Thủ tướng: Xử lý tài sản sáp nhập cần hợp lý, không lãng phí
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính chuẩn bị phương án xử lý tài sản một số cơ quan sau sáp nhập làm sao hợp lý nhưng không lãng phí.
Sáng 25/2, Ban Chỉ đạo Phòng, chống lãng phí họp phiên thứ nhất dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Cùng dự có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.
Lãng phí diễn ra khá phổ biến, gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng
Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ rõ, công tác phòng, chống lãng phí được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, là một trong những yếu tố quan trọng để gia tăng sức mạnh về nguồn lực, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển, làm giàu cho đất nước, nhất là trong giai đoạn cách mạng mới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Sau Hội nghị Trung ương 10 vừa qua, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được kiện toàn, bổ sung thêm chức năng phòng, chống lãng phí và đổi tên thành Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, thời gian qua, Chính phủ cũng đã có nhiều chỉ đạo, hành động quyết liệt để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết các điểm nghẽn gây lãng phí nguồn lực nền kinh tế.
Trong đó, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến thể chế, cơ chế; giải quyết các điểm nghẽn gây lãng phí nguồn lực của nền kinh tế.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy lãng phí vẫn còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển, nhất là trong các lĩnh vực như quản lý tài chính, tín dụng, tài sản công, đầu tư công, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động...
Những hạn chế này là một trong những nguyên nhân gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo.
Hơn thế, lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước.
Chính vì vậy, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo Phòng, chống lãng phí với thành phần bao gồm thủ trưởng tất cả các bộ, cơ quan ngang bộ để giải quyết, xử lý dứt điểm các điểm nghẽn gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực của nền kinh tế, tạo chuyển biến mới, có sức lan tỏa mạnh mẽ đối với công tác này.
Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu
Thủ tướng đề nghị đề cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, rà soát lại và trực tiếp chỉ đạo việc này. "Chúng ta sẽ có các cuộc họp thường xuyên hơn và sẽ có kiểm điểm rà soát tích cực hơn để giải quyết, nhất là các dự án lớn, không còn cách nào khác cả, càng để càng kéo dài càng lãng phí", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng chỉ rõ, cuộc họp này để cùng nhau rà soát lại các công việc đã triển khai, các kết quả đã đạt được, khó khăn, hạn chế và nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm để làm cơ sở đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cho thời gian tới; nhất là việc tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án tồn đọng kéo dài để sớm giải quyết dứt điểm, giải phóng nguồn lực cho nền kinh tế.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo tinh thần nhìn thẳng vào sự thậ; nói đúng, nói trúng, nói thật những tồn tại, yếu kém, những cái đang gây ra lãng phí nguồn lực của đất nước từ Trung ương cho đến địa phương, cơ sở.
Thủ tướng Chính phủ đặt vấn đề: “Nhất là nay mai đang tiến hành sáp nhập một số cơ quan, vậy thì tài sản xử lý như thế nào? Tôi cũng đã chỉ đạo Bộ Tài chính chuẩn bị phương án xử lý tài sản làm sao cho hợp lý, khang trang, làm sao cho đầy đủ nơi làm việc của cán bộ, công chức, viên chức nhưng mà không lãng phí".
Cùng với đó, Thủ tướng đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo đề xuất dự kiến nội dung hoạt động năm 2025 của bộ, ngành mình phụ trách, các nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện và trao đổi, thảo luận phương thức để tiếp tục phát huy vai trò của các Ban chỉ đạo đã thành lập song hành với hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí.
Trước đó, ngày 17/12/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1579/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí, do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng ban; đồng thời ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo.