Thực phẩm ngày cận Tết: Giá tại Chợ truyền thống tăng, siêu thị ổn định

Trong 2 ngày 25 - 26/1, giá các mặt hàng thiết yếu tại một số chợ truyền thống Hà Nội tăng, nhưng không quá đột biến, còn ở siêu thị, giá nhiều mặt hàng ổn định.

Người dân sắm Tết ngày 26/1.

Người dân sắm Tết ngày 26/1.

Giá hàng hóa tăng 15-30%

Tại chợ Hoàng Mai, Hà Nội, nếu như ngày thường, giá thịt ba chỉ là 120.000 đồng/kg, cận Tết là 140.000 đồng/kg; móng giò là 110.000 đồng/kg, tăng 30.000 đồng/kg so với ngày thường; sườn là 150.000 đồng/kg, tăng 20.000 đồng/kg; giá cam canh 80.000 đồng/kg, tăng 20.000 đồng/kg...

Còn tại chợ Mơ ở Bạch Mai, giá thịt lợn là 160.000 đồng/kg, tăng 30.000 đồng/kg so với ngày thường; thịt bò là 290.000 đồng/kg, tăng 40.000 đồng/kg; giá thịt gà 120.000 đồng/kg, tăng 20.000 đồng/kg...

Nhu cầu mua gà dịp cận Tết tăng mạnh.

Nhu cầu mua gà dịp cận Tết tăng mạnh.

Theo một bà nội trợ có kinh nghiệm đi chợ lâu năm, sinh sống tại phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho hay, giá rau củ quả không tăng nhiều. Nếu như ngày thường giá su hào 3.000 đồng/củ, ngày 27 Tết là 4.000 đồng/củ; giá rau mùi là 4.000 đồng/mớ, tăng 1.000 đồng/mớ. Giá hoa quả không quá biến động, giá cam 30.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg so với trước, tùy loại; táo là 50.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg, tùy loại.

Giá hoa "nhích" từng ngày.

Giá hoa "nhích" từng ngày.

“Giá hoa dơn, cúc, hồng đều tăng từng ngày. Nếu như ngày thường một bó dơn là 60.000 đến 70.000 đồng/10 bông, hôm nay là 100.000 đến 110.000 đồng/bó tùy loại; cúc ngày thường là 3.000 đồng/bông, hôm nay là 5.000 đồng/bông…”, tiểu thương bán hoa tại phố Bạch Mai chia sẻ.

Tại khu vực Linh Đàm, chủ quán Phở bò cho biết, giá thịt bò tái nhập về bán trong mấy ngày cận Tết không tăng so với ngày thường, giá là 300.000 đồng/kg; giá gà ta thường là 120.000 đồng/kg, loại ngon là 140.000 – 150.000 đồng/kg.

Giá chuối xanh tăng mạnh

Tuy nhiên nhiều bà nội chợ “thảng thốt” vì giá chuối xanh tại các chợ truyền thống tăng cao, giá trung bình từ 200.000 đến 300.000 đồng/nải, có nơi lên tới 400.000 đồng hoặc nửa triệu đồng/nải, nhất là những nải có quả lẻ. Trong khi ngày thường tại chợ khu vực Bạch Mai, Linh Đàm từ 60.000 – 70.000 đồng/nải. Theo người bán hàng, năm nay miền Bắc khan hiếm chuối xanh là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến giá chuối xanh tăng cao...

Trên mạng, có nơi bán 400.000 đồng/thùng chuối có khoảng 3 - 4 nải, chưa tính phí chở hàng.

Trên mạng, có nơi bán 400.000 đồng/thùng chuối có khoảng 3 - 4 nải, chưa tính phí chở hàng.

Theo báo cáo Bộ Tài chính ngày 26/1, tại chợ Ngọc Hà, quận Ba Đình (Hà Nội), người dân đi mua sắm trong ngày 25/1 tăng hơn, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng thực phẩm, trái cây, bánh chưng, bánh kẹo... Sức mua tăng nhưng nguồn cung dồi dào, nên giá tương đối ổn định, không có hiện tượng khan hàng, sốt giá.

Tại chợ dân sinh truyền thống Thổ Quan khu vực Khâm Thiên, Đống Đa (Hà Nội), nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào và đa dạng. Giá các loại mặt hàng cơ bản không có biến động. Còn ở chợ Vĩnh Tuy, Hai Bà Trưng, Hà Nội, giá hoa đào năm nay tăng do ảnh hưởng của bão Yagi, nguồn đào từ Nhật Tân không nhiều, chủ yếu đào tại địa phương. Giá hoa đào từ 300.000 - 1.200.000 đồng/chậu tùy loại; 30.000 - 250.000 đồng/cành tùy loại...

Không để xảy ra tình trạng thiếu hàng.

Bộ Tài chính ngày 26/1 cũng thông tin, giá các mặt hàng thiết yếu tăng nhẹ tại các chợ truyền thống, nhưng ổn định tại các siêu thị, trung tâm thương mại. Nguồn cung hàng hóa dồi dào, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.

Tại thành phố Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, nguồn hàng phong phú, đa dạng về mẫu mã, đảm bảo nhu cầu mua sắm Tết của người dân. Nhu cầu mua sắm trong các ngày Tết tăng hơn so với ngày trước Tết, nhưng nhìn chung giá cả hàng hóa khá bình ổn.

Còn tình hình mua sắm Tết tại TP. Chí Minh đang diễn ra sôi động. Các hệ thống siêu thị và cửa hàng bán lẻ đã chuẩn bị lượng hàng hóa dồi dào, tăng thời gian bán hàng để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng tăng cao dịp Tết. Tại các chợ đầu mối của thành phố, lượng hàng nhập về tăng đáng kể, đặc biệt các mặt hàng rau củ quả, thịt lợn.

Về giá cả, các mặt hàng trong chương trình bình ổn thị trường luôn duy trì mức giá thấp hơn tối thiểu 5% so với giá bình quân trên thị trường; đồng thời, có các chương trình cam kết không điều chỉnh tăng giá trong vòng 1 tháng trước và sau Tết, giúp người dân yên tâm mua sắm.

Năm nay giá tuyết mai hợp lý, nên nhiều người mua cành tuyết mai về trung bày chơi Tết.

Năm nay giá tuyết mai hợp lý, nên nhiều người mua cành tuyết mai về trung bày chơi Tết.

“Những ngày cận Tết, sức mua nhìn chung tại các siêu thị và chợ truyền thống tăng khoảng 20 - 30% so với ngày thường. Các mặt hàng bánh kẹo, thực phẩm, nước ngọt được tiêu thụ mạnh. Người dân tập trung mua sắm tại các chợ, siêu thị, chủ yếu là rau, củ, quả, trái cây, hoa tươi, nên giá một số mặt hàng tăng nhẹ, nhưng giá các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm vẫn ổn định, không có dấu hiệu tăng giá bất hợp lý”, đại diện Bộ Tài chính phân tích.

Đảm bảo cho người tiêu dùng an tâm mua sắm

Bộ Tài chính kiến nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ trực tiếp nhu cầu của người dân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025; chủ động phương án bảo đảm cân đối hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, gây tăng giá đột biến. Các cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện nghiêm túc niêm yết giá, đảm bảo cho người tiêu dùng an tâm mua sắm.

TTXVN

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thuc-pham-ngay-can-tet-gia-tai-cho-truyen-thong-tang-sieu-thi-on-dinh-169446.html
Zalo