Kết nối hợp tác Việt Nam - Thái Lan, thúc đẩy lĩnh vực logistics và chuỗi cung ứng trong khu vực
Với nhiều tiềm năng và thế mạnh, Việt Nam và Thái Lan đang thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động kết nối tìm hiểu cơ hội, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực logistics và chuỗi cung ứng giữa hai nước và với các nước khác trong khu vực.
Sáng 5/5, tại Hà Nội, Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) phối hợp với Học viện Ngân hàng tổ chức buổi gặp mặt và làm việc với Đoàn doanh nghiệp sản xuất và logistics Thái Lan nhằm xúc tiến, thúc đẩy các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực logistics và chuỗi cung ứng giữa hai nước.

Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) phối hợp với Học viện Ngân hàng tổ chức buổi gặp mặt và làm việc với Đoàn doanh nghiệp sản xuất và logistics Thái Lan nhằm xúc tiến, thúc đẩy các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực logistics và chuỗi cung ứng giữa hai nước.
Tham dự buổi làm việc, về phía Việt Nam có ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Chủ tịch danh dự Hiệp hội VALOMA; PGS.TS. Trịnh Thị Thu Hương, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế Trường Đại học Ngoại thương, Phó Chủ tịch Hiệp hội VALOMA; PGS.TS. Nguyễn Vân Hà - Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh, Học viện Ngân hàng, Trưởng Ban Đối ngoại VALOMA cùng đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp cơ sở đào tạo về logistics và quản lý chuỗi cung ứng là thành viên Hiệp hội VALOMA.
Về phía Thái Lan có ông Vathit Chokwatana - Phó Chủ tịch Liên đoàn các ngành công nghiệp Thái Lan (Federation of Thailand Industries - FTI), Chủ tịch Ủy ban ASEAN và Logistics cùng đông đảo doanh nghiệp sản xuất, logistics và chuỗi cung ứng của Thái Lan.
Mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực Logistics và chuỗi cung ứng
Phát biểu tại sự kiện, PGS.TS. Trịnh Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội VALOMA cho biết, năm 2024 Đoàn công tác của Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) đã có chuyến thăm và làm việc với Liên đoàn các ngành công nghiệp Thái Lan (FTI) và các thành viên của FTI tại Bangkok, Thái Lan. Thông qua chuyến thăm và làm việc của Đoàn doanh nghiệp FTI tới Hà Nội lần này sẽ làm sâu sắc thêm sự hợp tác giữa hai tổ chức.
Thông tin tới Đoàn doanh nghiệp Thái Lan về những hoạt động nổi bật của Hiệp hội VALOMA, PGS.TS. Trịnh Thị Thu Hương cho biết, VALOMA là một hiệp hội xã hội - nghề nghiệp với hơn 500 thành viên. Mạng lưới của VALOMA bao gồm các doanh nghiệp, trường đại học, trường dạy nghề, giảng viên và chuyên gia gắn kết với công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực Logistics và quản lý chuỗi cung ứng tại Việt Nam. Mặc dù là một tổ chức tương đối trẻ nhưng Hiệp hội VALOMA đã tham gia và triển khai nhiều sáng kiến khác nhau, bao gồm các chương trình đào tạo không chỉ dành cho sinh viên mà còn dành cho giảng viên và doanh nghiệp, các dự án nghiên cứu, báo cáo, đào tạo Logistics và quản lý chuỗi cung ứng và các sự kiện học thuật như Diễn đàn quốc gia thường niên về Logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Hiệp hội VALOMA cũng chủ trì tổ chức thường niên Cuộc thi Tài năng Logistics trẻ Việt Nam trên quy mô toàn quốc từ năm 2017, cùng nhiều hoạt động xã hội và chuyên môn khác.
"Một trong những ưu tiên chính của VALOMA là mở rộng các quan hệ hợp tác quốc tế. Đây là một giải pháp quan trọng để mở ra nhiều cơ hội hơn cho các thành viên của chúng tôi trong cả đào tạo và kinh doanh", PGS.TS. Trịnh Thị Thu Hương nhấn mạnh, đồng thời cho rằng chương trình làm việc giữa VALOMA và FTI sẽ đánh dấu sự khởi đầu của những cuộc trao đổi sâu sắc hơn, có ý nghĩa hơn giữa các bên liên quan tại Việt Nam và Thái Lan, dẫn đến sự hợp tác có giá trị trong tương lai.

