Thủ tướng: Ngày 7/5 sẽ đàm phán thuế đối ứng đầu tiên với Mỹ
Thủ tướng cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên Mỹ đồng ý đàm phán về chính sách thuế đối ứng. Theo đó, phiên đàm phán đầu tiên với Mỹ dự kiến diễn ra vào ngày 7/5.
Sáng 5/5, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã báo cáo bổ sung kết quả thực hiện kinh tế – xã hội năm 2024, kế hoạch năm 2025 và kết quả thực hiện dự toán ngân sách các tháng đầu năm. Theo đó, năm 2024, nền kinh tế đạt và vượt 15/15 chỉ tiêu với 12 chỉ tiêu vượt mục tiêu, đáng chú ý là chỉ tiêu tăng năng suất lao động đã vượt kế hoạch đề ra sau ba năm không đạt.
Kinh tế phục hồi mạnh mẽ với tốc độ tăng GDP đạt 7,09% (đã báo cáo Quốc hội là 6,8 - 7%) – cao nhất khu vực và thuộc nhóm có tốc độ tăng trưởng cao trên thế giới, nâng quy mô nền kinh tế lên 476,3 tỷ USD, và GDP bình quân đầu người đạt 4.700 USD, Thủ tướng khẳng định kết quả đạt được năm vừa qua là “rất đáng trân trọng, tự hào”.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025. Ảnh: Quochoi.vn.
Tuy nhiên, ngoài những thành tích tích cực, khó khăn vẫn tiếp diễn khi giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, sức mua nội địa phục hồi chậm và xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào FDI, trong bối cảnh Mỹ đột xuất công bố chính sách thuế đối ứng quy mô cao, tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Theo Thủ tướng, đầu năm nay, việc Mỹ bất ngờ công bố chính sách thuế đối ứng ở mức cao trên diện rộng, tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Dù vậy Chính phủ vẫn tập trung thúc đẩy tăng trưởng với mục tiêu 8% trở lên.
Đáng chú ý, người đứng đầu Chính phủ cho hay, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên Mỹ đồng ý đàm phán về chính sách thuế đối ứng. Theo đó, phiên đàm phán đầu tiên với Mỹ dự kiến diễn ra vào ngày 7/5.
Bên cạnh đó, tăng trưởng những tháng đầu năm 2025 được kỳ vọng cao với GDP quý 1 ước đạt 6,93% và chỉ số giá tiêu dùng bình quân ở mức 3,2%, tạo điều kiện thuận lợi cho điều hành chính sách vĩ mô linh hoạt. Vốn FDI thực hiện đạt trên 6,7 tỷ USD tiếp tục khẳng định Việt Nam là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế.
Trong kỳ họp bất thường lần thứ 9, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 3 dự án luật. Tại kỳ họp lần này, Chính phủ trình Quốc hội số lượng luật, nghị quyết lớn nhất từ trước đến nay với 44 dự án luật, nghị quyết trong đó có nhiều nội dung “mở đường” cho phát triển khoa học, công nghệ và kinh tế tư nhân.
Về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, cơ cấu Chính phủ còn 14 bộ, 3 cơ quan ngang bộ (giảm 8 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ).
Bên cạnh đó, cơ quan hành chính đã hoàn thành công tác rà soát và đề xuất của Bộ Chính trị, Quốc hội tháo gỡ các vướng mắc cho hơn 2.200 dự án, với tổng vốn gần 5,9 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 235 tỷ USD) và diện tích sử dụng đất lên tới 347.000 ha.
Tuy nhiên, theo người đứng đầu Chính phủ, giải ngân vốn đầu tư công vẫn chưa đạt kỳ vọng, sức mua nội địa phục hồi chậm và xuất khẩu vẫn phụ thuộc nhiều vào FDI, đồng thời bị tác động tiêu cực từ chính sách thuế quan mới của Mỹ.
Các động lực tăng trưởng mới đang ở giai đoạn đầu cần thời gian để phát huy hiệu quả, trong khi thủ tục hành chính còn bí bách gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, kéo theo hiện tượng “trên nóng, dưới lạnh”.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc phân cấp, phân quyền tại địa phương vẫn “kêu nhiều” và khuyến nghị dự thảo các dự án luật cần được thực hiện trên tinh thần phân cấp triệt để, không làm thay đổi cơ cấu trung ương – địa phương để tránh gây cản trở trong hoạt động quản trị nhà nước.
Về giải pháp, trong giai đoạn tới, Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam cần đạt mục tiêu tăng trưởng trên 8%, với quy mô nền kinh tế vượt 500 tỷ USD – hứa hẹn đưa đất nước lên vị trí thứ 30 thế giới (tăng 2 bậc) – và GDP bình quân đầu người năm 2025 phải trên 5.000 USD. Theo đó, các bộ, ngành và địa phương phải theo dõi sát diễn biến kinh tế, có các phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, đặc biệt trong bối cảnh chính sách thuế quan mới của Mỹ tác động tiêu cực đến tăng trưởng toàn cầu.
Đồng thời, Chính phủ sẽ đẩy mạnh việc thể chế hóa các nghị quyết chiến lược của Bộ Chính trị. Theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, “bộ tứ chiến lược” gồm Nghị quyết 57 (đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia), Nghị quyết 59 (hội nhập quốc tế), Nghị quyết 66 (đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật) và Nghị quyết 68 (phát triển kinh tế tư nhân) sẽ được triển khai song song với việc xây dựng các chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy phát triển các khu kinh tế biên giới, khu thương mại tự do và những khu kinh tế có tiềm năng như Vân Đồn, Vân Phong cùng các đặc khu kinh tế mới.
Năm 2025 cũng đánh dấu bước chuyển mình quan trọng trong cải cách hành chính với mục tiêu bãi bỏ ít nhất 30% các điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết, giảm tối thiểu 30% thời gian và chi phí giải quyết thủ tục hành chính. Đồng thời, đảm bảo tiến trình sắp xếp các đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền cấp 2 được thực hiện thông suốt, liên tục, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh tế và quản trị nhà nước.
Bên cạnh đó, nền quản trị nhà nước sẽ được cải cách sâu rộng nhằm hoàn thiện mô hình tổ chức của hệ thống chính trị theo tinh thần “không làm nửa vời, làm đến cùng, làm triệt để”. Công tác lấy ý kiến nhân dân về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 cũng sẽ được đẩy mạnh.
Trên lĩnh vực hạ tầng giao thông, cả nước phấn đấu hoàn thành mục tiêu có trên 3.000 km đường cao tốc và hơn 1.000 km đường bộ ven biển, với kế hoạch thông tuyến đường cao tốc từ Cao Bằng đến Cà Mau cùng các dự án trọng điểm như tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, cao tốc Hà Nội – Viêng Chăn (đoạn Vinh – Thanh Thủy), cao tốc Cà Mau – Đất Mũi và cảng Hòn Khoai được khởi công trong năm 2025…