Thủ tướng: Đề xuất sửa đổi quy định về ngân sách, đầu tư công, đấu thầu để chống lãng phí
Nhấn mạnh chính sách ban hành chưa hoặc không phù hợp cũng gây ra sự lãng phí rất lớn, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương xây dựng, hoàn thiện dự án Luật Tiết kiệm, chống lãng phí để trình Quốc hội, đề xuất sửa đổi các luật, quy định về ngân sách, đầu tư công, đấu thầu, hợp tác công tư, quy hoạch…
Giải phóng hàng chục tỷ USD
Sáng 25/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí chủ trì Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo. Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương xây dựng dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí theo Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Nhấn mạnh thêm một số nội dung, về kết quả đạt được, Thủ tướng đánh giá công tác chống lãng phí thời gian vừa qua đã đạt được những kết quả bước đầu, đáng khích lệ. Hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật chung đang tiếp tục được tập trung hoàn thiện, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn lực của đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Cùng với đó, kịp thời tháo gỡ nhiều vướng mắc, đưa bổ sung các nguồn lực vào nền kinh tế, nổi bật là việc xử lý tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện năng lượng tái tạo, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 233 /NQ-CP và nếu đưa được các dự án này vào khai thác, sử dụng thì sẽ giải phóng được một nguồn lực lên tới hàng chục tỷ USD.
Về tháo gỡ các vướng mắc về đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố theo Kết luận số 77-KL/TW của Bộ Chính trị, vừa qua Chính phủ đã báo cáo Quốc hội ban hành Nghị quyết số 170/2024/QH15, qua đó tạo cơ sở pháp lý để giải quyết các dự án tồn đọng, vướng mắc. Riêng tại Đà Nẵng, theo thống kê đến nay, hơn 1.300 dự án sẽ được tháo gỡ theo tinh thần Kết luận của Bộ Chính trị.
Đồng thời, giải quyết tồn tại kéo dài đối với dự án bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 và dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2. Hoàn thành chuyển giao bắt buộc 4 ngân hàng thương mại yếu kém. Xử lý toàn bộ 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả của ngành công thương trước đây. Thúc đẩy các dự án kéo dài như chuỗi dự án điện khí Lô B – Ô Môn kéo dài 20 năm, cùng một loạt dự án năng lượng, đặc biệt là hoàn thành đường dây 500 kV mạch 3 trong vòng 6 tháng…
Đề xuất cơ chế cho dự án lãng phí, kéo dài
Thủ tướng chỉ rõ, yêu cầu phát triển rất lớn, yêu cầu tăng trưởng rất cao, chúng ta đã nhìn nhận tương đối rõ tình trạng lãng phí nguồn lực còn nhiều, phức tạp, kéo dài nhiều năm, đồng thời cũng đã có kinh nghiệm để xử lý, khắc phục, hành lang pháp lý dần được hoàn thiện, các vướng mắc dần được tháo gỡ.
Về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo bộ, ngành, địa phương phải quán triệt rất rõ nội dung này để đưa vào các cam kết, kế hoạch, chương trình hành động, mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, đảm bảo 5 rõ (rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm, rõ kết quả).

Nhấn mạnh chính sách ban hành chưa hoặc không phù hợp cũng gây ra sự lãng phí rất lớn, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương xây dựng, hoàn thiện dự án Luật Tiết kiệm, chống lãng phí để trình Quốc hội, đề xuất sửa đổi các luật, quy định về ngân sách, đầu tư công, đấu thầu, hợp tác công tư, quy hoạch…
Các quy định của Luật phải xây dựng được văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong toàn xã hội; đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành "tự giác", "tự nguyện" ở mọi lúc, mọi nơi, "cơm ăn, nước uống hàng ngày".
Cùng với đó, khẩn trương hoàn thiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống lãng phí, bảo đảm bao quát tất cả các lĩnh vực. Rà soát, bổ sung các quy định về cơ chế quản lý kinh tế-xã hội, các định mức kinh tế-kỹ thuật không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước.
Rà soát các dự án lãng phí, kéo dài và đề xuất cơ chế, chính sách xử lý phù hợp, kịp thời, hiệu quả. Ngay từ cuối năm 2024, Thủ tướng đã ban hành Công điện số 112/CĐ-TTg về việc tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng, dừng thi công, khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát và gần đây tiếp tục ban hành Công điện số 13/CĐ-TTg để đôn đốc.
Thủ tướng nhấn mạnh, việc chậm trễ trong báo cáo của nhiều bộ, ngành, địa phương không chỉ thể hiện sự thiếu trách nhiệm trong thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ xử lý các dự án tồn đọng, kéo dài, làm gia tăng tình trạng lãng phí nguồn lực.
Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải nghiêm túc rút kinh nghiệm và chấn chỉnh ngay việc thực hiện các chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Các trường hợp không thực hiện nghiêm túc, không báo cáo đúng hạn sẽ bị xem xét trách nhiệm, xử lý nghiêm theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (sắp tới đây sẽ là Bộ Tài chính) cùng với Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm giám sát chặt chẽ, tổng hợp báo cáo định kỳ, kịp thời đề xuất biện pháp xử lý đối với các đơn vị chậm trễ, không nghiêm túc thực hiện.
Thủ tướng cũng cho rằng, với các trường hợp đặc biệt, đặc thù thì phải có cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc thù, có không gian đổi mới sáng tạo cho người chịu trách nhiệm ra quyết định để xử lý, giải quyết ngay các vấn đề thực tiễn đặt ra, bảo đảm kịp thời, hiệu quả cao nhất, tránh công việc kéo dài, gây lãng phí.
Rà soát, sửa đổi, cắt giảm các thủ tục hành chính mà gây ách tắc, lãng phí nguồn lực; tăng cường phân cấp, phân quyền nhất là trong quản lý các dự án đầu tư công theo tinh thần địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm, cấp trên không làm thay cấp dưới, phân định trách nhiệm rõ ràng, đề cao trách nhiệm cá nhân, giảm tối đa thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ của cả cơ quan nhà nước và người dân, doanh nghiệp.
Thực hiện quản trị thông minh và chuyển đổi số ở tất cả các cấp, các ngành. Các bộ, ngành, địa phương cần đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) vào công tác quản lý, giám sát; đồng thời, đồng bộ hóa hạ tầng số, liên thông hệ thống dữ liệu giữa các cơ quan để tránh tình trạng mỗi đơn vị vận hành một hệ thống riêng lẻ, dẫn đến phân mảnh dữ liệu, gây khó khăn trong quản lý và khai thác thông tin. Thủ tướng lấy ví dụ, cần số hóa dữ liệu về tài nguyên khoáng sản trên cả nước, xác định rõ có bao nhiêu, khai thác bao nhiêu, còn bao nhiêu…