Thủ tướng thúc khởi công cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận trong quý II/2025
Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi do Liên danh Đèo Cả - CII - Tasco đề xuất, Dự án sẽ đầu tư mở rộng khoảng 98 km tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận theo phương thức PPP.
![Một đoạn cao tốc TP.HCM - Trung Lương hiện hữu.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_72_51483219/9c306be158afb1f1e8be.jpg)
Một đoạn cao tốc TP.HCM - Trung Lương hiện hữu.
Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 1216/VPCP - CN gửi Bộ GTVT; UBND TP.HCM; UBND các tỉnh: Tiền Giang và Long An truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc riển khai Dự án mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận theo phương thức PPP.
Cụ thể, Thủ tướng đồng ý đề xuất, kiến nghị của Bộ GTVT tại công văn số 595/BGTVT-KHĐT ngày 16/1/2025). Thủ tướng giao Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan khẩn trương khởi công Dự án trong quý II/2025, tránh tiêu cực, lãng phí trong quá trình triển khai.
Được biết, tại công văn số 595, Bộ GTVT kiến nghị lãnh đạo Chính phủ giao bộ này là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện Dự án PPP đầu tư mở rộng tuyến đường bộ cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận để có cơ sở tổ chức thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong tháng 1/2025 và sớm khởi công Dự án.
Trước đó, trong Thông báo số 558/TB-VPCP ngày 17/12/2024, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã chỉ đạo Bộ GTVT trao đổi với UBND tỉnh Tiền Giang (hoặc địa phương liên quan), trường hợp thống nhất được việc giao địa phương nào làm cơ quan có thẩm quyền theo chỉ đạo của Thủ tướng thì trình người đứng đầu Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 1/2025, trên tinh thần đảm bảo thuận lợi và năng lực tổ chức triển khai Dự án trong thời gian sớm nhất.
“Trường hợp Bộ GTVT làm cơ quan có thẩm quyền PPP đầu tư mở rộng tuyến đường bộ cao tốc để đảm bảo phù hợp về năng lực tổ chức triển khai và có thể đẩy nhanh tiến độ đầu tư - thi công thì cần báo cáo lại Thủ tướng xem xét quyết định”, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo.
Thực hiện yêu cầu nói trên, vào cuối tháng 12/2025, đích thân Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh đã ký công văn gửi UBND TP.HCM, UBND 2 tỉnh: Long An và Tiền Giang liên quan đến việc giao cơ quan có thẩm quyền triển khai Dự án PPP đầu tư mở rộng tuyến đường bộ cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận.
Theo đó, Bộ GTVT đề nghị UBND TP.HCM, UBND các tỉnh Long An và Tiền Giang có ý kiến về việc tiếp nhận nhiệm vụ là cơ quan có thẩm quyền để tổ chức triển khai thực hiện Dự án. Trường hợp không nhận nhiệm vụ là cơ quan có thẩm quyền, Bộ GTVT đề nghị 3 địa phương nói trên có ý kiến về việc giao cho một cơ quan làm cơ quan có thẩm quyền thực hiện Dự án.
Cho đến ngày 16/1, Bộ GTVT đã nhận đủ cả 3 ý kiến phản hồi của các địa phương về việc xác định cơ quan có thẩm quyền Dự án PPP đầu tư mở rộng tuyến đường bộ cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận.
Về cơ bản, cả 3 địa phương có tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận đi qua đều không muốn “gánh” Dự án và thống nhất và thống nhất việc Bộ GTVT sẽ đóng vai trò cơ quan có thẩm quyền đối với việc mở rộng tuyến cao tốc huyết mạch về miền Tây nói trên.
Trong công văn số 595, Bộ trưởng Trần Hồng Minh cho biết, theo quy định của pháp luật về đối tác công tư, pháp luật về đường bộ, việc đầu tư mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận theo phương thức PPP thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT; trường hợp cần thiết, theo đề nghị của địa phương, Thủ tướng có thể giao địa phương làm cơ quan có thẩm quyền.
Trong điều kiện yêu cầu tiến độ rất gấp, phải phê duyệt chủ trương đầu tư, khởi công dự án trong quý II/2025 theo chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, phương án Bộ GTVT làm cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ triển khai do không cần thực hiện thủ tục thỏa thuận thống nhất giữa các địa phương để báo cáo Thủ tướng quyết định giao một địa phương làm cơ quan có thẩm quyền (dự kiến mất ít nhất từ 1 đến 2 tháng).
Một điểm lợi thế nữa là do các cơ quan tham mưu của Bộ GTVT đã phối hợp, hỗ trợ, đồng hành trong quá trình nhà đầu tư đề xuất dự án lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi nên có thể rút gắn thời gian thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án.
Theo đề xuất mới nhất của nhà đầu tư, Dự án PPP đầu tư mở rộng tuyến đường bộ cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận dài 98 km được chia làm 2 dự án thành phần.
Dự án thành phần 1: đầu tư mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận theo phương thức PPP, trong đó mở rộng đoạn cao tốc TP.HCM - Trung Lương đạt quy mô 8 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp; mở rộng đoạn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (bao gồm đoạn cao tốc cầu Mỹ Thuận 2) đạt quy mô 6 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp. Tổng mức đầu tư là 42.063 tỷ đồng.
Dự án thành phần 2: Giải phóng mặt bằng giai đoạn hoàn thiện 10-12 làn xe của đoạn cao tốc TP.HCM - Trung Lương theo phương thức đầu tư công với tổng mức đầu tư là 6.968 tỷ đồng.