Thu tiền tỷ từ nuôi ong, chế biến mật ong

Trên địa bàn huyện Dầu Tiếng hiện có 23 hợp tác xã, 90 tổ hợp tác. Nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, có hướng đi mới, phát triển ổn định. Hợp tác xã Ong mật Thảo Trinh (ấp Hòa Cường, xã Minh Hòa) là một điển hình, không chỉ nuôi ong lấy mật mà còn sản xuất sản phẩm mật ong đóng chai, xuất khẩu.

Chị Phạm Thị Thảo thu hoạch mật ong

Chị Phạm Thị Thảo, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Ong mật Thảo Trinh, cho hay để sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường chị đã cải tiến cách nuôi và tạo ra sản phẩm mật ong hộp bánh tổ. Chị không nuôi ong bằng thùng đơn mà nuôi bằng thùng kế, được thiết kế với vỉ nuôi, có cách chăm sóc riêng. Theo cách này, chị chú trọng khâu đầu vào, lựa chọn thức ăn tốt nhất để nuôi ong, chủ lực là chọn hạt đậu nành đạt chất lượng cao và rang xay vừa đủ chín để bảo đảm hàm lượng dinh dưỡng hợp lý về độ đạm, độ béo đủ tiêu chuẩn để ong phát triển nhanh và khỏe mạnh.

Hiện nay, HTX Ong mật Thảo Trinh có hơn 600 thùng kế nuôi ong, sản lượng thu hoạch mỗi vụ hơn 20.000 hộp mật ong bánh tổ; sản phẩm được xuất khẩu sang Hàn Quốc. Ngoài xuất khẩu, HTX đã tạo nhiều kênh bán hàng thương mại điện tử, online, bán hàng trên Facebook. Bên cạnh đó, HTX cũng cung cấp các loại thức ăn chăn nuôi ong mật. Mỗi năm, doanh thu của HTX đạt khoảng 45 tỷ đồng, lợi nhuận đạt hàng tỷ đồng. HTX còn giải quyết việc làm ổn định cho 20 lao động địa phương, thu nhập bình quân mỗi tháng 9 triệu đồng/người.

Được biết, trước đây vợ chồng chị Thảo là giáo viên cấp 2 và làm thêm nghề nuôi ong lấy mật để cải thiện kinh tế gia đình. Sau một thời gian, thấy mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế cao, vợ chồng chị đã mở rộng sản xuất, tự làm bột để nuôi ong và chế biến mật ong đóng chai bán ra thị trường. Vài năm sau, vợ chồng chị cùng một số người nuôi ong thành lập HTX Ong mật Thảo Trinh. Đến nay, HTX đã đầu tư máy móc, thiết bị về lọc mật ong, hạ thủy phần... bảo đảm đạt tiêu chuẩn đóng chai theo quy định để tiêu thụ trên thị trường.

Chị Thảo chia sẻ, tùy theo mùa hoa nở, thùng nuôi ong sẽ được các thành viên HTX di chuyển đến khu vườn cây nơi có hoa để ong hút mật. HTX áp dụng nghiêm ngặt quy trình nuôi để khi vào mùa lấy mật bảo đảm độ chín, độ đặc của mật ong. Trong sản xuất mật ong, HTX đặc biệt chú trọng quy trình vệ sinh và lọc sạch tạp chất, cũng như kiểm tra dưỡng chất tồn dư trong mật ong để sản phẩm làm ra đạt tiêu chuẩn 4 sao theo quy định của cơ quan chức năng, với nhiều hương vị đặc trưng như mật ong hoa nhãn, mật hoa cà phê, mật điều, mật cao su.

Đáng chú ý, ngoài hoạt động sản xuất, kinh doanh, HTX còn tích cực hướng dẫn, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ vật tư, kỹ thuật cho nhiều nông dân địa phương. Mỗi năm học, chị Thảo cùng các thành viên HTX hỗ trợ 30-50 triệu đồng giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Riêng trong năm 2024, HTX đã đóng góp xây tặng 2 căn nhà tình thương tại tỉnh Yên Bái; tham gia nhiều hoạt động từ thiện “Chợ 0 đồng” trên địa bàn tỉnh và huyện Dầu Tiếng góp phần giúp đỡ nhiều mảnh đời kém may mắn.

Bà Dương Phương Dung, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Dầu Tiếng, cho biết chị Phạm Thị Thảo, Giám đốc HTX Ong mật Thảo Trinh là một nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Chị Thảo còn tham gia nhiệt tình các hoạt động, phong trào do Hội Nông dân các cấp tổ chức, các cuộc vận động do địa phương phát động, như đóng góp tiền xây dựng nhà đại đoàn kết, đóng góp vào Quỹ vì người nghèo, Quỹ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ở địa phương...

HỒNG NGA

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/thu-tien-ty-tu-nuoi-ong-che-bien-mat-ong-a341964.html
Zalo