Thu ngân sách hải quan giảm hơn 2,5 tỷ USD và 'điều lạ' vừa xảy ra
Dù hoạt động thương mại đang có dấu hiệu hồi phục trong những tháng cuối năm nhưng đến nay kim ngạch vẫn giảm sâu. Điều này đang gây áp lực lớn đến nhiệm vụ hoàn thành thu ngân sách của ngành hải quan.
Vì sao giảm 2,5 tỷ USD?
Thông thường, Hải quan TPHCM luôn là đơn vị dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu, nhưng "điều lạ" vừa xảy ra trong tháng 9 là Bắc Ninh vượt TPHCM trở thành địa phương có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất cả nước.
Lãnh đạo Cục Hải quan TPHCM cho biết, tính đến hết tháng 9, kim ngạch xuất nhập khẩu của TPHCM giảm hơn 13 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Điều này khiến thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn giảm mạnh. Tính từ đầu năm đến ngày 10/10, Cục Hải quan TPHCM đã thu nộp vào NSNN mới được gần 95.000 tỷ đồng, đạt 65% dự toán được giao, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương gần 13.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, nhiều chi cục có số thu ngân sách lớn đều giảm mạnh, như: Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 mới thu được trên 32.000 tỷ đồng, đạt 63%; Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư và gia công thu được trên 18.800 tỷ đồng, đạt 61%; Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 3 trên 15.700 tỷ đồng, đạt gần 62% chỉ tiêu kế hoạch được giao.
Ông Nguyễn Văn Vũ - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Cần Thơ - cho biết, tình hình thu NSNN của đơn vị này cũng gặp khó khăn tương tự khi chỉ còn mấy tháng nữa là hết năm nhưng hiện mới đạt được khoảng 2.000 tỷ đồng, đạt 77% chỉ tiêu dự toán được giao.
Theo vị này, số thu NSNN của đợn vị giảm do mặt hàng xăng dầu không có nhập khẩu, mặt hàng than đá giảm nhập khẩu do Tập đoàn Điện lực Việt Nam cắt giảm nguồn điện từ các nhà máy nhiệt điện để ưu tiên nguồn phát của Nhà máy Thủy điện. Hay như mặt hàng giấy phế liệu giảm nhập khẩu do Nhà máy giấy Lê Man Hậu Giang khó khăn trong tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu. Cùng với đó, kim ngạch xuất nhập khẩu có thuế chiếm tỷ trọng nhỏ; chủ yếu hàng xuất khẩu là nông, thủy sản, sản phẩm dệt may...; hàng hóa nhập khẩu nguyên liệu theo loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, số thu NSNN 9 tháng năm nay của ngành hải quan đạt 268.690 tỷ đồng, bằng 63,2% dự toán được giao, giảm 18,6% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng khoảng hơn 60.100 tỷ đồng (khoảng 2,5 tỷ USD).
Đến nay hầu hết các đơn vị chiếm số thu lớn của ngành đều giảm mạnh. Điển hình như Cục Hải quan TPHCM giảm khoảng 12%, Cục Hải quan Hải phòng giảm 18,2%, Hà Nội giảm 12,3%, Bà Rịa Vũng Tàu giảm 22%, Đồng Nai giảm 26%, Bình Dương giảm 23,04%, Bắc Ninh giảm 14,57%.
Đánh giá nguyên nhân của việc giảm thu ngân sách nhà nước, ông Nông Phi Quảng - Phó Cục trưởng Thuế Xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan - cho rằng, chủ yếu do kim ngạch xuất nhập khẩu chịu thuế giảm. Trong đó, dẫn đầu là nhóm các mặt hàng nguyên liệu, máy móc thiết bị, phụ tùng nhập khẩu phục vụ sản xuất như: than, hóa chất và sản phẩm hóa chất, chất dẻo, sắt thép và phế liệu, nguyên phụ liệu dệt may, linh kiện điện tử, linh kiện ô tô, xăng dầu…
Đặc biệt, đối với mặt hàng ô tô nguyên chiếc, trong những tháng đầu năm bình quân mỗi tháng các doanh nghiệp làm thủ tục nhập khẩu 13.529 chiếc, nhưng từ tháng 5 đến nay đạt bình quân chỉ đạt hơn 8.100 chiếc/tháng, giảm 40%/tháng và giảm thu 1.100 tỷ đồng/tháng.
“Việc giảm mức thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống còn 8% khiến số thu của ngành Hải quan mỗi tháng giảm khoảng 1.415 tỷ đồng. Việc hoàn thuế linh kiện ô tô, hoàn thuế đối với mặt hàng xăng dầu theo C/O và hoàn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ khoảng 3.500 tỷ đồng. Đặc biệt, năm 2023, nhiều hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia bước vào giai đoạn giảm sâu tác động lớn thu ngân sách của ngành”, lãnh đạo Cục Thuế Xuất nhập khẩu cho hay.
Tập trung thu hồi nợ thuế
Trước tình hình thu ngân sách gặp áp lực “căng như dây đàn”, các cục hải quan đang thúc đẩy hàng loạt giải pháp để đạt mục tiêu.
Bà Nguyễn Thu Nhiễu - Cục trưởng Cục Hải quan Hà Nam Ninh - cho biết, trước dự báo khả năng thu NSNS năm nay khó đạt dự toán pháp lệnh của Bộ Tài chính giao, Cục Hải quan Hà Nam Ninh đang đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, thực hiện các giải pháp để giảm thời gian thông quan, giải phóng hàng, không làm gián đoạn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Cục cũng duy trì hoạt động của hệ thống thông tin, đảm bảo vận hành thông suốt 24/7. Đặc biệt, Cục cũng cử cán bộ trực tiếp làm việc với các doanh nghiệp có số thu lớn trên địa bàn 3 tỉnh để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
"Cán bộ của Cục cũng quán triệt phương châm làm việc “hết việc không hết giờ”. Đặc biệt, Cục tập trung rà soát nắm chắc tình hình nợ thuế, phân loại các nhóm nợ có khả năng thu, nợ không có khả năng...", bà Nhiễu nói, đồng thời cho biết đang phối hợp với Cục Hải quan Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa kêu gọi doanh nghiệp về mở tờ khai làm thủ tục tại đơn vị và thu hút đầu tư từ các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, Singapore...
Xác định nhiệm vụ thu NSNN là nhiệm vụ trọng tâm, lãnh đạo Cục Hải quan TPHCM cho biết, thường xuyên theo dõi, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách hàng ngày, hàng tháng, và sự biến động của kim ngạch xuất nhập khẩu, đặc biệt của nhóm hàng chủ lực có thuế suất thuế nhập khẩu, xuất khẩu cao, hỗ trợ doanh nghiệp thủ tục, cải cách hành chính, đẩy nhanh thời gian thông quan.
Cục Hải quan TPHCM ước đạt năm nay thu NSNN đạt khoảng 123.105 tỷ đồng, đạt 84,43% chỉ tiêu pháp lệnh, giảm 14% so với năm ngoái, tương ứng gần 20.000 tỷ đồng.
Tổng cục Hải quan cho biết, từ nay đến cuối năm chỉ còn hơn 2 tháng, ngành hải quan sẽ tập trung nguồn lực để thu nợ, tạo thuận lợi thương mại, chống thất thu thuế… để phấn đấu đạt dự toán được giao năm nay là 355.000 tỷ đồng.