Giá hàng hóa tiêu dùng thiết yếu phục vụ tết không có biến động bất thường

Ngày 26-1, Bộ Tài chính công bố báo cáo nhanh về tình hình giá cả thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ trong ngày đầu tiên nghỉ tết (25-1).

Trên cơ sở báo cáo của một số địa phương và công tác nắm bắt thông tin thị trường giá cả của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), trong ngày nghỉ Tết Nguyên đán đầu tiên (25-1), giá hàng hóa tiêu dùng thiết yếu về cơ bản không có biến động bất thường. Giá các mặt hàng thiết yếu tăng nhẹ tại các chợ truyền thống nhưng ổn định tại các siêu thị, trung tâm thương mại.

Nguồn cung hàng hóa dồi dào, đa dạng, nhiều mẫu mã đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Do tết năm nay người dân có thời gian nghỉ dài trước tết nên sức mua ngày đầu nghỉ Tết Nguyên đán chưa cao. Hoạt động mua sắm trong ngày 26 tết tập trung chủ yếu ở một số mặt hàng như hoa quả, rau xanh, các loại thực phẩm tươi sống, bánh, kẹo, rượu, bia và nước ngọt có ga.

Tại TP Hà Nội, người dân đi mua sắm ngày 26 tháng Chạp năm Giáp Thìn tăng mạnh, nguồn cung hàng hóa phục vụ ngày tết đa dạng, phong phú (đầy đủ các mặt hàng lương thực, thực phẩm và cả các mặt hàng chỉ phục vụ riêng dịp tết như cành đào, quất, mai, các loại hoa...) đáp ứng đủ nhu cầu mua sắm của người dân.

Giá hoa đào năm nay tăng do ảnh hưởng của cơn bão số 3, nguồn đào từ Nhật Tân ít, chủ yếu đào tại địa phương khác. Nhìn chung, chợ tết năm nay nguồn cung phong phú, nhu cầu tiêu dùng cũng tăng, song về cơ bản không xảy ra tình trạng sốt hàng, biến động bất thường về giá cả.

Đối với mặt hàng rau xanh, do thời tiết trước tết ấm, thuận lợi cộng với nguồn cung dồi dào nên giá cả cũng ổn định, không có biến động bất thường. Cụ thể: cà chua: dao động 10.000-15.000 đồng/kg; bắp cải: 10.000-15.000 đồng/cái; súp lơ xanh: 5.000-10.000 đồng/cái; súp lơ trắng: 10.000-15.000 đồng/cái...

Đối với mặt hàng hoa, quả, năm nay mặt hàng chuối thắp hương tăng so với mọi năm, do nguồn cung không lớn, ảnh hưởng của cơn bão số 3, chuối bị đổ, hỏng, ngập, dẫn đến nguồn cung cho dịp tết bị hạn chế.

Các mặt hàng khác cơ bản tăng giá 5%-15% như chuối 50.000 đồng/nải; thanh long 45.000-50.000 đồng/kg, cam sành: 30.000-35.000 đồng/kg...; hoa đào: 300.000 - 1.200.000 đồng/chậu, tùy chậu; 30.000-250.000 đồng/cành, tùy loại; hoa dơn: 60.000-70.000 đồng/10 bông...

Tại TPHCM, tình hình mua sắm tết diễn ra sôi động. Các hệ thống siêu thị và cửa hàng bán lẻ đã chuẩn bị lượng hàng hóa dồi dào, tăng thời gian bán hàng để đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp tết.

Tại các chợ đầu mối như Hóc Môn, lượng hàng nhập chợ tăng đáng kể, đặc biệt là các mặt hàng rau củ quả và thịt heo, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong những ngày cận tết. Về giá cả, các mặt hàng trong chương trình bình ổn thị trường luôn duy trì mức giá thấp hơn tối thiểu 5% so với giá bình quân trên thị trường. Đồng thời, chương trình cam kết không điều chỉnh tăng giá trong vòng 1 tháng trước và sau tết, giúp người dân yên tâm mua sắm.

Bộ Tài chính kiến nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ trực tiếp nhu cầu của người dân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 để chủ động phương án bảo đảm cân đối hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, gây tăng giá đột biến. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện nghiêm túc việc niêm yết giá đảm bảo cho người tiêu dùng an tâm mua sắm.

LƯU THỦY

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/gia-hang-hoa-tieu-dung-thiet-yeu-phuc-vu-tet-khong-co-bien-dong-bat-thuong-post779689.html
Zalo