PGS.TS. Trịnh Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội VALOMA cho rằng, chương trình làm việc giữa VALOMA và Đoàn công tác của Liên đoàn các ngành công nghiệp Thái Lan (FTI) sẽ mở ra các cơ hội hợp tác có giá trị giữa hai bên
Bày tỏ ấn tượng với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh của Việt Nam, ông Vathit Chokwatana - Phó Chủ tịch Liên đoàn các ngành công nghiệp Thái Lan (FTI) cho biết, Thái Lan mong muốn là đối tác cùng song hành phát triển với Việt Nam. Tiếp theo các nội dung thảo luận từ chuyến thăm, làm việc của VALOMA tới Thái Lan năm ngoái, Đoàn công tác của FTI tới Hà Nội lần này bao gồm các chủ doanh nghiệp, nhà sản xuất, nhà cung cấp dịch vụ logistics, các giảng viên đại học và cả đại diện Đường sắt Quốc gia Thái Lan (SRT) nhằm tiếp tục thảo luận về những tiềm năng, cơ hội hợp tác giữa hai bên.
Phó Chủ tịch FTI nhấn mạnh, logistics ngày càng đóng vai trò quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh các rào cản thương mại toàn cầu hiện nay. Cách tốt nhất các nước cần xích lại gần nhau hơn. Thái Lan, Việt Nam và những quốc gia khác trong Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hay Các nước Tiểu vùng sông Mê kông mở rộng (GMS) cần tăng cường hợp tác, kết nối với nhau để cùng ứng phó và vượt qua những thách thức, biến động của thương mại toàn cầu.

Ông Vathit Chokwatana - Phó Chủ tịch Liên đoàn các ngành công nghiệp Thái Lan (FTI) cho rằng, Việt Nam, Thái Lan và các nước khác trong khu vực cần tăng cường hợp tác, kết nối với nhau để cùng ứng phó và vượt qua những thách thức, biến động của thương mại toàn cầu hiện nay.
Việt Nam - Thái Lan: Thúc đẩy làn sóng logistics mới trong khu vực
Với chủ đề "Việt Nam - Thái Lan: Thúc đẩy làn sóng logistics mới", ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Chủ tịch danh dự Hiệp hội VALOMA đã thông tin cập nhật về chiến lược phát triển Logistics của Việt Nam, các cơ hội hợp tác logistics giữa Việt Nam - Thái Lan - Trung Quốc cũng như tổng quan về xu hướng dòng chảy xuất nhập khẩu hiện nay.
Ông Trần Thanh Hải cho biết, về tiềm năng, cơ hội kết nối hợp tác giữa Việt Nam, Thái Lan và Trung Quốc, đây là một thị trường rất lớn với khoảng 1,5 tỷ người tiêu dùng. Cả 3 nước được kết nối bởi Sáng kiến hợp tác Các nước Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) gồm các quốc gia và lãnh thổ nằm trong lưu vực của sông Mekong: Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar và tỉnh Vân Nam, Quảng Tây của Trung Quốc. Đồng thời 3 nước cũng đang cùng tham gia các thỏa thuận thương mại như Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) hay Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Bên cạnh đó, Việt Nam và Thái Lan còn nằm trong Hành lang kinh tế Đông-Tây kết nối từ miền Trung Việt Nam đến Lào, Thái Lan, Myanmar.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Chủ tịch danh dự Hiệp hội VALOMA chia sẻ về tiềm năng, cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và Thái Lan trong lĩnh vực Logistics và chuỗi cung ứng
Theo ông Trần Thanh Hải, tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam - Thái Lan, Trung Quốc còn thể hiện ở việc 3 nước hiện là những đối tác thương mại rất quan trọng của nhau. Đối với Việt Nam và Thái Lan, Trung Quốc đều là đối tác thương mại lớn nhất. Với Trung Quốc, Thái Lan là đối tác thương mại lớn thứ ba trong ASEAN. Đối với Việt Nam, Thái Lan cũng là đối tác thương mại hàng đầu trong ASEAN với khối lượng trao đổi thương mại song phương hiện vào khoảng 20 tỷ USS và đang hướng tới mục tiêu đạt 25 tỷ USD trong năm nay.
