Thủ phủ ô tô Canada đối mặt thảm cảnh 'thị trấn ma' vì thuế quan
Các loại thuế quan do Tổng thống Trump áp đặt đang phủ bóng đen lên Windsor — trung tâm ngành công nghiệp sản xuất linh kiện xe hơi xuất khẩu sang Mỹ của Canada.

Người dân Canada lo sợ thuế quan của ông Trump sẽ biến Windsor thành “thị trấn ma”. Trong ảnh là nhà máy lắp ráp ô tô FCA Windsor Assembly Plant tại Windsor. Ảnh: Windsor Star
Khi được hỏi điều gì sẽ xảy ra với thành phố của họ nếu không còn các nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô, hai quan chức công đoàn Pauline Ridley và Colleen Barrette không do dự trả lời: “Một thị trấn ma.”
Theo tờ New York Times, cuộc chiến thuế quan của Tổng thống Trump nhằm vào Canada đang gây ra một làn sóng lo âu tại Windsor, thủ phủ sản xuất ô tô của Canada. Mối quan tâm chủ yếu vẫn là tương lai của các nhà máy lắp ráp quy mô lớn.
Tuy nhiên, mức độ lo lắng thậm chí còn cao hơn tại khoảng 100 nhà máy phụ tùng nhỏ hơn ở Windsor và các vùng lân cận, nơi đang sử dụng khoảng 9.000 lao động - gần gấp đôi số lượng nhân công tại 3 nhà máy lắp ráp lớn của thành phố, vốn chỉ sử dụng khoảng 5.400 người.
Nhiều nhà sản xuất phụ tùng chỉ là doanh nghiệp quy mô nhỏ, không có khả năng tài chính để chống chọi với mức thuế 25% mà ông Trump áp lên ô tô nhập khẩu và một số loại phụ tùng.
Tại KB Components - nơi bà Ridley là chủ tịch công đoàn - khoảng 100 người hiện đang bị cho nghỉ việc tạm thời. Gần 400 nhân công còn lại tại ba nhà máy của công ty ở Windsor vẫn tiếp tục sản xuất linh kiện nhựa cho Toyota, Ford, cũng như các hãng xe điện Rivian và Lucid.
Các nhà sản xuất phụ tùng khác và người lao động của họ cũng cảm nhận rõ tác động tức thời của thuế quan. Flavio Volpe, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất phụ tùng ô tô Canada, ước tính hơn 12.000 công nhân đã bị sa thải, mặc dù một số trường hợp được gọi trở lại làm việc kể từ khi Mỹ bắt đầu áp thuế.
Dù các hãng sản xuất ô tô khó có khả năng từ bỏ hàng tỷ USD đầu tư vào các nhà máy lắp ráp tại Canada để chuyển toàn bộ dây chuyền về Mỹ - điều mà ông Trump nhiều lần tuyên bố là mục tiêu - nhưng ngày càng có nhiều lo ngại rằng thuế quan sẽ tàn phá ngành công nghiệp phụ trợ.
Một ngành công nghiệp từng sinh ra nhờ thuế quan
Mặc dù thuế quan hiện nay đang đe dọa ngành công nghiệp ô tô sống còn của Canada, nhưng chính các loại thuế này từng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng ngành.
Năm 1904, Henry Ford vượt sông Detroit và hợp tác với một nhà sản xuất xe ngựa ở Windsor để thành lập Công ty Ô tô Ford Canada. Mục đích là để né tránh thuế quan của Canada đối với ô tô Mỹ và xuất khẩu sang các nước khác trong Đế quốc Anh.
Nhà máy sản xuất động cơ Windsor Engine - do kiến trúc sư Albert Kahn thiết kế - khai trương vào năm 1923. Ban đầu là nhà máy lắp ráp, nay chỉ còn sản xuất động cơ. Xưởng đúc của nhà máy đã biến mất, và đường thử xe hiện được người dân sử dụng làm đường đi bộ, đạp xe.
Giống như nhiều gia đình ở Windsor, gia đình bà Ridley có truyền thống gắn bó với ngành ô tô. Cha bà làm mẫu công nghiệp để đúc linh kiện kim loại. Con trai bà từng làm việc tại một nhà máy nhựa do người Đức sở hữu ở Leamington - thị trấn phía đông nam Windsor, được mệnh danh là “thủ phủ cà chua của Canada”. Sau khi Mỹ áp thuế, con trai bà đã bị sa thải.
