Thủ tướng: Hợp tác công tư là 'chìa khóa' để hiện thực hóa mục tiêu phát triển
Tiếp tục Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu 2030 lần thứ tư (P4G), trưa ngày 17/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên đối thoại giữa Nhà lãnh đạo với doanh nghiệp với chủ đề: Hợp tác công tư vì đổi mới sáng tạo và bền vững.
Phát biểu tại Phiên đối thoại, Thủ tướng khẳng định: "Hợp tác công tư là chìa khóa để hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững".
Phát biểu khai mạc phiên Đối thoại, Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Amina J. Mohammed đánh giá, Việt Nam đang là một trong những quốc gia đi đầu về năng lượng tái tạo tại Đông Nam Á, có cơ hội thu hút hàng nghìn tỷ USD.
Đầu tư năng lượng sạch có thể tạo cơ hội trong thế kỷ 21, là điều kiện để thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững như giảm nghèo, phát triển sinh kế, đảm bảo các nhu cầu về năng lượng và các mục tiêu khác. Theo Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, các nền kinh tế mới nổi cần làm nhiều hơn để đạt được các mục tiêu vào năm 2030, đầu tư vào các mô hình mới nhằm đáp ứng các nhu cầu về đầu tư tại các quốc gia phát triển, trong đó có cơ sở hạ tầng mạng lưới điện thân thiện.

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị
Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Amina J. Mohammed nhấn mạnh: "Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu về năng lượng tái tạo tại Đông Nam Á, thu hút được tới hàng tỷ USD đầu tư. Đầu tư vào năng lượng sạch sẽ tạo cơ hội cho thế kỷ 21; tạo điều kiện thích nghi biến đổi khí hậu và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững khác như xóa đói giảm nghèo, y tế và đảm bảo Hiệp định Paris".
Đặc phái viên về Biến đổi Khí hậu của Thủ tướng Italy, ông Francesco Corvaro cho rằng, tầm quan trọng chiến lược của hợp tác công tư trong tiến trình hướng tới một nền kinh tế xanh, không chỉ tại Italy mà còn tại các quốc gia khác như Việt Nam.
Ông Francesco Corvaro nói: "Quá trình chuyển đổi xanh đòi hỏi phải đầu tư, đổi mới sáng tạo và sự phối hợp hiệu quả thông qua mối quan hệ đối tác công tư. Tại Italy, chính phủ đã đóng vai trò tiên phong trong việc dẫn dắt đầu tư, từ đó thu hút khu vực tư nhân tham gia vào các lĩnh vực then chốt như năng lượng tái tạo và công nghệ xanh, đồng thời tạo ra việc làm mới cho thế hệ trẻ".

Toàn cảnh hội nghị
Đại diện cho Đà Nẵng - một thành phố năng động của Việt Nam, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố cho rằng: để xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh vận hành hiệu quả, tận dụng được các thế mạnh và phục vụ mục tiêu phát triển chung của địa phương, thu hút đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thì cần có cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội nhằm kiến tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo và chuyển đổi xanh; huy động nguồn lực xã hội để thiết lập các không gian đổi mới sáng tạo cho cộng đồng, thúc đẩy liên kết quốc tế và xã hội hóa nguồn lực phát triển; kết nối các nguồn lực, sức mạnh của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phục vụ khu vực công, đồng hành cùng phát triển thành phố thông minh và Kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu, thu hút chất xám và công nghệ mới, phục vụ chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.
Phát biểu tại phiên đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Hợp tác công tư là chìa khóa để hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững". Phát triển nhanh nhưng phải bền vững, phải ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát; thúc đẩy tăng trưởng; năng lượng đảm bảo cho sản xuất kinh doanh, tiêu dùng; nợ chi, nợ chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách trong vòng kiểm soát.
Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh phát triển bền vững có cách tiếp cận bình đẳng của mọi người dân đối với y tế, giáo dục, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, người già, người có công với cách mạng phải có chính sách ưu tiên để đảm bảo bền vững.
Thủ tướng nhấn mạnh: "Phải có hợp tác công tư đảm bảo bền vững, như đất nước Việt Nam để đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số như đã xác định thì trong những năm tới đây tổng đầu tư toàn xã hội là 60% GDP (hiện nay mới huy động hơn 30% GDP), còn lại chính là hợp tác công tư. Hợp tác công tư phải đưa ra nhiều mô hình. Mô hình lãnh đạo công nhưng quản trị tư như mô hình VSIP mà Việt Nam đang thực hiện với Singapore".

Các đại biểu tại Hội nghị
Thủ tướng cho rằng, các quốc gia cần xây dựng một hệ sinh thái đầy đủ, toàn diện, hiệu quả cho hợp tác công tư. Theo người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, muốn có hợp tác công tư thì phải có hệ sinh thái hợp tác công tư gồm: xây dựng thể chế để phát huy hợp tác công tư, phát triển hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững phải đi đôi phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đẩy mạnh hợp tác công tư, nhất là trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, Internet vạn vật... Thủ tướng nhấn mạnh, nhân lực chất lượng cao là yếu tố quyết định thành công phát triển nhanh và bền vững, trong đó tập trung hợp tác công tư trong giáo dục, y tế.
Về phía Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng chia sẻ, Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách để giải quyết dứt điểm những điểm nghẽn, vướng mắc hiện nay; thực hiện quyết liệt cải cách hành chính, giảm chi phí tuân thủ, giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất lao động bằng việc đào tạo nguồn nhân lực.
Thủ tướng cho biết: "Chính phủ thúc đẩy để phát triển xanh bằng các tài chính xanh. Muốn có một nền kinh tế xanh thì phải công dân xanh, hoạt động phải xanh, xã hội phải xanh, tức là một hệ sinh thái xanh thì mới tạo ra được động lực lớn cho phát triển kinh tế xanh. Thu hút đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi, ưu tiên về chính sách tài khóa, tiền tệ, thuê đất... cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đầu tư các ngành xanh, xanh hóa nền kinh tế".
Nhấn mạnh tăng cường hợp tác quốc tế, có cơ chế chính sách khuyến khích, chuyển giao công nghệ, Thủ tướng cũng cho rằng phải thông qua thu hút đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực, góp phần quản lý thông minh. Thủ tướng mong các nhà đầu tư chung sức đồng lòng, tập trung vào phát triển xanh; không ngừng cải tiến công nghệ xanh; chủ động tham gia xây dựng các tiêu chuẩn toàn cầu liên quan đến phát triển xanh, các dự án hạ tầng xanh. Đồng thời thực hiện trách nhiệm xã hội, môi trường; công khai, minh bạch thông tin về phát thải và tác động môi trường của doanh nghiệp đến xã hội; hỗ trợ hệ sinh thái, đổi mới sáng tạo xanh từ các nhà đầu tư và doanh nghiệp.