Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại Bộ Giáo dục và Đào tạo

Ngày 03/10/2024, Đoàn công tác liên ngành do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh làm Trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Dự buổi kiểm tra có Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo (GD và ĐT) Nguyễn Thị Kim Chi.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh phát biểu tại buổi làm việc

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh phát biểu tại buổi làm việc

Báo cáo tại buổi kiểm tra, Chánh Thanh tra Bộ GD và ĐT Nguyễn Đức Cường cho biết, công tác triển khai thực hiện Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành được Bộ trưởng Bộ GD và ĐT quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc. Công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; Công tác phổ biến pháp luật, hướng dẫn, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về pháp luật xử lý vi phạm hành chính; Công tác kiểm tra, thanh tra việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính được quan tâm thực hiện.

Chánh Thanh tra Bộ GD và ĐT Nguyễn Đức Cường báo cáo trước Đoàn kiểm tra

Chánh Thanh tra Bộ GD và ĐT Nguyễn Đức Cường báo cáo trước Đoàn kiểm tra

Công tác xử lý vi phạm hành chính được triển khai, thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật và đạt hiệu quả; đã phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời nhiều hành vi vi phạm pháp luật; chấn chỉnh kịp thời nhiều sai phạm, rút kinh nghiệm và có những biện pháp khắc phục nhằm góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật thông tin và truyền thông của các tổ chức, cá nhân. Vì vậy so với những năm trước đó, việc xử phạt VPHC trong lĩnh vực giáo dục của năm 2023, 6 tháng đầu năm 2024 giảm so với năm trước (năm 2022 ban hành: 95 QĐXPVPHC, năm 2023 ban hành 17 QĐXPVPHC; 6 tháng đầu năm 2024 ban hành 03 QĐXPVPHC).

“Lĩnh vực công tác rộng lớn tuy nhiên lực lượng thanh tra hiện nay rất mỏng, công chức thanh tra của Thanh tra Bộ GDĐT và các sở GDĐT còn thiếu (một số sở GDĐT chỉ có từ 02-04 công chức Thanh tra)”, ông Cường cho biết thêm.

Cục trưởng Cục QLXLVPHC và TDTHPL Nguyễn Quốc Hoàn nêu một số vấn đề Đoàn kiểm tra quan tâm

Cục trưởng Cục QLXLVPHC và TDTHPL Nguyễn Quốc Hoàn nêu một số vấn đề Đoàn kiểm tra quan tâm

Cũng theo ông Cường, thực tiễn thi hành pháp luật về XLVPHC còn có những khó khăn, vướng mắc xuất phát từ các quy định pháp luật:Quy định kinh phí xử phạt vi phạm hành chính phải nộp ngân sách nhà nước, trong khi không có nguồn riêng phục vụ việc xử phạt (xác minh thông tin, công tác phí, phương tiện… để lập biên bản), nội dung chi, mức chi chưa có hướng dẫn; Các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục chưa theo kịp thực tiễn hành vi vi phạm.

Phó Cục trưởng Cục QLXLVPHC và TDTHPL Nguyễn Thanh Hà

Phó Cục trưởng Cục QLXLVPHC và TDTHPL Nguyễn Thanh Hà

Chánh Thanh tra Bộ GĐ ĐT đề nghị đảm bảo kinh phí cho hoạt động xử phạt vi phạm hành chính. Bộ Tài chính cần có hướng dẫn/quy định chi tiết nội dung chi này từ nguồn thu xử phạt được trích lại để đơn vị làm cơ sở thực hiện; Rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi quy định về xử phạt vi phạm hành chính cho phù hợp thực tế, đảm bảo khả thi và đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; Bố trí nguồn kinh phí cho việc tập huấn thường xuyên và định kỳ cho các đơn vị và cá nhân có liên quan.

Đại diện Vụ Pháp chế, Bộ GD và ĐT

Đại diện Vụ Pháp chế, Bộ GD và ĐT

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn kiểm tra đã nêu những ưu nhược điểm của 20 hồ sơ đã tiến hành kiểm tra, những vấn dề cần lưu ý cũng như kiến nghị giải pháp trong thời gian tới.

Các thành viên trong Đoàn cũng đặt nhiều câu hỏi liên quan đến công tác kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Đại diện các đơn vị của Bộ Giáo dục đào tạo đã làm rõ các vấn đề Đoàn kiểm tra quan tâm.

Thứ trưởng Bộ GD và ĐT Nguyễn Thị Kim Chi cho biết lãnh đạo Bộ sẽ chỉ đạo yêu cầu thực hiện nghiêm những vấn đề Đoàn kiểm tra nêu ra.

Thứ trưởng Bộ GD và ĐT Nguyễn Thị Kim Chi cho biết lãnh đạo Bộ sẽ chỉ đạo yêu cầu thực hiện nghiêm những vấn đề Đoàn kiểm tra nêu ra.

