Dự kiến phương án đưa công chức Kon Tum đến Quảng Ngãi làm việc, ô tô đón từ 3h sáng
Quảng Ngãi xây dựng 3 phương án bố trí phương tiện đưa, đón cán bộ, công chức, viên chức Kon Tum đến làm việc khi hai tỉnh sáp nhập. Trong đó, theo phương án 1 và 2, xe ô tô sẽ đón cán bộ đi làm từ 3h sáng.
Thuê xe chở công chức đi làm
Thực hiện lộ trình sáp nhập hai tỉnh, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã hoàn thành dự thảo phương án bố trí xe đưa đón công chức cấp tỉnh từ Kon Tum xuống thành phố Quảng Ngãi làm việc. Sau khi sáp nhập, trung tâm hành chính tỉnh mới cách thành phố Kon Tum hiện tại khoảng 186km, mất hơn 4 giờ di chuyển theo quốc lộ 24.

Quốc lộ 24 nối Quảng Ngãi với Kon Tum qua địa hình chủ yếu là đèo, dốc. Ảnh: Lê Danh
Lộ trình chủ yếu là đèo, núi, giao thông không thuận tiện do nhiều đoạn tuyến mặt đường nhỏ hẹp, xuống cấp và thường xuyên bị sương mù bao phủ, gây hạn chế tầm nhìn, tốc độ lưu thông. Do đó, nếu không có phương tiện đưa đón phù hợp, cán bộ, công chức, viên chức sẽ gặp khó trong đi lại, ảnh hưởng sức khỏe, tinh thần cũng như tiến độ công việc.
Việc bố trí xe đưa đón còn giúp đảm bảo sự chủ động trong lịch trình, giảm rủi ro tai nạn giao thông và nâng cao ý thức tổ chức, kỷ luật lao động.
Từ yêu cầu trên, Quảng Ngãi đã nghiên cứu thực tiễn, tính toán để dự thảo phương án phù hợp.
Quảng Ngãi hiện có 114 xe công (loại 4 - 7 chỗ) thuộc quản lý của các cơ quan cấp tỉnh. Kon Tum có 94 xe dạng này. Hai tỉnh có 210 đầu phương tiện loại từ 16 chỗ ngồi trở lên, của các doanh nghiệp tư nhân đang kinh doanh vận tải tuyến cố định, xe hợp đồng.
Theo thống kê, khoảng 950 cán bộ, công chức Kon Tum sẽ xuống Quảng Ngãi làm việc kể từ tháng 7 tới. Trong đó, 150 cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, căn cứ tiêu chuẩn, chức danh theo quy định để bố trí xe công vụ do cơ quan, đơn vị đang công tác quản lý đưa đón riêng, nhằm chủ động thời gian đi lại, đảm bảo yêu cầu công tác và chỉ đạo, điều hành.
Trong số 800 công chức cấp dưới, 160 người chủ động phương tiện hoặc không có nhu cầu đi lại thường xuyên. Như vậy, phương án thuê xe từ 16 - 29 chỗ (năm sản xuất từ 2021 về sau) để bố trí xe chung, đưa đón theo khung giờ cố định được tính toán đối với 560 người còn lại.

Dự kiến 950 cán bộ, công chức và viên chức Kon Tum sẽ đến thành phố Quảng Ngãi làm việc sau sáp nhập hai tỉnh. Ảnh: Lê Danh.
Đi làm lúc 3h sáng
Có 3 phương án được dự thảo để đưa đón 560 công chức đi xe chung hai chiều Kon Tum - Quảng Ngãi.
Phương án 1 là mỗi ngày bố trí 38 chuyến cho hai chiều (loại 16 và 29 chỗ), tương đương 646 lượt xe mỗi tháng (gồm cả 8 chuyến chiều chủ nhật và thứ 6), đón lúc 3h sáng hằng ngày. Theo dự toán, với đơn giá cho xe loại 29 chỗ là 6 triệu đồng/lượt, dự trù kinh phí hơn 7,7 tỷ đồng/tháng.
Phương án 2 là bố trí phương tiện đầu tuần và cuối tuần. Theo đó, vẫn sử dụng phương tiện và số chuyến như trên, nhưng chỉ tổ chức 2 lượt xe/tuần, chứ không đưa đón mỗi ngày. Cụ thể, 3h sáng thứ 2, xe đón công chức tại thành phố Kon Tum, ở lại Quảng Ngãi trong tuần và 17h thứ 6 sẽ đón từ thành phố Quảng Ngãi về.
Phương án trên được xem khả thi trong giai đoạn trước mắt khi chỉ tổ chức 152 lượt xe/tuần, dự trù kinh phí 912 triệu đồng/tháng. Cách này cũng đảm bảo điều kiện di chuyển, sức khỏe và thời gian phục vụ công tác của công chức.
Phương án 3 linh động các ngày trong tuần để tổ chức các chuyến xe, dự kiến khoảng 4 chuyến/ngày, vận chuyển 100 - 120 người, tương đương 120 chuyến/tháng, tiêu tốn hơn 1,4 tỷ đồng.
Tại Kon Tum, xe đón tại 3 điểm, gồm: Sân vận động, Trung tâm hành chính công và bến xe khách. Còn tại Quảng Ngãi, xe cũng đón tại 3 điểm: Bến xe Quảng Ngãi, Trung tâm phục vụ hành chính công và Trung tâm điều hành xe buýt Mai Linh.
Xe sẽ di chuyển toàn hành trình trong 4 giờ, tính ra mỗi lượt đi - về của công chức sẽ tốn tổng cộng 400 nghìn đồng.
Hiện tại, các phương án đã được trình cấp có thẩm quyền để xem xét, cho ý kiến thực hiện.
Theo lộ trình, trong tháng 4, UBND tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục khảo sát nhu cầu đi lại thực tế của cán bộ, công chức, viên chức tại hai địa phương. Tháng 5 lựa chọn nhà thầu cung cấp phương tiện, tháng 7 bắt đầu triển khai và tháng 1/2026 sơ kết để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.

Hơn 60km quốc lộ 24 nối hai địa phương có nền đường nhỏ hẹp, xuống cấp và thường xuyên bị sương mù che phủ làm giảm tầm nhìn, nguy hiểm cho người đi đường. Ảnh: Lê Danh.
UBND tỉnh Quảng Ngãi giao Sở Xây dựng chủ trì tham mưu để báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền thống nhất chủ trương chung để chỉ đạo thực hiện.
Đồng thời, triển khai kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp phương tiện, tổng hợp xây dựng phương án sắp xếp, bố trí phương tiện gắn với nhu cầu thực tế, cũng như rà soát phương tiện khác có thể trưng dụng được để tham mưu, đề xuất bố trí bổ sung nếu còn nhu cầu.
Dự kiến ngân sách tỉnh năm 2025 và ngân sách Trung ương hỗ trợ sẽ được sử dụng cho việc này.
Trong thời gian chờ cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum xây dựng hoàn thành, rút ngắn thời gian di chuyển giữa hai địa bàn, trước mắt cần đầu tư nâng cấp hơn 60km đoạn tuyến nhỏ hẹp, xuống cấp trên quốc lộ 24 để kết nối nhanh, thuận tiện hai đô thị. Cùng đó, Quảng Ngãi nghiên cứu, thực hiện chu đáo việc bố trí phương tiện đưa đón và nơi ăn, chốn ở cho cán bộ Kon Tum xuống làm việc, cũng như trường lớp học tập cho con em của đội ngũ này khi nhập tỉnh, để họ ổn định và yên tâm công tác.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum Dương Văn Trang