Về đầu tư, Trung Quốc cũng là một nhà đầu tư rất quan trọng cả ở Thái Lan và Việt Nam. Ở Việt Nam, đầu tư của Trung Quốc đã đạt hơn 4 tỷ USD; còn ở Thái Lan đã có hơn 1.000 công ty Trung Quốc được thành lập.
Về hạ tầng logistics kết nối giữa các nước, ông Trần Thanh Hải cho biết, mạng lưới hạ tầng đường cao tốc, đường biển, đường sắt của Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc đều đã, đang được đầu tư nâng cấp nhằm tăng cường kết nối với nhau và với các nước trong khu vực.
Đơn cử, Việt Nam đã hoàn thành nhiều tuyến đường cao tốc, ví dụ như Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lào Cai (đến biên giới Trung Quốc). Đường cao tốc Bắc - Nam đang được mở rộng. Các cảng nước sâu mới như Lạch Huyện và Cái Mép mở rộng cho phép các tàu lớn có thể cập cảng trực tiếp.
Việc hiện đại hóa các cửa khẩu biên giới, ví dụ như các cửa khẩu Hữu Nghị mới, mở rộng cơ sở hải quan tại Lạng Sơn, Lào Cai (Việt Nam - Trung Quốc) và Mukdahan/Savannakhet (Thái Lan - Lào) giúp đẩy nhanh quá trình thông quan hàng hóa.
Đường sắt Trung Quốc - Lào - Thái Lan trị giá 6 tỷ USD khai trương vào tháng 12 năm 2021, chạy 1.035 km từ Côn Minh đến Viêng Chăn. Thái Lan hiện đang xây dựng đường sắt từ Bangkok để gặp tuyến này tại biên giới Lào (Nong Khai) vào khoảng năm 2028, giúp dịch vụ tàu hỏa xuyên suốt từ Bangkok (Thái Lan) đến Côn Minh (Trung Quốc).
Giai đoạn III của Cảng Laem Chabang của Thái Lan đang triển khai dự kiến sẽ giúp tăng thêm 7 triệu TEU năng lực thông quan, giảm tình trạng tắc nghẽn và cải thiện các lựa chọn đa phương thức (kết nối đường biển-đường sắt).
Tất cả những điều này sẽ giúp vận chuyển khối lượng hàng hóa lớn giữa các nước và tới các thị trường lớn như Hoa Kỳ, châu Âu đồng thời giảm được chi phí, thời gian.
Bên cạnh đó là cơ hội cho Việt Nam và Thái Lan định hình lại chuỗi giá trị của mình trong khu vực.
Ông Trần Thanh Hải lấy ví dụ, cả Thái Lan và Việt Nam hiện đều là những nhà sản xuất cho thị trường ô tô với các thương hiệu như: Ford, Honda, Toyota. Đó là lý do chúng ta có thể thiết lập một hành lang để trao đổi phụ tùng ô tô giữa hai nước. Tương tự như vậy, nông nghiệp cũng là một ngành rất quan trọng, tạo ra nhiều việc làm cho Thái Lan và Việt Nam với Trung Quốc là thị trường hàng đầu. Vì vậy, thực phẩm Thái Lan có thể đi qua Việt Nam để xuất khẩu sang Trung Quốc và tất nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu cần sử dụng dịch vụ logistics. Đây là cơ hội tuyệt vời để nhà cung cấp dịch vụ logistics của các nước hợp tác, kết nối trong tương lai.

