Lời giải nào cho 'bài toán' mức sinh thấp?

Bộ Y tế tiếp tục đề xuất bỏ quy định mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh từ 1 đến 2 con và trao quyền quyết định số con, thời gian sinh con, khoảng cách giữa các lần sinh con cho các cặp vợ chồng. Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh mức sinh tại nhiều địa phương đang tiếp tục giảm.

 Em bé chào đời tại bệnh viện. Ảnh minh họa

Em bé chào đời tại bệnh viện. Ảnh minh họa

Bài 1: Áp lực bủa vây, nhiều người ngại sinh con thứ hai

"Gia đình tôi mới có một bé, năm nay đã 13 tuổi rồi nhưng hai vợ chồng vẫn không dám sinh thêm con. Giờ chi phí để nuôi một đứa trẻ rất tốn kém chứ không phải như trước đây", chị Lê Thu Thảo (38 tuổi, ngụ quận 8, TPHCM) chia sẻ khi đang đợi đón con đi học thêm.

"Nuôi một đứa con bây giờ tốn kém và vất vả lắm"

Đều đặn mỗi tuần 3 buổi, chị Thảo đều chở con đi học thêm tại một trung tâm cách nhà hơn 7km. Những hôm con đi học thêm, phải gần 22 giờ thì cả hai mẹ con mới về đến nhà. "Cũng vất vả và tốn kém lắm nhưng nếu không cho bé đi học thêm thì khó có thể theo kịp được chương trình. Ở thành phố này, mình phải đầu tư cho con học chứ không có cách nào khác được", chị Thảo chia sẻ.

Hai vợ chồng chị Thảo đều từ nơi khác đến TPHCM lập nghiệp nên cuộc sống gặp không ít khó khăn. Cách đây 5 năm, anh chị phải chạy vạy vay mượn khắp nơi mới mua được một căn hộ chung cư cách trung tâm thành phố hơn 7km với giá hơn 1,5 tỷ đồng.

"Ngoài vay mượn người thân thì vợ chồng tôi còn phải vay trả góp ngân hàng hơn 600 triệu đồng trong thời gian 15 năm. Đến nay, hàng tháng, chúng tôi vẫn phải trả cả gốc lẫn lãi gần 7 triệu đồng. Từ sau dịch Covid-19 đến nay, công việc gặp khó, thu nhập thì giảm sút", chị Thảo tâm sự.

Chi phí và thời gian chăm sóc con thực sự là rào cản khiến vợ chồng chị Thảo không dám sinh thêm con. "Do cả nhà nội và nhà ngoại đều ở xa nên khi sinh con ra thì cả hai vợ chồng phải tự lo. Giờ con lớn còn đỡ chứ lúc mới sinh đến dưới 5 tuổi, con hay bị ốm vặt.

Có khi giữa đêm vợ chồng tôi phải bế con vào bệnh viện cấp cứu. Với bản thân tôi, việc mang thai, sinh nở cũng ảnh hưởng lớn đến công việc, cơ hội thăng tiến. Sinh thêm con thì vợ chồng tôi thực sự gồng gánh không nổi, nuôi một đứa con bây giờ tốn kém và vất vả lắm", chị Lê Thu Thảo cho hay.

Nhiều thách thức khi mức sinh giảm

Nhiều cặp vợ chồng tại TPHCM ngại sinh con thứ hai vì lý do kinh tế

Nhiều cặp vợ chồng tại TPHCM ngại sinh con thứ hai vì lý do kinh tế

Nhiều năm qua, mức sinh ở TPHCM dao động ở mức 1,24-1,7 con/phụ nữ, thấp hơn nhiều mức sinh thay thế 2-2,1 con/phụ nữ. Năm 2022, mức sinh ở TPHCM là 1,39 con/phụ nữ và giảm còn 1,32 con/phụ nữ vào năm 2023 khiến địa phương này tiếp tục được xếp vào nhóm 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp của cả nước.

Ông Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TPHCM, cho biết, mức sinh giảm dẫn đến nhiều thách thức khi tỷ lệ người trẻ, người trong độ tuổi lao động giảm trong khi tỷ lệ người cao tuổi tăng. Mức sinh giảm, tốc độ già hóa dân số nhanh sẽ tạo ra áp lực rất lớn lên hệ thống an sinh - xã hội, phúc lợi, nhân lực và chi phí lớn để chăm sóc người cao tuổi.

Theo các chuyên gia, có nhiều lý do khiến phụ nữ TPHCM chọn sinh ít hoặc không sinh con như gánh nặng kinh tế, áp lực công việc, tỷ lệ vô sinh hiếm muộn cao… Bên cạnh đó, hiện nay, nhiều người có xu hướng kết hôn muộn hơn và chọn chỉ có một con để đủ nguồn lực tài chính, thời gian và sức khỏe chăm sóc tốt cho con cái. Ngoài ra, việc học tập và phát triển sự nghiệp cũng ảnh hưởng đến quyết định sinh con của nhiều người.

Ông Phạm Chánh Trung cho rằng, để thực hiện khuyến sinh không đơn giản là sự thay đổi về số con mà quan trọng nhất vẫn là những chính sách hỗ trợ các cặp vợ chồng trong độ tuổi kết hôn và sinh con, làm thế nào để họ có thể nuôi dạy con trong điều kiện phát triển tốt nhất.

Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TPHCM đã có những đề xuất, tham mưu với Sở Y tế Thành phố trong Dự thảo về chính sách dân số tại TPHCM đến năm 2030 để trình Hội đồng Nhân dân Thành phố với các giải pháp như:

Hỗ trợ mua nhà ở xã hội đối với các cặp vợ chồng sinh đủ hai con, hỗ trợ viện phí (kinh phí đồng chi trả, ngoài chi phí bảo hiểm y tế thanh toán) cho các cặp vợ chồng ở lần sinh con thứ hai trước 35 tuổi, hỗ trợ chi phí khám sức khỏe trước khi kết hôn…

Bên cạnh đó, ngành y tế TPHCM cũng thực hiện nâng cao hiểu biết về tầm quan trọng của việc khám sức khỏe tiền hôn nhân cho thanh niên, các cặp đôi để khởi đầu cuộc sống hôn nhân thuận lợi và xây dựng gia đình hạnh phúc; đồng thời tăng cường phổ biến lợi ích của việc thực hiện tầm soát, chẩn đoán, điều trị các bệnh, tật trước sinh và sơ sinh nhằm can thiệp, điều trị sớm các bệnh, tật trong giai đoạn bào thai và sơ sinh, giúp trẻ sinh ra phát triển khỏe mạnh.

Bài sau: "Vận động thực hiện kế hoạch hóa gia đình đã khó, vận động sinh đủ 2 con còn khó hơn"

PV

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/loi-giai-nao-cho-bai-toan-muc-sinh-thap-20241003145035342.htm
Zalo