Thu hút vốn FDI: Việt Nam cần định vị là điểm đến của các ngành công nghệ cao như AI và bán dẫn
Việt Nam không thể tiếp tục dựa vào mô hình gia công, lắp ráp với giá trị gia tăng thấp nếu muốn trở thành quốc gia thu nhập cao. Thay vào đó, quốc gia cần định vị là điểm đến của các ngành công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo (AI) và bán dẫn…

Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2025 (Vietnam Connect Forum 2025)
Việt Nam hiện đang nằm trong nhóm 15 quốc gia thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất toàn cầu. Giai đoạn 2026 - 2030, Việt Nam đã đặt mục tiêu mỗi năm thu hút từ 40 đến 50 tỷ USD vốn FDI, với mức giải ngân kỳ vọng đạt 30 đến 40 tỷ USD.
Trong bối cảnh toàn cầu chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng số hóa và xanh hóa, khu vực kinh tế FDI đang được kỳ vọng đóng vai trò đầu tàu tiếp nhận công nghệ tiên tiến, dẫn dắt đổi mới và chuyển giao công nghệ, qua đó thúc đẩy quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam theo hướng dựa vào tri thức và sáng tạo.
CHIẾN LƯỢC THÍCH ỨNG TRƯỚC BIẾN ĐỘNG THƯƠNG MẠI TOÀN CẦU
Chia sẻ bên lề Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2025 (Vietnam Connect Forum 2025), ông Koen Soenens, Giám đốc kinh doanh và marketing tại khu công nghiệp DEEP C, đánh giá tình hình thu hút FDI của Việt Nam hiện nay là “vẫn khá ổn”, minh chứng qua kết quả tích cực trong quý I năm nay so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thương mại toàn cầu trở nên khó đoán định, đặc biệt là chính sách thuế quan mới của Chính quyền Trump 2.0, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam, cũng đang chịu sức ép rất lớn.
Ông Koen Soenens cho biết: “Khi tôi quan sát tình hình thực tế, tôi thấy rằng một số nhà đầu tư tiềm năng đang theo đuổi chiến lược "chờ và quan sát" trước khi ra quyết định đầu tư, đặc biệt là những doanh nghiệp phụ thuộc vào thị trường Mỹ để xuất khẩu”.
Mặc dù vậy, lãnh đạo của Deep C cũng chia sẻ rằng “với các khách hàng hiện tại của chúng tôi, tôi chưa thấy tác động đáng kể nào. Họ hoặc là tự giải quyết vấn đề chi phí thuế quan, hoặc chuyển phần chi phí đó sang cho khách hàng của mình”.

"Việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng hoặc di dời nhà máy không phải là điều có thể thực hiện trong thời gian ngắn. Đó là một quá trình cần nhiều sự cân nhắc và đàm phán. Tuy nhiên, tâm lý thị trường hiện nay vẫn tích cực, bởi các nhà đầu tư FDI đặt niềm tin vào năng lực điều hành của Chính phủ Việt Nam”.
Ông nhấn mạnh rằng việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng hoặc di dời nhà máy không phải là điều có thể thực hiện trong thời gian ngắn. “Đó là một quá trình cần nhiều sự cân nhắc và đàm phán. Tuy nhiên, tâm lý thị trường hiện nay vẫn tích cực, bởi các nhà đầu tư FDI đặt niềm tin vào năng lực điều hành của Chính phủ Việt Nam”.
Việc Việt Nam chủ động đàm phán với Hoa Kỳ trước khi các mức thuế đối ứng được công bố được ông Soenens đánh giá cao. “Điều đó cho thấy Việt Nam rất nghiêm túc và chủ động trong ứng phó. Khi giai đoạn gia hạn 90 ngày kết thúc, tôi tin rằng các nhà đầu tư sẽ kỳ vọng vào một thỏa thuận tốt hơn dành cho Việt Nam”.
Trong thời gian chờ đợi, nhiều doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ thuế quan đang chủ động tìm kiếm thị trường mới nhằm giảm sự phụ thuộc vào Mỹ – động thái không chỉ giúp họ thích nghi, mà còn mở ra cơ hội ở những khu vực khác. “Tình hình có thể không quay lại như trước, nhưng trong vài năm tới, chúng ta sẽ thấy nhiều ngành công nghiệp giảm sự phụ thuộc vào một thị trường duy nhất,” ông nhận định.
