Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm giáo viên dạy thêm sai quy định
Thủ tướng yêu cầu các địa phương chỉ đạo thực hiện nghiêm quy định về dạy thêm, học thêm do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, trường hợp vi phạm phải xử lý nghiêm.
Ngày 7/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính có công điện gửi Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành chỉ đạo công tác tuyển sinh trung học cơ sở, tuyển sinh trung học phổ thông và quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm.
Theo Thủ tướng, thời gian qua, việc quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm ở một số địa phương còn bất cập, chưa được kịp thời xử lý, ảnh hưởng đến các hoạt động dạy và học tại các cơ sở giáo dục, tạo dư luận không tốt trong xã hội.
![Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm giáo viên dạy thêm sai quy định. Ảnh minh họa.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_07_309_51420466/91226b8852c6bb98e2d7.jpg)
Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm giáo viên dạy thêm sai quy định. Ảnh minh họa.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý Nhà nước về tuyển sinh trung học cơ sở, tuyển sinh trung học phổ thông và hoạt động dạy thêm, học thêm, Thủ tướng yêu cầu các địa phương chỉ đạo thực hiện nghiêm quy định về dạy thêm, học thêm do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Các trường hợp vi phạm phải xử lý nghiêm.
Kịp thời phát hiện, tuyên dương, khen thưởng, nhân rộng những tấm gương của tập thể, cá nhân tận tụy, tâm huyết, hết lòng vì học sinh. Hỗ trợ kinh phí phù hợp cho các nhà trường để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, đôn đốc các địa phương hướng dẫn các nhà trường thực hiện nghiêm túc quy chế tuyển sinh và quy định về dạy thêm, học thêm. Tăng cường thông tin, tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định dạy thêm, học thêm; xử lý nghiêm và công khai các trường hợp sai phạm.
Đồng thời, Bộ cần chủ động rà soát, nắm bắt thông tin để kịp thời sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh và quy định về dạy thêm, học thêm, đảm bảo phù hợp thực tiễn và đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện công điện này; phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo Thủ tướng những vấn đề vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện.
Cuối tháng 12/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm.
Thông tư nêu rõ trường học chỉ được dạy thêm ba nhóm và phải miễn phí, gồm: nhóm có kết quả chưa đạt; được chọn bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh cuối cấp, tự nguyện đăng ký ôn thi.
Với dạy thêm ngoài trường, giáo viên không được thu tiền dạy thêm với học sinh trên lớp của mình.
Tại Điều 4 Thông tư 29, quy định về các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm nêu rõ:
Thứ nhất, không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kĩ năng sống.
Thứ hai, giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Thứ ba, giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.
Điều này đồng nghĩa giáo viên trường công chỉ có thể tham gia dạy thêm ở các trung tâm bên ngoài trường học, không được trực tiếp mở hay quản lý trung tâm dạy thêm.
Theo quy định của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên làm sai quy định về dạy thêm, học thêm có thể bị khiển trách, cảnh cáo, buộc thôi việc.
Trường hợp dạy thêm có thu tiền ngoài trường nhưng không đăng ký thành lập hộ kinh doanh có thể bị phạt 5-10 triệu đồng, theo Nghị định 122 năm 2021 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.