Nỗ lực tháo gỡ 'điểm nghẽn', nền kinh tế được kỳ vọng về đích năm 2025

Năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá về đích Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021 - 2025, tạo tiền đề để Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới. Nhân dịp năm mới, phóng viên báo Tin tức đã trao đổi với một số chuyên gia kinh tế, ngân hàng xung quanh vấn đề này.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển thị trường tài chính và bất động sản toàn cầu.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển thị trường tài chính và bất động sản toàn cầu.

Tinh gọn bộ máy là tiền đề tốt cho tăng trưởng

Trong bối cảnh Chính phủ đang thực hiện tinh gọn bộ máy, đây sẽ là tiền đề tốt để kinh tế Việt Nam tăng trưởng, áp lực đối với chi thường xuyên cũng sẽ giảm đi, tăng năng suất bộ máy hành chính, tạo sự phát triển.

Chế biến sản phẩm đậu nành xuất khẩu ở nhà máy của Công ty CP Rau quả An Giang. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Chế biến sản phẩm đậu nành xuất khẩu ở nhà máy của Công ty CP Rau quả An Giang. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Đầu tư công tiếp tục là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2025. Tuy nhiên, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 còn chậm. Hiện nay, dư địa đẩy mạnh đầu tư công vẫn còn nhiều và cần phải tăng tốc ngay từ những tháng đầu năm 2025. Với việc tập trung mạnh giải ngân đầu tư công, cùng với việc sáp nhập, tinh giản bộ máy, sự mạnh mẽ trong cải tổ thể chế… sẽ tạo điều kiện tốt cho môi trường đầu tư.

Những thách thức năm 2025 là vẫn có với những diễn biến mới phức tạp, khó lường hơn như chính sách mới từ Tổng thống đắc cử Donald Trump (Mỹ), căng thẳng địa chính trị gia tăng và những ảnh hưởng tới thị trường tài sản và hàng hóa toàn cầu như: Vàng, bitcoin, dầu lửa… Có 4 “biến số” chính đối với kinh tế Việt Nam. Đó là: Tỷ giá, ngoại thương, căng thẳng địa chính trị và nội tại của nền kinh tế.

Dù tăng trưởng được dự báo lạc quan, nhưng nhiều doanh nghiệp đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn gặp nhiều khó khăn và chưa tiếp cận được thực sự nhanh, hiệu quả với những hỗ trợ từ Chính phủ. Nếu không có hỗ trợ hiệu quả kịp thời, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tnăm 2025 của Việt Nam sẽ tăng.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế trả lời phóng viên báo Tin tức.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế trả lời phóng viên báo Tin tức.

Hai kịch bản cho kinh tế Việt Nam năm 2025.

Trong kịch bản thận trọng, GDP tăng từ 6,8 - 7,3% với lạm phát ổn định ở mức 3,2 - 3,5%. Trong kịch bản tích cực, GDP có thể đạt 7,3 - 7,8%, lạm phát khoảng 3,5 - 3,8%.

Nhìn chung, năm 2025 hứa hẹn là thời điểm Việt Nam có thể bứt phá nếu tiếp tục duy trì các chính sách hiệu quả, tận dụng tối đa các cơ hội quốc tế và hóa giải thành công những thách thức nội tại. Điều này đòi hỏi sự đồng lòng và nỗ lực không ngừng từ Chính phủ, các bộ, ngành và doanh nghiệp trong cả nước.

Bên cạnh những thuận lợi, kinh tế Việt Nam năm 2025 cũng phải đối mặt với không ít thách thức. Rủi ro từ thị trường quốc tế như: Nhu cầu về linh kiện điện tử suy giảm, khả năng tăng thuế quan của Mỹ, căng thẳng địa chính trị... có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng. Đặc biệt, những bất ổn về chính sách của chính quyền mới ở Mỹ là một yếu tố khó lường, có thể tác động tiêu cực đến các đối tác thương mại của Mỹ, bao gồm Việt Nam.

