Hà Nội đã giải tỏa được 98% cây xanh gãy đổ sau bão Yagi

Sau bão Yagi, Hà Nội đã giải tỏa đảm bảo an toàn giao thông khoảng 7.420 cây xanh. Đang tiếp tục vận chuyển gỗ củi của 215 cây về kho bãi. Đến nay công tác giải tỏa đã hoàn thành đạt khoảng trên 98% khối lượng.

Ngày 3/10, tại họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội Quý III, 9 tháng đầu năm 2024, nhiệm vụ trọng tâm Quý IV năm 2024, ông Nguyễn Đình Hoa – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, do ảnh hưởng của đợt mưa bão, thiên tai vừa qua, trên địa bàn Thành phố đã có những thiệt hại về người.

 Hà Nội đã giải tỏa được 98% cây xanh gãy đổ sau bão Yagi. Ảnh: Mạnh Cường

Hà Nội đã giải tỏa được 98% cây xanh gãy đổ sau bão Yagi. Ảnh: Mạnh Cường

Hầu hết các địa phương đều có các ảnh hưởng, thiệt hại về tài sản xảy ra liên quan đến cây đổ, cành gãy, mất điện, sập đổ, tốc mái công trình và xảy ra các sự cố về điện.

Tình hình thiệt hại trong trên toàn địa bàn Thành phố đến ngày 26/9/2024, cây bị gẫy, đổ trên 100.000 cây (bao gồm cây đô thị và các loại cây khác); lúa bị gẫy, đổ, dập nát trên 23.000 ha; lúa bị ngập trên 15.000 ha; rau màu bị ngập, ảnh hưởng trên 13.000 ha; cây ăn quả bị ảnh hưởng trên 9.000 ha, thủy sản bị ảnh hưởng trên 4.000 ha; trên 3.000 con gia súc bị chết; trên 600.000 con gia cầm bị chết, thất lạc… xảy ra 41 sự cố công trình đê điều và khoảng 150 sự cố công trình thủy lợi cùng các sự cố, ảnh hưởng khác về ngập lụt…; Sản xuất công nghiệp chịu thiệt hại nhẹ (số liệu tính đến ngày 30/9/2024).

Đến ngày 30/9/2024, đã có gần 75.000 người trở về trên tổng số 78.000 người dân sơ tán, di dời. Còn lại khoảng hơn còn trên 3.000 người dân vẫn còn phải sơ tán do ngập lụt chủ yếu trên địa bàn huyện Chương Mỹ.

Về cây đổ, đến ngày 20/9/2024 trên địa bàn Thành phố có hơn 11.756 cây xanh đô thị bị đổ, bật gốc. Thành phố đã chỉ đạo triển khai phương án trồng dựng lại tại chỗ khoảng 3.418 cây xanh (trong đó có khoảng hơn 100 cây quý hiếm, cây di sản, cây được bảo tồn và cây cổ thụ); chuyển về vườn ươm để chăm sóc khoảng 580 cây. Công tác giải tỏa đảm bảo an toàn giao thông khoảng 7.420 cây. Đang tiếp tục vận chuyển gỗ củi của 215 cây về kho bãi. Đến nay công tác giải tỏa đã hoàn thành đạt khoảng trên 98% khối lượng.

Hiện nay, hệ thống công trình đê điều, thủy lợi cơ bản ổn định, không có các sự cố lớn xảy ra; công tác di dân, đảm bảo an toàn cho Nhân dân trước bão, lũ đã được triển khai theo đúng kế hoạch, không bị động, không bất ngờ mặc dù sau nhiều năm mới có lũ…

UBND Thành phố đã ban hành các quyết định bổ sung có mục tiêu cho các quận, huyện, sở ngành để thực hiện công tác khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra trên địa bàn Thành phố là 220,87 tỷ đồng.

Về giải pháp trong thời gian tới, theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương, đơn vị trong thời gian tới cần tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương và Thành phố trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Tập trung cao độ khắc phục hậu quả cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão; đồng thời nâng cao cảnh giác, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, chủ động chỉ đạo, triển khai ứng phó theo thẩm quyền, đảm bảo kịp thời, hiệu quả, sát với tình hình thực tế trên địa bàn.

Các cấp, các ngành tiếp tục, khẩn trương triển khai đồng thời các hoạt động khắc phục hậu quả, sự cố, dọn dẹp, vệ sinh môi trường; rà soát, đánh giá, hỗ trợ thiệt hại sau thiên tai theo quy định.

Đối với công tác đê điều, thủy lợi: các công trình bị ảnh hưởng, sạt lở, lún sụt sẽ được kiểm tra, rà soát, đánh giá; những công trình cần phải xử lý ngay sẽ tham mưu UBND Thành phố ban hành lệnh xây dựng công trình khẩn cấp; những công trình khác sẽ đưa vào kế hoạch cải tạo, sửa chữa, đầu tư, nâng cấp; các trạm bơm tiêu sẽ hoạt động theo kế hoạch để giảm các diện tích đang bị ngập úng.

Tổ chức tổng kết, đánh giá công tác ứng phó thiên tai trong thời gian qua; rà soát, cập nhật các phương án ứng phó với tình huống thiên tai, sự cố có thể xảy ra trong thời gian tới, sẵn sàng triển khai phương án ứng phó, khắc phục theo phương châm “4 tại chỗ”; đặc biệt lưu tâm, rút kinh nghiệm đối với những thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản liên quan đến gió, bão, ngập lụt, sạt lở đất thời gian qua; chú trọng đến các địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của ngập, lụt, lũ rừng ngang: Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất, Mỹ Đức…

Minh Chí

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ha-noi-da-giai-toa-duoc-98-cay-xanh-gay-do-sau-bao-yagi-post315098.html
Zalo