Thu hút nguồn lực đầu tư, xây dựng công trình nước sạch tập trung
Góp phần cải thiện điều kiện sống cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) trên địa bàn, tỉnh đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp gỡ khó cho các dự án, công trình cấp nước tập trung đã được phê duyệt, khuyến khích các doanh nghiệp cấp nước đang hoạt động mở rộng hết công suất, huy động nguồn lực đầu tư các công trình cấp nước tập trung tại những vùng chưa có nhà máy, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân.

Nhà máy nước sạch Sông Hồng (Vĩnh Tường) với công nghệ hiện đại, đảm bảo nhu cầu cấp nước sạch của nhân dân. Ảnh: Thế Hùng
Nước sạch là nhu cầu cơ bản trong đời sống hàng ngày và đang trở thành nhu cầu cấp thiết trong việc bảo vệ sức khỏe, cải thiện điều kiện sinh hoạt cho nhân dân, cũng như trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Do đó, những năm qua, Nhà nước, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ lãi suất, đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao... nhằm thu hút nguồn lực đầu tư, xây dựng các công trình cấp nước tập trung.
Năm 2020, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 19 về chính sách hỗ trợ đầu tư dự án cung cấp nước sạch và hỗ trợ giá nước sạch cho vùng nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021 - 2025. Đặc biệt, năm 2023, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 64 bổ sung danh mục lĩnh vực đầu tư, cho vay đầu tư dự án cấp nước sạch, mở rộng mạng lưới cấp nước sạch của Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh giai đoạn 2023 - 2025. Theo đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đã được tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa.
Năm 2024, UBND tỉnh đã phê duyệt chấp thuận 7 hướng tuyến công trình hạ tầng kỹ thuật, trong đó có 1 hướng tuyến công trình cấp nước đô thị... Nhờ đó, nhiều dự án, công trình cấp nước tập trung bằng nguồn vốn của doanh nghiệp, do nhà nước đầu tư đã và đang được triển khai xây dựng.
Các đơn vị cấp nước tập trung đang hoạt động chú trọng đầu tư nâng cấp, mở rộng mạng lưới phục vụ và cải thiện chất lượng nước thương phẩm. Tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin vào công tác quản lý hệ thống mạng cấp nước, đẩy mạnh xây dựng, khai thác hiệu quả các nhà máy và trạm cấp nước. Chú trọng phát triển các dịch vụ chăm sóc khách hàng; chất lượng nguồn nước cơ bản được đảm bảo, tỷ lệ thất thu, thất thoát nước sạch liên tục giảm theo từng năm.
Cuối tháng 3/2025, Công ty cổ phần đầu tư ngành nước DNP đã đến tỉnh tìm hiểu, đề xuất về việc đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước sạch, nước thải tại tỉnh. Đây là doanh nghiệp có kinh nghiệm trong lĩnh vực cấp thoát nước hiện đang quản lý 32 nhà máy nước sạch trên toàn quốc có tổng công suất thiết kế 1 triệu m3/ngày.
Công ty đề xuất được đầu tư 2 dự án gồm Nhà máy xử lý nước sạch tại huyện Sông Lô với tổng công suất thiết kế dự kiến 100 nghìn m3/ngày; Nhà máy xử lý nước thải tại thành phố Phúc Yên với công suất 49 nghìn m3/ngày. Qua đó không chỉ khẳng định sự quan tâm, thu hút nguồn lực đầu tư các dự án, công trình cấp nước sạch tập trung của tỉnh mà còn đáp ứng nhu cầu cấp nước sạch của người dân khu vực nông thôn, xử lý nước thải trên địa bàn.
Trước đó, với sự hỗ trợ, tạo điều kiện về mặt bằng, thủ tục hành chính của các cấp, ngành chức năng, tháng 9/2023, Công ty cổ phần xây dựng Procons đã khánh thành giai đoạn 1 Dự án Nhà máy nước sạch Sông Hồng cấp cho các địa phương phía Nam tỉnh Vĩnh Phúc.
Dự án có tổng vốn đầu tư 450 tỷ đồng, công suất quy hoạch 900 nghìn m3/ngày đêm, bảo đảm chiều sâu và chiều rộng cho sự phát triển của vùng phía Nam của tỉnh. Dự án được chia thành 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 được triển khai xây dựng từ năm 2020 - 2023 với công suất thiết kế hệ thống cấp nước sạch là 29 nghìn m3/ngày đêm; giai đoạn 2 từ năm 2023 - 2030 và giai đoạn 3 sau năm 2030.
Đến nay, tổng công suất cấp nước thiết kế tại các đô thị trong tỉnh đạt hơn 134 nghìn m3/ngày đêm, công suất khai thác khoảng 83 nghìn m3/ngày đêm; tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch dưới 15%; tỷ lệ dân cư đô thị loại IV trở lên được cung cấp nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung đạt khoảng 95%; tỷ lệ dân cư được cấp nước sạch tập trung tại khu vực nông thôn đạt 27,93%.
Hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030, 100% người dân khu vực đô thị, 85% người dân khu vực nông thôn được cung cấp nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung, tỉnh đã và đang tích cực chỉ đạo các ngành và địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung, nhằm thay đổi nhận thức, thói quen sử dụng nước sạch sinh hoạt, bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đồng thời chỉ đạo các đơn vị cấp nước thực hiện đầu tư công trình, đấu nối mở rộng mạng lưới cấp nước theo quy hoạch; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án cấp nước, tăng cường kiểm tra, xử lý, thu hồi ngay các dự án chậm triển khai, thiếu quyết tâm thực hiện. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, đấu nối đường ống dẫn nước đến các hộ dân.