Thủ tướng: Tích cực trao đổi hàng hóa với Mỹ, nhất là máy bay, khí LNG, thương mại quốc phòng

Thủ tướng yêu cầu ứng phó chủ động, kịp thời, linh hoạt trong mọi tình huống với các chính sách thuế quan mới

Ngày 10-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp thứ 4 của Thường trực Chính phủ để thực hiện các kết luận của Bộ Chính trị, chỉ đạo của lãnh đạo chủ chốt và Tổng Bí thư Tô Lâm về việc ứng phó chủ động, kịp thời, phù hợp, linh hoạt, hiệu quả với chính sách thuế quan mới của Mỹ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: Nhật Bắc

Các báo cáo và ý kiến tại cuộc họp đánh giá đến thời điểm này, việc nắm tình hình, phản ứng chính sách và thực thi chính sách của Việt Nam đã diễn ra kịp thời, phù hợp, linh hoạt và hiệu quả, với tinh thần bình tĩnh, sáng suốt, bản lĩnh, không cầu toàn, không nóng vội, coi trọng trí tuệ, thời gian và sự quyết đoán đúng thời điểm.

Thực tế cho thấy công việc này bước đầu đạt kết quả khi Mỹ đồng ý và tuyên bố đàm phán thỏa thuận về thương mại đối ứng với Việt Nam nhằm giảm thâm hụt thương mại giữa hai nước, bảo đảm cân bằng bền vững, lâu dài.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc ứng phó với chính sách thuế quan của Mỹ phải được đặt trong tổng thể chung phát triển đất nước và quan hệ quốc tế của Việt Nam, không để ảnh hưởng tới 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết.

Thủ tướng yêu cầu xử lý vấn đề này không được ảnh hưởng đến các vấn đề khác, ứng xử với đối tác này không để tác động tới đối tác khác. Thủ tướng cũng chỉ đạo xem đây là cơ hội để tái cấu trúc lại nền kinh tế theo hướng xanh hóa, số hóa, tuần hoàn, phát triển nhanh nhưng bền vững, bao trùm, toàn diện, hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên.

Người đứng đầu Chính phủ lưu ý không để xảy ra thất nghiệp và yêu cầu rà soát các đối tượng bị ảnh hưởng, đặc biệt trong các ngành dệt may, da giày, đồ gỗ, thủy sản. Thủ tướng chỉ đạo kế thừa các chính sách trước đây để thiết kế các chính sách hỗ trợ phù hợp, bảo đảm đối tượng hỗ trợ chuẩn xác, có trọng tâm, trọng điểm, xác định rõ phạm vi, đối tượng, thời hạn, mức độ và nguồn lực hỗ trợ.

Đồng thời, giao các Phó Thủ tướng, các bộ trưởng căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để chỉ đạo các giải pháp nhanh, kịp thời, nhất quán, bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp, hiệu quả.

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: Nhật Bắc

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: Nhật Bắc

Về nhóm các giải pháp chính sách thương mại, Thủ tướng nhấn mạnh chúng ta còn nhiều thị trường truyền thống và tiềm năng cần khai thác. Qua đó, chỉ đạo khai thác hiệu quả hơn 17 FTA đã ký, tiếp tục mở các thị trường mới, như Trung Đông, Đông Âu, Nam Á, Ai Cập, Nam Mỹ…; giải quyết tối đa, thỏa đáng các vấn đề thương mại mà Mỹ quan tâm, nhất là xuất xứ hàng hóa, hàng rào phi thuế quan, sở hữu trí tuệ.

Cùng với đó, tiếp tục mở cửa thị trường với các đối tác, khu vực khác; tích cực trao đổi hàng hóa với các nước, trong đó có Mỹ, nhất là máy bay, khí LNG, thương mại quốc phòng, an ninh; kích cầu tiêu dùng trong nước.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi, thích ứng tình hình mới cả về lâu dài và giải quyết khó khăn trước mắt; thúc đẩy cả 3 lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; đẩy mạnh khởi nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Thủ tướng chỉ đạo rà soát, đề xuất hỗ trợ số lao động bị ảnh hưởng; tiếp tục các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người có công, người nghèo, bảo hiểm xã hội, giải quyết chính sách thất nghiệp trước ngày 20-4; hỗ trợ người sử dụng lao động, kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ giải quyết việc làm; nghiên cứu bổ sung các chính sách hỗ trợ chi phí sinh hoạt tối thiểu cho người lao động; đẩy mạnh chương trình nhà ở xã hội, xóa nhà tạm, nhà dột nát. Lãnh đạo Chính phủ đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động hỗ trợ đoàn viên công đoàn trong các ngành bị ảnh hưởng mạnh.

Thủ tướng yêu cầu trong ngày mai, thành lập đoàn đàm phán với phía Mỹ do Bộ trưởng Công Thương làm trưởng đoàn, xây dựng kịch bản, phương án phù hợp, tinh thần là bảo đảm tối đa lợi ích quốc gia, dân tộc và lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

Các Bộ: Công Thương, Tài chính, Ngoại giao tiếp tục tham khảo ý kiến bạn bè quốc tế; đồng thời bảo đảm thực hiện các cam kết của Việt Nam với các nước và không để gian lận thương mại.

Minh Chiến

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thu-tuong-tich-cuc-trao-doi-hang-hoa-voi-my-nhat-la-may-bay-khi-lng-thuong-mai-quoc-phong-196250410210053339.htm
Zalo