Thứ trưởng Bộ GD và ĐT Nguyễn Thị Kim Chi đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của Đoàn kiểm tra và cho biết lãnh đạo Bộ sẽ chỉ đạo yêu cầu thực hiện nghiêm những vấn đề Đoàn kiểm tra chỉ ra. Đối với những nhiệm vụ cụ thể, thay mặt Bộ GD và ĐT, Thứ trưởng tiếp thu và cho rằng những vấn đề nêu lên trong kiểm tra giúp Bộ rất thiết thực trong việc thực thi, thực hiện đúng các quy định pháp luật trong lĩnh vực kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Thứ trưởng yêu cầu đơn vị đầu mối tăng cường kiểm tra, xử phạt, phân cấp phân quyền, hướng dẫn địa phương để thực hiện hiệu quả công tác này.

Thứ trưởng mong muốn Bộ Tư pháp giúp Bộ GD và ĐT trong việc tập huấn nghiệp vụ. Đồng thời qua việc kiểm tra yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ chủ động đề xuất để lãnh đạo Bộ xem xét, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để làm tốt hơn công tác này trong thời gian tới.

Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đề nghị Lãnh đạo Bộ GD và ĐT cần tăng cường năng lực cho đội ngũ thanh tra, pháp chế.

Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đề nghị Lãnh đạo Bộ GD và ĐT cần tăng cường năng lực cho đội ngũ thanh tra, pháp chế.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đánh giá cao công tác chuẩn bị cho đoàn kiểm tra và một số kết quả đạt được trong công tác này.

Nhằm tạo sự chuyển biến đồng bộ, toàn diện, tiếp tục từng bước nâng cao hiệu quả của công tác thi hành pháp luật về XLVPHC trong năm 2024 và những năm tiếp theo, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đề nghị Bộ GD và ĐT chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ, phối hợp chặt chẽ với Vụ Pháp chế, Thanh tra Bộ thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quản lý công tác thi hành pháp luật về XLVPHC tại Bộ theo đúng quy định của Luật XLVPHC, Nghị định số 118/2021/NĐ-CP và Nghị định số 19/2020/NĐ-CP.

Thứ trưởng nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của Bộ GD và ĐT trong việc thực hiện quy định về việc tự kiểm tra công tác thi hành pháp luật về XLVPHC; phân định thẩm quyền kiểm tra của từng chủ thể tiến hành hoạt động kiểm tra và đề nghị Bộ GD và ĐT tăng cường kiểm tra công tác thi hành pháp luật về XLVPHC đối với ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc.

Tiếp tục quán triệt về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng, sự cấp thiết của yêu cầu thực hiện nhiệm vụ quản lý công tác thi hành pháp luật về XLVPHC. Đặc biệt, chú trọng nhiều hơn nữa trong việc triển khai thi hành các văn bản quy phạm pháp luật về XLVPHC.

Các lực lượng chức năng, các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ và các đơn vị liên quan cần chủ động, phối hợp trong việc trao đổi thông tin, xây dựng và hoàn thiện pháp luật về XLVPHC nhằm tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng các quy định về xử phạt vi phạm hành chính, đặc biệt là các khó khăn, vướng mắc được nêu trong Báo cáo kiểm tra.

Liên quan đến công tác theo dõi thi hành pháp luật về XLVPHC nói riêng và công tác Pháp chế nói chung, Thứ trưởng nhấn mạnh và đề nghị Bộ GD và ĐT tăng cường thực hiện một trong 3 đột phá chiến lược của Đại hội Đảng XIII, xây dựng và hoàn thiện thể chế, các định hướng, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp được nêu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”, Quy định số 178 về Kiểm soát quyền lực và phòng chống tham nhũng trong Xây dựng pháp luật; các văn bản chỉ đạo, điều hành, kết luận của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật; đề nghị Lãnh đạo Bộ GD và ĐT cần tiếp tục quán triệt, nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác pháp chế, trong đó có công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật, tổ chức THPL theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: “đầu tư xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách là đầu tư cho phát triển” để quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư nguồn lực một cách thực chất, thỏa đáng cho công tác này.

Đề cao tính chịu trách nhiệm của người đứng đầu trong việc ban hành văn bản và xử lý văn bản trái pháp luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và Nghị định 34/2016 (sửa đổi, bổ sung năm 2020 tại Nghị định 154/2020). Tăng cường vai trò đầu mối tham mưu, tổ chức thực hiện của đơn vị pháp chế và sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác pháp chế nói chung và công tác theo dõi thi hành pháp luật về XLVPHC nói riêng.

Tiếp tục quan tâm củng cố, kiện toàn tổ chức pháp chế, nâng cao trình độ, năng lực, bản lĩnh chính trị đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác pháp chế, đặc biệt là đội ngũ làm công tác XLVPHC và theo dõi thi hành pháp luật về XLVPHC; bố trí các nguồn lực, nâng cao năng lực và chế độ, chính sách cho công chức làm công tác xây dựng pháp luật nói chung, XLVPHC nói riêng gắn với việc đổi mới cách thức tổ chức công việc để không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả các công tác này. Tiếp tục tập trung và bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật và kinh phí cho công tác xây dựng, ban hành VBQPPL; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành, triển khai các hoạt động pháp chế; quy trình hóa, mẫu hóa hồ sơ xử lý công việc theo hướng khoa học, đơn giản, thuận tiện.

Bình An

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/thu-truong-dang-hoang-oanh-kiem-tra-cong-tac-thi-hanh-phap-luat-ve-xu-ly-vi-pham-hanh-chinh-tai-bo-giao-duc-va-dao-tao-post527431.html
Zalo