Từ góc nhìn chính sách, ông Soenens cho rằng Việt Nam cần hành động song song trên nhiều mặt trận: vừa tiếp tục đàm phán để đạt được các điều khoản thuế quan nhẹ hơn với Hoa Kỳ, vừa thúc đẩy tái cấu trúc ngành công nghiệp trong nước. “Hiện nay, khoảng 30% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam hướng đến thị trường Mỹ – một tỷ lệ không nhỏ cần được điều chỉnh dần”, ông Soenens cho biết.
Về mặt đối ngoại, ông đánh giá: “Việt Nam cần cân bằng lợi ích giữa các cường quốc, điều không hề đơn giản về mặt chính trị. Nhưng với chính sách ‘ngoại giao cây tre’ – linh hoạt và khéo léo – tôi tin rằng Việt Nam sẽ tìm được lối đi phù hợp. Tuần tới, đất nước các bạn sẽ kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất đất nước – một cột mốc lịch sử đầy ý nghĩa. Trong lịch sử, Việt Nam chưa từng thất bại trong một cuộc chiến nào, lần này tôi cũng tin đất nước sẽ không thua trong ‘cuộc chiến thương mại’”.
KHÔNG THỂ TIẾP TỤC DỰA VÀO MÔ HÌNH GIA CÔNG, LẮP RÁP VỚI GIÁ TRỊ GIA TĂNG THẤP
Định hướng tương lai, ông Soenens khẳng định Việt Nam không thể tiếp tục dựa vào mô hình gia công, lắp ráp với giá trị gia tăng thấp nếu muốn trở thành quốc gia thu nhập cao. Thay vào đó, quốc gia cần định vị là điểm đến của các ngành công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo (AI) và bán dẫn.
Ngành bán dẫn rất rộng và phức tạp, bao gồm nhiều mắt xích từ thiết kế, kiểm thử đến sản xuất. Vì vậy, Việt Nam nên đặt ra các mục tiêu ngắn hạn khả thi, như thiết kế hoặc kiểm thử chip, thay vì đặt kỳ vọng xây dựng các nhà máy sản xuất wafer (FAB) trong vòng 5–10 năm tới.
Dù vậy, ông cũng thẳng thắn chỉ ra hai mối quan ngại lớn. Thứ nhất, ngành bán dẫn rất rộng và phức tạp, bao gồm nhiều mắt xích từ thiết kế, kiểm thử đến sản xuất. Vì vậy, Việt Nam nên đặt ra các mục tiêu ngắn hạn khả thi, như thiết kế hoặc kiểm thử chip, thay vì đặt kỳ vọng xây dựng các nhà máy sản xuất wafer (FAB) trong vòng 5–10 năm tới.
Thứ hai, để thu hút đầu tư công nghệ cao, Việt Nam cần đảm bảo các điều kiện về hạ tầng năng lượng xanh và nhân lực chất lượng cao – những yếu tố còn đang thiếu hụt. “Đây là các yêu cầu then chốt, đặc biệt đối với ngành công nghệ cao. Việt Nam vẫn cần nỗ lực rất nhiều. Nhưng nếu có tinh thần tích cực và quyết tâm cao, tôi tin mọi điều đều có thể đạt được,” ông Soenens kết luận.
Theo số liệu thống kê, tính đến hết tháng 3/2025, Việt Nam có hơn 42.760 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký vượt 510 tỷ USD, xếp trong nhóm 15 quốc gia thu hút FDI lớn nhất toàn cầu. Tuy nhiên, chỉ khoảng 5% trong tổng vốn FDI được đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, một con số được đánh giá là chưa tương xứng với kỳ vọng.
Phát biểu tại Diễn đàn Vietnam Connect Forum 2025 và Chương trình Rồng Vàng lần thứ 24, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung cho rằng Việt Nam không thể tiếp tục cạnh tranh bằng lao động giá rẻ hay chi phí năng lượng thấp mà cần chuyển sang giai đoạn thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên những ngành có hàm lượng công nghệ cao, sử dụng nhân lực chất lượng và góp phần nâng cấp chuỗi giá trị.