi điện tử và lướt web cả đêm. Rồi cậu ngủ cả ngày.

Thế giới quan của Luca hợp lý bởi vì sự kết nối Internet cho phép cậu tiếp cận với một xã hội mô phỏng mà không cần phải đối mặt với lo âu.

Jonathan Haidt & NXB Công Thương/1980 Books

Nguồn Znews: https://znews.vn/thuat-ngu-that-bai-khi-buoc-vao-doi-cua-thanh-nien-my-post1532439.html
Zalo