Thủ tướng Chính phủ sẽ đối thoại với nông dân vào ngày 31/12
Theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024 sẽ được tổ chức vào sáng ngày 31/12/2024 dưới hình thức trực tiếp, kết hợp với trực tuyến.
Tại điểm cầu trụ sở Chính phủ, có khoảng 300 đại biểu tham dự dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Tại điểm cầu ở trụ sở UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có sự tham dự của các Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố và các sở, ban, ngành liên quan...
Trước thềm Hội nghị, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã triển khai nhiều kênh tiếp nhận ý kiến, câu hỏi và đề xuất từ bà con nông dân, các hợp tác xã, chuyên gia, nhà khoa học, cùng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn. Các ý kiến được tổng hợp thông qua Hội Nông dân tại 63 tỉnh, thành phố, hai Diễn đàn “Lắng nghe nông dân nói,” cùng các chuyên mục như “Lắng nghe nông dân,” “Nông dân gửi tâm tư tới Thủ tướng” trên Báo điện tử Dân Việt, và nhiều kênh tiếp nhận khác. Kết quả, khoảng 2.000 câu hỏi, ý kiến và đề xuất đã được gửi đến Chính phủ và Thủ tướng, tập trung vào các vấn đề liên quan đến nông nghiệp, nông dân và phát triển nông thôn.
Theo ông Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2024 mang nhiều điểm đổi mới quan trọng. Trước đó, Trung ương Hội đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hai Diễn đàn “Lắng nghe nông dân nói” vào tháng 10 và tháng 11 năm 2024. Đồng thời, tại 63 tỉnh, thành phố, các Hội nghị Chủ tịch UBND địa phương đối thoại với nông dân đã được tổ chức rộng rãi.
Tại các diễn đàn, hội nghị, nhiều vấn đề cụ thể về từng ngành, lĩnh vực, từng địa phương đã cơ bản được thảo luận, thống nhất và giải quyết trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn. Tuy nhiên, có nhiều vấn đề lớn, cần có quyết sách, chính sách thống nhất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đó là:
Thứ nhất, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, nguồn lực hỗ trợ nông dân phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp; đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị và thúc đẩy hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong từng vùng và giữa các vùng, kết nối chuỗi giá trị toàn cầu.
Thứ hai, xây dựng quy hoạch các vùng nguyên liệu, sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo các tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường đối với nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia. Cơ chế, chính sách để hướng tới mục tiêu Netzero, triển khai Đề án phát triển 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, giảm phát thải; phát triển tín chỉ carbon.
Thứ ba, cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân, các hợp tác xã tại các vùng chuyên canh, nhất là đối với người trồng lúa; hỗ trợ thúc đẩy tập trung, tích tụ đất nông nghiệp để sản xuất quy mô lớn; chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp; mở rộng đối tượng bảo hiểm nông nghiệp.
Thứ tư, giải quyết và tháo gỡ những hàng rào kỹ thuật, các tranh chấp pháp lý quốc tế, đảm bảo hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, ổn định thị trường xuất khẩu hàng hóa nông sản. Chính sách về tiếp tục khơi thông dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt đối với các hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa chịu ảnh hưởng do thiên tai và cơn bão Yagi.
Thứ năm, đổi mới hình thức tổ chức và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho nông dân, lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; phát triển bao trùm, đảm bảo công bằng phúc lợi xã hội ở nông thôn (tiếp cận bình đẳng các nguồn lực, dịch vụ cơ bản, phúc lợi xã hội)
Thứ sáu, cơ chế, chính sách để triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, đề án, kế hoạch được nêu tại Nghị quyết số 69/NQ-CP ngày 11/5/2024 của Chính phủ về ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.
Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân là một hoạt động thường niên do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì tổ chức từ năm 2018 đến nay, qua 5 lần tổ chức đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo khí thế, động lực đến bà con nông dân, hợp tác xã cả nước trong tập trung sản xuất, xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.