Thủ tướng: Năm 2025 phải cơ bản tháo gỡ xong các 'điểm nghẽn' kinh tế xã hội
Nhận định, thể chế vừa là nguồn lực vừa là động lực phát triển kinh tế xã hội song đang bị nhiều 'điểm nghẽn', Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu trong năm 2025 phải cơ bản tháo gỡ xong các 'điểm nghẽn' này để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại họp tổ Quốc hội sáng 23/5 (Ảnh: M.Minh)
Sáng 23/5, tiếp chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại tổ về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội (KTXH), ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025 và một số vấn đề liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí, cơ chế đặc thù tại một số địa phương sau sắp xếp tinh gọn bộ máy...
Nghĩ sâu, làm lớn, đồng sức, đồng lòng thực hiện mục tiêu kinh tế xã hội
Phát biểu chỉ đạo tại tổ 8 (gồm các đoàn ĐBQH các tỉnh Trà Vinh, Cao Bằng, Cần Thơ, Điện Biên), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, trong khi tăng trưởng kinh tế thế giới đang chậm lại thì Việt Nam đi ngược lại xu hướng đó; ban đầu chúng ta đặt mục tiêu GDP tăng 6,5 - 7% nhưng đã điều chỉnh lên mức 8% năm nay và hai con số giai đoạn 2026 - 2030.
"Đặt mục tiêu cao như vậy nhưng phải làm sao để thành công và phát triển bền vững mới là vấn đề quan trọng", Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng, trước mắt chúng ta vẫn tiến hành tích cực ba đột phá chiến lược là thế chế, hạ tầng và nguồn nhân lực.
Thứ nhất là thể chế: Thủ tướng nhận định, đây là "điểm nghẽn của điểm nghẽn". Tại Nghị quyết 66/NQ-TW, chúng ta quyết tâm tháo gỡ các điểm nghẽn cho phát triển KTXH cơ bản phải xong trong năm nay. Đây là một quyết tâm rất lớn. Thậm chí, chúng ta phải biến thể chế thành lợi thế cạnh tranh, như lời của Tổng bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo.
"Đây là giải pháp quan trọng vì nó góp phần thúc đẩy, góp phần tháo gỡ, vừa là nguồn lực vừa là động lực cho sự phát triển cho nên đề nghị Quốc hội phải ủng hộ mạnh mẽ cải cách về mặt thể chế", Thủ tướng nói.
Thứ hai là hạ tầng: Người đứng đầu Chính phủ nói rằng, hạ tầng của chúng ta hiện nay vẫn là điểm nghẽn vì chi phí logistics chiếm 17 - 18% GDP so với mức trung bình của thế giới là 10 - 11%, khiến cho sức cạnh tranh của hàng hóa bị giảm.
Do đó, Việt Nam cần phát triển hạ tầng chiến lược trên cả 5 phương thức giao thông. Cụ thể, đường bộ phải hoàn thành ít nhất 3.000 km đường cao tốc trong năm nay; phải triển khai hệ thống đường sắt (nâng cấp đường sắt, xây đường sắt tốc độ cao); tập trung phát triển đường thủy nội địa (đặc biệt ở 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long); hàng không phát triển các sân bay, đội bay, các hãng hàng không...
Thứ ba là nguồn nhân lực: Năng suất lao động của chúng ta đang thấp, cần chuyển từ chỗ chỉ tập trung đào tạo tri thức sang đào tạo toàn diện để góp phần tăng năng suất lao động.
Đồng thời Thủ tướng nhắc đến 4 “trụ cột chiến lược” là 4 nghị quyết của Bộ Chính trị gồm: Nghị quyết 57/NQ-TW về thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; Nghị quyết 59/NQ-TW về chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng; Nghị quyết 66/NQ-TW về đổi mới toàn diện công tác xây dựng, thi hành pháp luật và Nghị quyết 68/NQ-TW phát triển khu vực kinh tế tư nhân.
"Bốn trụ cột có tính chiến lược này góp phần với 3 đột phá chiến lược nói trên sẽ giúp chúng ta triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới", Thủ tướng nhấn mạnh và cho biết, chỉ trong vòng vài tháng từ khi ban hành Nghị quyết 57/NQ-TW tháng 12/2024 đến nay, chúng ta đã ban hành đủ "bộ tứ chiến lược" để giúp Việt Nam tăng trưởng nhanh và bền vững.
Thủ tướng Chính phủ cũng nhắc lại nhiệm vụ phải làm mới và đẩy mạnh các động lực tăng trưởng cũ hiện chưa được như kỳ vọng là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng.
