Thủ tướng: Không để trí tuệ nhân tạo do ta làm lại thắng chúng ta

Nhận định cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 làm chuyển đổi trạng thái hoạt động của con người, Thủ tướng lưu ý 'không để trí tuệ nhân tạo do ta làm lại thắng chúng ta'.

Sáng 16/4, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII.

Thủ tướng Phạm Minh Chính. (Ảnh: quochoi.vn)

Thủ tướng Phạm Minh Chính. (Ảnh: quochoi.vn)

Mở đầu hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày chuyên đề "Về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng: Những điểm mới trong Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam; Những điểm mới trong dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng trình Đại hội XIV của Đảng; Những điểm mới trong dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIV của Đảng; Những điểm mới trong dự thảo báo cáo 5 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 10 năm 2021-2030; phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội 5 năm 2026-2030".

Đề cập về những điểm mới trong dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIV của Đảng, Thủ tướng nhắc đến sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt là sự phát triển của trí tuệ nhân tạo.

"Trí tuệ nhân tạo đang phát triển rất nhanh và đang làm chuyển đổi trạng thái hoạt động của con người. Nhưng quan trọng nhất là chúng ta không để cho trí tuệ nhân tạo do ta làm lại thắng chúng ta", Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Thủ tướng đề cập điểm mới khi trong nhiệm kỳ này, chúng ta có sự đầu tư rất lớn cho tiềm lực quốc phòng - an ninh, chúng ta đang có những đột phá trong công nghiệp quốc phòng và công nghiệp an ninh.

Nêu thực tế không gian ảo và không gian thực là như nhau, cái gì có ở đời thực đều có trên không gian ảo, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh phải làm tốt vấn đề an ninh mạng, giữ vững độc lập chủ quyền trên cả không gian mạng.

Về phát triển đất nước trong tình hình mới, ông cho rằng có khó khăn và cơ hội đan xen nhưng thách thức nhiều hơn, chúng ta phải nhận định đúng để chủ động về chiến lược.

Trong đó, Thủ tướng nhắc lại tinh thần Tổng Bí thư Tô Lâm nhiều lần quán triệt, đó là phải tháo gỡ về thể chế, trong đó dứt khoát phải bỏ tư duy "không quản được thì cấm", "không biết mà vẫn quản", để giải phóng toàn bộ sức sản xuất.

Thủ tướng cũng nêu định hướng xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ để có thể đứng vững trước mọi thách thức như đại dịch hay việc đứt gãy chuỗi cung ứng.

"Trong bối cảnh hiện nay càng phải độc lập tự chủ, đẩy mạnh động lực tăng trưởng về tiêu dùng và đầu tư trong bối cảnh động lực xuất khẩu gặp khó khăn", Thủ tướng nói và nhấn mạnh mục tiêu điều chỉnh tăng trưởng 2 con số rất thách thức nhưng "không làm không được".

Đề cập cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy và sắp xếp đơn vị hành chính ở địa phương, tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, người đứng đầu Chính phủ nêu mục tiêu quan trọng nhất là tạo ra không gian phát triển mới.

"Đây là điều rất quan trọng vì đất nước ta ngày nay phát triển nhanh, bền vững, dựa vào các động lực tăng trưởng mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn… Vì vậy phải mở ra không gian phát triển mới", Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó, Thủ tướng nêu mục tiêu chuyển trạng thái từ thụ động phục vụ Nhân dân sang tích cực chủ động phục vụ Nhân dân, với định hướng chính quyền phải gần dân, sát dân, hiểu dân.

Thủ tướng quán triệt cần giảm khâu trung gian, giảm thủ tục hành chính, đẩy mạnh số hóa… "Tất cả làm trên không gian mạng thì giảm người, giảm đi lại, giảm chi phí, giải quyết công việc nhanh hơn", Thủ tướng nói.

Trong phần trình bày chuyên đề, Thủ tướng cũng nhắc đến nhiều vấn đề nổi bật như cuộc cách mạng về tổ chức, sắp xếp bộ máy; đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong điều kiện mới.

Lãnh đạo Chính phủ cho biết về mục tiêu tăng trưởng, chúng ta đã đặt mức 6,5-7% nhưng sau đó nhận thấy nếu như vậy rất khó hoàn thành 2 mục tiêu chiến lược 100 năm vào 2030 và 2044. Do đó, năm 2025, Chính phủ xác định phải tăng trưởng cao hơn 8% để có tiền đề tăng trưởng 2 con số vào những năm tiếp theo.

Bộ Chính trị đang chỉ đạo, xác định phát triển kinh tế tư nhân. Vừa qua hội nghị Trung ương 11 đã xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế.

"Những nội dung này đòi hỏi chúng ta phải bổ sung hoàn thiện vào các văn kiện. Đó là tính kịp thời, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Trung ương, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn khách quan. Điểm mới đó thể hiện sự kịp thời, nhanh nhẹn, nhạy bén của Đảng ta", Thủ tướng nói.

Việt Nam xác định 3 trụ cột là: Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của Nhà nước.

Xuyên suốt trong 3 trụ cột này, Thủ tướng nhấn mạnh lấy người dân làm trung tâm, lấy con người làm trung tâm cho nên không hy sinh công bằng tiến bộ xã hội, không hy sinh an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng đơn thuần, tăng trưởng phải nhanh, bền vững.

Nhìn lại chặng đường 40 năm đổi mới, Thủ tướng nhận định đất nước đã đạt nhiều thành quả.

Minh chứng cho điều này, Thủ tướng cho biết khi bắt đầu đổi mới, Việt Nam vẫn đang chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh và phải tập trung khắc phục. Quy mô nền kinh tế đất nước khi đó chỉ khoảng 4 tỷ USD nhưng đến năm 2024, quy mô nền kinh tế đã đạt hơn 470 tỷ USD, dự kiến năm 2025 đạt 510 tỷ USD.

Bình quân đầu người từ trên 100 USD, đến nay đã đạt hơn 4.700 USD. Đi kèm với đó, chúng ta vẫn đảm bảo những mục tiêu lớn về giữ vững toàn vẹn lãnh thổ, đảm bảo người dân có cuộc sống ấm no, nâng cao chỉ số hạnh phúc.

"Chúng ta đã đạt được những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử, nhưng chúng ta không chủ quan vì con đường phía trước còn rất nhiều khó khăn", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Nhấn mạnh "từ đầu nhiệm kỳ đến nay không có năm nào không khó khăn", Thủ tướng nhắc lại những thách thức lớn như đại dịch COVID-19 vào năm 2021; xung đột trên thế giới làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu vào năm 2022; năm 2023 phải xử lý các ngân hàng yếu kém; siêu bão Yagi tàn phá đất nước vào năm 2024 và cuộc chiến tranh thương mại vào năm 2025.

Dù vậy, Thủ tướng khẳng định quyết tâm thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu 5 năm 2026-2030, phấn đấu tăng trưởng GDP bình quân cho giai đoạn 2026-2030 từ 10%/năm trở lên; GDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt khoảng 8.500 USD; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội đạt khoảng 8,5%/năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm khoảng 40% GDP…

Anh Văn

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/thu-tuong-khong-de-tri-tue-nhan-tao-do-ta-lam-lai-thang-chung-ta-ar937906.html
Zalo