Ông Trần Thanh Hải cho rằng, Việt Nam và Thái Lan có nhiều tiềm năng và cơ hội hợp tác trong lĩnh vực Logistics và chuỗi cung ứng
Tuy nhiên, bên cạnh những tiềm năng và cơ hội hợp tác, ông Trần Thanh Hải cho rằng, lĩnh vực Logistics và chuỗi cung ứng của Việt Nam hay Thái Lan đều đang phải đối mặt với những xu hướng cũng là những thách thức như: xanh hóa, số hóa.
Vì vậy, để thực hiện chuyển đổi xanh, các doanh nghiệp logistics Việt Nam đang thí điểm chuyển đổi sang sử dụng xe tải điện và các kho hàng được cung cấp năng lượng từ trang trại năng lượng mặt trời và nhiều hoạt động khác đang cố gắng giảm lượng khí thải carbon. Tất cả góp phần hướng tới mục tiêu của Việt Nam là đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Việt Nam cũng vận hành Cơ chế Một cửa Quốc gia của Việt Nam và tham gia Cơ chế Một cửa ASEAN, hệ thống kết nối các quốc gia thành viên ASEAN trong một hệ thống nhằm tạo thuận lợi cho thương mại giữa các nước trong khu vực.
Bên cạnh đó, thương mại điện tử đang phát triển "bùng nổ" cả ở Thái Lan và Việt Nam, kèm theo đó là các dịch vụ logistics thông minh như tự động hóa cuộc gọi hoặc thanh toán tự động. "Đặc biệt AI (trí tuệ nhân tạo) sẽ sớm là bước ngoặt cho dịch vụ logistics khi chúng ta có thể áp dụng AI vào mọi bước trong quy trình của mình", ông Hải nhấn mạnh.
Cùng với đó là những thách thức về: chi phí dịch vụ logistics, hạn chế trong cơ sở hạ tầng, sự khác biệt về quy định giữa các nước; những rủi ro khách quan...
"Chính phủ và khu vực tư nhân cần có kế hoạch dự phòng và các sáng kiến xanh để giảm thiểu những thách thức này", ông Hải khuyến nghị.

Đại diện các cơ quan, hiệp hội, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo là Thành viên của Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) và Liên đoàn các ngành công nghiệp Thái Lan (FTI) tại buổi làm việc
Cũng tại buổi làm việc, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo là Thành viên của Hiệp hội VALOMA và Liên đoàn các ngành công nghiệp Thái Lan (FTI) đã trao đổi về các nội dung, vấn đề cùng quan tâm nhằm tăng cường kết nối, hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực sản xuất, logistics và chuỗi cung ứng.
Cuối tháng 10/2024, tại Bangkok (Thái Lan), Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) phối hợp cùng Liên đoàn các ngành công nghiệp Thái Lan (FTI) đã tổ chức Hội nghị “Thúc đẩy kết nối ngành logistics Việt Nam và Thái Lan” và “Chương trình Kết nối giao thương doanh nghiệp Việt Nam - Thái Lan”.
Những trao đổi tại sự kiện cho biết, tiềm năng liên kết ngành dịch vụ, trong đó có dịch vụ logistics và chuỗi cung ứng giữa các doanh nghiệp Thái Lan và Việt Nam hiện nay còn rất nhiều dư địa, từ đầu tư hạ tầng kho bãi, nhà xưởng, cầu cảng… đến ứng dụng công nghệ, máy móc thiết bị hiện đại, liên doanh liên kết giữa doanh nghiệp hai nước. Nhiều doanh nghiệp Thái Lan đã tìm hiểu các vấn đề liên quan đến chiến lược và chính sách phát triển dịch vụ logistics của Việt Nam, cơ hội hợp tác, các lĩnh vực kinh doanh tiềm năng tại Việt Nam...
Tại sự kiện, 29 doanh nghiệp Việt Nam cùng với 32 doanh nghiệp Thái Lan đã dành thời gian để tiến hành kết nối giao thương, mở rộng cơ hội hợp tác kinh doanh.
Kết thúc chương trình kết nối giao thương đã có 169 cuộc gặp gỡ trao đổi 1-1 giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Thái Lan (1-1 Business Matching). Trong đó, có 39 cơ hội kinh doanh được mở ra và 03 Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hai bên được thiết lập.