Điều động giáo viên từ miền xuôi lên miền ngược phải làm như quân đội

Khi các cơ quan quản lý điều động giáo viên từ miền xuôi lên miền ngược thì phải làm như quân đội, đã điều là phải đi.

Ảnh minh họa/internet.

Ảnh minh họa/internet.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương góp ý khi thảo luận về dự thảo Luật Nhà giáo tại phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội – sáng 7/2.

Cho ý kiến về việc điều động và thuyên chuyển nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu, quy định rành mạch hơn. Có nhiều trường hợp công tác ở miền núi đủ 3 năm và xin thuyên chuyển nhưng nhiều nơi họ không đồng ý với nhiều lý do khác nhau.

Vì vậy, có tình trạng cô giáo cắm bản 10-20 năm. Giờ làm Luật Nhà giáo và sau này Luật Giáo dục phải tháo gỡ vấn đề này. Cơ quan quản lý nhà nước cấp trên có quyền điều động giáo viên đủ 3 năm về nơi có điều kiện khác hơn để thực hiện các chính sách vượt trội với đối tượng này. Nếu không lại như cũ, giáo viên 10-20 năm vẫn cắm bản.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, cơ quan quản lý nhà nước điều động giáo viên từ miền xuôi lên miền ngược cũng phải làm như quân đội. Điều là phải đi, nếu không đi là nghỉ việc.

“Ưu ái nhưng kỷ luật phải nghiêm minh. Trong quân đội, nhiều đồng chí xung phong đi miền núi, nhưng chế độ dù có cao đi nữa, họ vẫn có những hy sinh cống hiến, không ai muốn xa nhà” - Phó Chủ tịch Quốc hội nói, đồng thời đề nghị, trong trường hợp không thuyên chuyển được, cơ quan Nhà nước có quyền điều động từ miền ngược về xuôi, từ vùng khó khăn về thuận lợi. Ví dụ huyện A lên huyện B miền núi khi đủ 3 năm có thể về huyện C ở đồng bằng.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương.

Điều 21 dự thảo Luật Nhà giáo quy định về thuyên chuyển nhà giáo của các cơ sở giáo dục công lập như sau: Thuyên chuyển là việc nhà giáo chuyển từ cơ sở giáo dục này đến cơ sở giáo dục khác hoặc cơ quan, đơn vị khác theo nguyện vọng cá nhân, được sự đồng ý của cơ sở giáo dục, cơ quan, đơn vị nơi nhà giáo chuyển đi và chuyển đến.

Các trường hợp không được thuyên chuyển gồm: Người đang trong thời gian bị xem xét, xử lý kỷ luật; đang bị kiểm tra, xác minh, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử;

Công tác chưa đủ 5 năm tính từ thời điểm được tuyển dụng và bổ nhiệm chức danh nhà giáo trừ trường hợp tự nguyện, tình nguyện thuyên chuyển công tác đến cơ sở giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Nhà giáo đã công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ 3 năm trở lên được cơ sở giáo dục nơi nhà giáo công tác và cơ quan quản lý giáo dục theo thẩm quyền giải quyết cho thuyên chuyển khi nơi đến đồng ý tiếp nhận.

Nhà giáo được cơ quan quản lý giáo dục quản lý trực tiếp đồng ý cho thuyên chuyển thì cơ sở giáo dục nơi nhà giáo chuyển đi chấm dứt hợp đồng với nhà giáo, cơ sở giáo dục hoặc cơ quan, đơn vị nơi nhà giáo chuyển đến thực hiện việc tiếp nhận nhà giáo.

Theo dự thảo luật, Chính phủ sẽ quy định chi tiết về trình tự, thủ tục thuyên chuyển nhà giáo.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dieu-dong-giao-vien-tu-mien-xuoi-len-mien-nguoc-phai-lam-nhu-quan-doi-post718673.html
Zalo