Không chỉ Ford, các gia tộc khác cũng góp phần biến Windsor thành trung tâm công nghiệp ô tô. Đặc biệt, ngành phụ tùng Canada đã phát triển mạnh sau Thế chiến II nhờ làn sóng di dân tay nghề cao từ châu Âu. Magna International - công ty phụ tùng ô tô do Frank Stronach, một người Áo nhập cư sáng lập - đã trở thành một tập đoàn toàn cầu với doanh thu 43 tỷ USD.
Tồn tại trong bấp bênh
Gần nhà máy sản xuất động cơ Essex của Ford ở Windsor, anh Colby Wu - đồng sở hữu công ty Stratus Plastics - chia sẻ chuỗi “trải nghiệm cận kề cái chết” mà công ty do cha anh sáng lập phải trải qua. Ông William Wu, người cha, từ Trung Quốc đến Canada năm 1965.

Colby Wu (trái) và cha William Wu là những người sở hữu công ty Stratus Plastics. Ảnh: NYT
Công ty từng phải thế chấp nhà người thân để vay tiền, thương lượng với công ty điện để duy trì điện hoạt động, điều chỉnh lịch thanh toán với khách hàng để khớp với ngày phát lương, và một lần mở rộng sang Kentucky (Mỹ) đã thất bại do đại dịch COVID-19.
Stratus hiện chỉ có khoảng 36 nhân viên. Theo ông Wu, điều khó khăn nhất chính là sự bất ổn và thiếu rõ ràng về chính sách thuế của ông Trump.
“Điều tệ nhất hiện nay là chúng tôi không biết ông ấy sẽ đi theo hướng nào”, ông Wu nói, “Nếu biết trước thì ít nhất chúng tôi còn có thể lên kế hoạch.”
Luật thương mại Mỹ đi kèm với các quy định phức tạp về cách áp thuế, phụ thuộc vào việc có đáp ứng tiêu chí của hiệp định thương mại Bắc Mỹ (USMCA) hay không — một hiệp định được đàm phán trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump.
Ông Wu cho biết ông gặp khó khi thuyết phục các công ty Mỹ mua hàng từ Stratus, vì họ không chắc chi phí thực sự sẽ là bao nhiêu do hệ thống thuế chưa hoàn thiện.
Đi dạo quanh nhà máy Stratus sẽ thấy rõ mức độ phức tạp trong ngành công nghiệp ô tô và khó khăn trong việc xác định quốc tịch của một linh kiện cụ thể - điều có thể ảnh hưởng đến mức thuế phải nộp.
Tại một máy ép nhựa, công nhân đang tháo phần tựa lưng ghế và lắp thêm miếng vải từ nhà cung cấp khác. Những mảnh này sau đó sẽ được gửi đến các nhà máy khác trên khắp châu lục trước khi trở thành chiếc ghế hoàn chỉnh.
Ngay cả các nắp đậy bình xăng tưởng chừng đơn giản cũng được hai nữ công nhân kiểm tra kỹ lưỡng tại máy ép nhựa, trước khi được lắp bản lề và có thể là chốt khóa tại nhà máy khác, rồi mới được sơn tại nhà máy lắp ráp cuối cùng.
“Cơn chảy máu” sang Mỹ
Bất chấp tình hình bất ổn định, giám đốc điều hành của KB Components, công ty của bà Ridley, cho biết họ vẫn đang có kế hoạch tiến hành nâng cấp máy đúc của nhà máy.
Mặc dù sự lạc quan của công ty đã mang lại cho bà Ridley niềm an ủi rằng bà sẽ không sớm mất việc, giống như con trai mình, nhưng Ridley và một người bạn là Barrette, một cựu thợ hàn, vẫn nhận thấy những dấu hiệu đáng lo ngại khắp Windsor.
Hai người phụ nữ này là thành viên của một nhóm công đoàn đã chặn một chiếc xe tải di chuyển máy móc từ một nhà máy ở Windsor vượt qua cây cầu nối với Detroit bên đất Mỹ.
Công ty đó, có tên Titan Tool & Die, đã rơi vào thế kẹt giữa cuộc chiến thuế quan. Giống như các nhà sản xuất phụ tùng khác, họ phụ thuộc vào các khuôn ép do các công ty lớn hoặc hãng xe sở hữu — có thể trị giá đến hàng triệu USD.
Chủ sở hữu Titan Tool & Die ở Mỹ muốn chuyển máy móc về nước để tránh bị đánh thuế khi sản xuất ở Canada. Tòa án sau đó đã yêu cầu công đoàn ngừng chặn xe. Máy móc hiện đã nằm ở Michigan.
Bà Ridley và Barrette cho biết họ dự đoán sẽ có thêm nhiều máy móc và việc làm tiếp tục “chảy” sang Mỹ nếu thuế quan còn kéo dài. “Một tình huống tồi tệ cho tất cả mọi người”, bà Barrette nói.