Phát triển du lịch xanh trong lòng đô thị: Mở rộng các giá trị
Phát triển du lịch theo định hướng xanh ở đô thị không chỉ dừng lại ở sản phẩm du lịch, điểm đến xanh, trải nghiệm văn hóa bản địa... Trên hành trình du lịch xanh cần sự đồng bộ theo chuỗi của các dịch vụ như: lưu trú, vận chuyển, nhân lực… Qua đó, nâng sức cạnh tranh, chất lượng và uy tín của sản phẩm, dịch vụ giới thiệu đến du khách.
Xanh không chỉ ở sản phẩm
Nội dung của phát triển du lịch theo định hướng tăng trưởng xanh khá đa dạng, đòi hỏi sự “chuyển mình” đồng bộ không chỉ ở sản phẩm. Tiến sĩ Phạm Lê Thảo (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) cho rằng, để phát triển du lịch, trong đó, có du lịch đô thị theo định hướng xanh, bền vững, các địa phương, doanh nghiệp du lịch cần chú ý sử dụng hiệu quả năng lượng, tăng tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo, giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình cung ứng dịch vụ tới du khách. Đồng thời, phát triển nhiều loại hình du lịch có trách nhiệm, khai thác đa dạng sản phẩm du lịch xanh, thân thiện môi trường tự nhiên và xã hội, tăng hiệu suất sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Ngoài ra, các địa phương chú trọng bảo tồn văn hóa, giới thiệu và tiêu thụ đặc sản địa phương, tạo sự phát triển bền vững.
Bà Nguyễn Ngọc Trinh (Công ty Cổ phần dịch vụ lữ hành du lịch Chim Cánh Cụt) chia sẻ, việc ưu tiên khai thác các hành trình du lịch gắn với tiêu chí xanh của doanh nghiệp đang được thực hiện đồng bộ. Không dừng lại ở sản phẩm có điểm đến thân thiện môi trường, doanh nghiệp còn phối hợp đơn vị kinh doanh dịch vụ, ưu tiên giới thiệu tới du khách địa điểm lưu trú xanh, không gian thân thiện môi trường ngay tại đô thị. Tại nơi lưu trú hạn chế sử dụng vật dụng làm bằng nhựa, khó phân hủy, ưu tiên sản phẩm thân thiện môi trường, dễ phân hủy trong tự nhiên.
Từ góc độ quản lý Nhà nước, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng nhấn mạnh, thúc đẩy hệ sinh thái du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển du lịch có trách nhiệm, nâng cao lợi thế cạnh tranh, các sản phẩm du lịch dù ở nội đô hay ngoại thành Thành phố đều hướng đến bảo vệ môi trường, khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hóa. Qua đó góp phần phát triển Thành phố ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, điểm đến hấp dẫn toàn cầu, đồng thời là đô thị hạt nhân vùng Đông Nam Bộ, cực tăng trưởng của cả nước.
Tương tự, với nhiều lợi thế phát triển sản phẩm du lịch xanh gắn cảnh quan biển, hải đảo, đô thị biển Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) xác định gìn giữ môi trường, văn hóa bản địa là yêu cầu sống còn, tạo trải nghiệm xanh cho du khách.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Vũng Tàu Hoàng Vũ Thảnh, thành phố thực hiện nhất quán xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch và dịch vụ phải đi đôi với bảo vệ, bảo tồn nguồn tài nguyên tự nhiên, giữ môi trường sống của cộng đồng địa phương… góp phần phát triển Vũng Tàu trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế.
Vũng Tàu chú trọng đầu tư phát triển các mảng xanh đô thị để giữ vững danh hiệu “Thành phố du lịch sạch ASEAN”. Đồng thời, tiếp tục quan tâm quản lý, khai thác thắng cảnh thiên nhiên như, bãi biển, hệ thống cây xanh đô thị, rừng trong lòng thành phố, sông ngòi… tạo phát triển bền vững.
Nhiều giải pháp mang tính đặc thù
Bà Phan Yến Ly, chuyên gia phát triển sản phẩm du lịch, Giám đốc công ty tư vấn, truyền thông và sự kiện Cánh Cam đề xuất, để phát triển hiệu quả du lịch xanh ngay trong lòng đô thị, nhìn từ điểm đến sôi động TP Hồ Chí Minh, các đơn vị, doanh nghiệp cần nhiều giải pháp đặc thù. Trong đó, có thể tăng cường tổ chức hoạt động du lịch sinh thái gắn với phát triển sản phẩm OCOP của Thành phố, tạo gắn kết giữa nội thành và ngoại thành, hoạt động sản xuất làng nghề với hoạt động thương mại… Đồng thời, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ẩm thực tăng cường khai thác thế mạnh ẩm thực đa dạng, tạo xu hướng “ẩm thực xanh”.
Cơ quan chức năng, địa phương khuyến khích nhà hàng hướng đến món ăn xanh, có nguồn gốc hữu cơ… chuyển tải thông tin bảo vệ sức khỏe và môi trường; khuyến khích doanh nghiệp lưu trú sử dụng năng lượng hiệu quả với yêu cầu tiết kiệm, sử dụng công nghệ và trang thiết bị giảm tiêu thụ điện năng.
Cũng theo bà Phan Yến Ly, Thành phố cần tiếp tục tạo thuận lợi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phương tiện vận chuyển xanh như, xe điện, xe đạp, tăng cường hoạt động xanh bảo vệ thiên nhiên. Đồng thời, tổ chức thêm nhiều lễ hội, sự kiện về văn hóa, ẩm thực, làng nghề thủ công, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể và tài nguyên thiên nhiên. Qua đó tô đậm dấu ấn về đô thị năng động, hiện đại có nhiều sản phẩm du lịch xanh, thân thiện thiên nhiên và đa sắc màu văn hóa bản địa.
Cùng quan tâm giải pháp phát triển du lịch xanh cho các đô thị, Tiến sĩ Trần Diễm Hằng và Thạc sĩ Đỗ Hương Giang (Trường Đại học Hòa Bình) cho rằng, ngay trong quy hoạch, đầu tư phát triển sản phẩm du lịch, từng đô thị cần dựa vào thế mạnh nổi trội và hấp dẫn về tài nguyên du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử vốn có tại địa phương. Trong đó, từng đô thị ưu tiên khai thác và phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, phù hợp như, du lịch nghỉ dưỡng, khám phá biển, đảo, rừng, danh thắng, du lịch sinh thái …; tránh tổ chức dàn trải, chồng chéo, thiếu điểm nhấn nổi bật, dễ dẫn đến tình trạng du khách đi một địa phương sau đó không muốn đi đến địa phương khác.
Ngoài ra, để phát triển hiệu quả du lịch xanh ở các đô thị nói riêng, du lịch cả nước nói chung cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức cho du khách về du lịch xanh. Từ đó ưu tiên sử dụng, sẵn sàng chi tiêu cho sản phẩm du lịch, dịch vụ lưu trú, vận tải, ẩm thực, thể hiện rõ định hướng phát triển xanh, thân thiện môi trường, tôn trọng văn hóa bản địa, có trách nhiệm với cộng đồng.