Lạm phát toàn cầu, biến động tỷ giá, giá cả hàng hóa... là những yếu tố khó kiểm soát, có thể ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam. Đặc biệt, với độ mở lớn của nền kinh tế, Việt Nam dễ bị tổn thương trước những cú sốc từ bên ngoài. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực cải cách nhưng môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam vẫn còn những điểm nghẽn cần được tháo gỡ. Các thủ tục hành chính còn phức tạp, chi phí logistics cao, thiếu hụt lao động có kỹ năng... là những rào cản đối với sự phát triển của doanh nghiệp.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% và hướng tới sự phát triển bền vững, Việt Nam cần tập trung duy trì ổn định kinh tế vĩ mô như: Kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế là điều kiện tiên quyết để tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng; khuyến khích sản xuất trong nước, thúc đẩy tiêu dùng nội địa, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam là những giải pháp quan trọng để giảm sự phụ thuộc vào thị trường nước ngoài.

Tháo gỡ điểm nghẽn năm 2025 là tiếp tục cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục, giảm chi phí cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh... Đây là những giải pháp cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Ông Chatuporn Boozaya-Angool, Tổng Giám đốc KBank TP Hồ Chí Minh.

Ông Chatuporn Boozaya-Angool, Tổng Giám đốc KBank TP Hồ Chí Minh.

Cần duy trì chính sách tài khóa thích ứng

Tăng trưởng kinh tế năm 2025 dự kiến duy trì trong phạm vi tiềm năng từ 6,0 - 6,5% nhờ vào những yếu tố hỗ trợ trong nước và chính sách kích thích sẽ cân bằng với sự suy giảm xuất khẩu dưới tác động của chính sách "Trump 2.0". Tăng trưởng xuất khẩu dự kiến chậm lại vào năm 2025 sau khi tăng hai chữ số vào năm 2024, với triển vọng bị che mờ bởi những bất ổn xung quanh các chính sách thương mại của Hoa Kỳ. Mức tiêu dùng dự kiến tăng cường nhờ vào thị trường lao động cải thiện và việc gia hạn giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% của Chính phủ cho đến hết nửa đầu năm 2025.

Mặc dù có khả năng Mỹ sẽ tăng thuế nhập khẩu nhưng các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn vẫn được cam kết. Ngân sách đầu tư công đạt mức cao kỷ lục sẽ thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng.

Chính phủ đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP là 7,5 – 8,5% trong giai đoạn 2026 – 2030. Để đạt được các mục tiêu tăng trưởng lớn hơn, Chính phủ cần duy trì chính sách tài khóa thích ứng. Khi dự trữ ngoại hối tiếp tục giảm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể sẽ xem xét tăng lãi suất chính sách để tạo không gian chính sách trong khi bảo vệ tỷ giá VND và bổ sung dự trữ ngoại hối.

Đối với dự báo thị trường tài chính, ngân hàng năm 2025, ngành Ngân hàng Việt Nam dự kiến tiếp tục đà tăng trưởng nhờ vào sự phục hồi chung của nền kinh tế. Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống được kỳ vọng sẽ duy trì xu hướng (mức 14,2%), phù hợp với mục tiêu 15% của Chính phủ cho năm 2025.

Phân khúc khách hàng doanh nghiệp sẽ tiếp tục là động lực chính đóng góp vào tăng trưởng tín dụng, được thúc đẩy bởi nhu cầu mạnh mẽ về các khoản vay trung và dài hạn để hỗ trợ mở rộng kinh doanh, đặc biệt với các ngành kinh tế trọng điểm như sản xuất trong các ngành công nghiệp thúc đẩy xuất khẩu và các ngành thương mại liên quan đến hoạt động du lịch.

KBank ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc bảo vệ các doanh nghiệp trong nước; đồng thời, thúc đẩy môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài và khuyến nghị tiếp tục nới lỏng các quy định và chính sách đầu tư, bao gồm các ưu đãi thuế, để tăng cường hơn nữa sự tham gia của nước ngoài. KBank cũng đề xuất tăng cường các tiêu chuẩn ngân hàng và thực hiện các chính sách thúc đẩy tài chính toàn diện; cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính cho mọi phân khúc của xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ và khách hàng cá nhân... Từ đó, Việt Nam có thể kích thích hoạt động kinh tế và đảm bảo tăng trưởng bền vững.

Xin trân trọng cảm ơn các chuyên gia!

Minh Phương (thực hiện)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/no-luc-thao-go-diem-nghen-nen-kinh-te-duoc-ky-vong-ve-dich-nam-2025-20250101145415927.htm
Zalo