Về vấn đề xuất khẩu đang bị chững lại do chính sách thuế quan của Mỹ, Thủ tướng cho rằng chúng ta cần bình tĩnh xử lý, trên tinh thần phải đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng để thoát ra khỏi tình trạng hiện nay.
"Trong bối cảnh khó khăn này, cần phải đa dạng hóa thị trường song song với tích cực đàm phán với Mỹ để đảm bảo lợi ích cốt lõi của chúng ta trên tinh thần kiên trì, lắng nghe, thuyết phục, đối thoại chứ không đối đầu", Thủ tướng nói.
Để thúc đẩy tiêu dùng, Người đứng đầu Chính phủ cho rằng chính sách tài khóa phải hướng đến giảm thuế phí, tăng thu giảm chi, giảm bằng được chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp và người dân, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính. Chính sách tín dụng phải giãn, hoãn, giảm nợ...
Về các động lực tăng trưởng mới là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh..., Thủ tướng cho rằng, Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, các chỉ đạo của Chính phủ đã có rồi, vấn đề còn lại là các cấp các ngành các địa phương phải nỗ lực phấn đấu.
Tích cực chuyển đổi trạng thái sang chính quyền hai cấp
Về triển khai mô hình chính quyền hai cấp đang tiến hành, Thủ tướng cho rằng quan trọng nhất là trạng thái chuyển đổi từ chỗ thụ động tiếp nhận yêu cầu của người dân rồi xử lý chuyển sang chủ động tích cực phục vụ người dân và doanh nghiệp, giảm thủ tục hành chính, giảm khâu trung gian, tăng cường kết nối dữ liệu...

Thủ tướng chỉ đạo nhanh chóng chuyển đổi từ thụ động tiếp nhận giải quyết yêu cầu của dân sang chủ động phục vụ người dân và doanh nghiệp
“Về cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, Chính phủ đang quyết liệt vấn đề này” – Thủ tướng nêu rõ, cần cụ thể vấn đề người dân, doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm; cơ chế quản lý chuyển từ tiền kiểm sang tăng cường công tác hậu kiểm...
"Chính quyền địa phương thay vì tiền kiểm, cấp phép thì tăng cường hậu kiểm, tiến hành kiểm tra, giám sát, kiên quyết cắt bỏ thủ tục hành chính rườm rà, bỏ cơ chế xin - cho", Thủ tướng nhấn mạnh. Tinh thần là thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cấp nào gần dân nhất, làm tốt nhất thì phân cấp, "xã phường là pháo đài", sao cho thiết chế này chủ động phục vụ người dân.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đề cập chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, vì “phân cấp, phân quyền mà không giao cho người ta nguồn lực thì không ai làm được”.
Về chuyển đổi trạng thái trong lĩnh vực y tế, giáo dục, Thủ tướng cho rằng, cần chuyển từ khám, chữa bệnh là chính, sang chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân là chính... Về giáo dục, cần tiếp cận giáo dục bình đẳng, đặt con người là chủ thể, là trung tâm, hướng đến nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao chất lượng dạy và học, chuyển từ đào tạo kiến thức sang đào tạo kỹ năng sống toàn diện cho người dân; đồng thời quan tâm đến chính sách học thêm (học thêm liên quan đến kỹ năng, không thu phí), bán trú, nội trú...
Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang xây dựng dự thảo hai Nghị quyết của Bộ Chính trị về hiện đại hóa, đột phá phát triển giáo dục và đào tạo và về đột phá trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
"Chữa bệnh" cho các dự án lãng phí kéo dài
Người đứng đầu Chính phủ cũng đề cập đến chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Theo Thủ tướng, chúng ta đã "bắt được bệnh" và đang hoàn thiện thể chế để "chữa bệnh".
Thủ tướng cho biết, đầu Kỳ họp thứ 9, Chính phủ đã có báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, trong đó có thống kê những dự án tồn đọng, kéo dài nhiều nhiệm kỳ gây lãng phí. Bên cạnh đó, theo thống kê các địa phương gửi, có hơn 2.200 dự án tồn đọng.
"Nếu tháo gỡ những dự án này sẽ giải phóng được hơn 230 tỷ USD, bằng 50% tổng GDP của cả nước. Chúng tôi đang xây dựng chính sách, không hợp thức hóa cái sai nhưng phải có cách xử lý về thể chế, về tổ chức", Thủ tướng nhấn mạnh.
"Phải nói là chính sách của chúng ta chưa tốt", Thủ tướng nêu ví dụ về các dự án điện gió, điện mặt trời thời gian qua vướng mắc, sai phạm về quy hoạch, chủ trương... và cho biết Chính phủ đang tích cực xử lý.