Thủ tướng: 'Chấp nhận thất bại, trả giá để có đột phá công nghệ'

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định thông điệp, để tạo đột phá về khoa học công nghệ thì quá trình thực hiện phải chấp nhận rủi ro, thất bại, thậm chí phải trả giá, coi đó là 'học phí'.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại tổ Quốc hội sáng 15/2. Ảnh: quochoi.vn

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại tổ Quốc hội sáng 15/2. Ảnh: quochoi.vn

Sáng 15/2, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Tại thảo luận tổ của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đất nước muốn phát triển nhanh, bền vững thì phải dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Đây là yêu cầu khách quan, không thể thay đổi. Vì vậy, việc tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế là việc phải tập trung làm.

Theo Thủ tướng, Nghị quyết đã đề cập đến một số vấn đề giúp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, tuy nhiên còn một số vấn đề cần bổ sung.

Phát triển khoa học công nghệ: Chính sách đặc thù cần đi kèm cơ chế đặc biệt

Cụ thể, Thủ tướng cho rằng, phải nghiên cứu bổ sung cơ chế đặc biệt để phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số với 5 nhóm cơ chế đặc biệt sau:

Thứ nhất, phải có cơ chế đặc biệt phát triển kết cấu hạ tầng cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Theo Thủ tướng, hạ tầng hiện nay còn yếu trong nguồn khi nguồn lực cho hạ tầng còn hạn chế, vì vậy phải có cơ chế để huy động nguồn lực từ xã hội và người dân.

Thứ hai, phải cơ chế đặc biệt cho quản lý như "lãnh đạo công, quản trị tư"; "đầu tư công nhưng quản lý tư"; "đầu tư tư nhưng quản lý công" trong các hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Ví dụ Nhà nước có thể đầu tư một hạ tầng khoa học công nghệ nhưng giao cho tư nhân quản lý. Hoặc lãnh đạo công là việc thiết kế chính sách, pháp luật, những công cụ giám sát kiểm tra, còn lại quản trị sẽ giao cho doanh nghiệp, Thủ tướng nói.

Thứ ba, phải có cơ chế đặc biệt cho các nhà khoa học, các công trình khoa học có thể thương mại hóa được. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xóa bỏ cơ chế xin - cho, giảm thủ tục hành chính và quản lý hiệu quả tổng thể.

Thứ tư, cần thiết kế thêm cơ chế miễn trừ trách nhiệm khi xảy ra rủi ro cả với người thực hiện chứ không phải chỉ người thiết kế chính sách. Theo Thủ tướng, khâu thực hiện là khâu khó, nếu không có cơ chế đặc biệt để bảo vệ người thực hiện dễ dẫn đến tình trạng sợ trách nhiệm hoặc không muốn làm.

Thứ năm, phải có cơ chế đặc biệt để thu hút nhân lực. Bao gồm cơ chế để phát triển doanh nghiệp tư nhân về khoa học công nghệ; thu hút nguồn nhân lực từ bên ngoài vào Việt Nam bằng chính sách thuế, phí, lệ phí, chỗ ở, visa, chính sách lao động…

Bên cạnh đó, Thủ tướng nhấn mạnh, khi có cơ chế đặc biệt thì phải thiết kế công cụ đặc biệt để quản lý. Phải ứng xử với tình hình nào bằng chính sách đó để nâng cao hiệu quả, không để xảy ra tham nhũng tiêu cực, lãng phí, Thủ tướng lưu ý.

"Quá trình thực hiện để tạo đột phá về khoa học công nghệ cũng phải chấp nhận rủi ro, chấp nhận thất bại, thậm chí phải trả giá. Loại trừ động cơ cá nhân, còn rủi ro mất mát do khách quan, người thực hiện vô tư trong sáng vì sự phát triển khoa học công nghệ, vì sự phát triển của đất nước thì phải chấp nhận, coi đó như học phí để có thêm kinh nghiệm, bài học, bản lĩnh và trí tuệ để làm tốt hơn," Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

KIỀU CHINH

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/thu-tuong-chap-nhan-that-bai-tra-gia-de-co-dot-pha-cong-nghe-38308.html
Zalo