Tinh gọn bộ máy: Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước
Nhằm nhanh chóng triển khai chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy, giúp rút ngắn thủ tục hành chính, tăng tính minh bạch, cải thiện chất lượng phục vụ, giảm tình trạng phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, tỉnh Hưng Yên và Bình Phước đã triển khai nhiều hành động quyết liệt nhằm nhanh chóng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công và Kiểm soát thủ tục hành chính tỉnh Hưng Yên. Ảnh: TTXVN phát
Hưng Yên: Giảm 72% số đơn vị hành chính sau sắp xếp
Theo ông Nguyễn Lê Huy, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên, Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Hưng Yên năm 2025 và dự thảo Nghị quyết tán thành chủ trương sắp xếp cấp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Hưng Yên năm 2025, tỉnh hiện có 139 đơn vị hành chính cấp xã (gồm: 13 phường, 8 thị trấn và 118 xã).
Sau khi thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, Hưng Yên có 39 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 33 xã, 6 phường); giảm 100 đơn vị hành chính cấp xã (giảm 7 phường, 8 thị trấn và 85 xã; tỷ lệ giảm đạt 72%).
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên, đối với Đề án sắp xếp tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình và dự thảo Nghị quyết tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình đã được Hội đồng nhân dân tỉnh mới đây thông qua. Theo đó, thành lập tỉnh Hưng Yên trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình.
Sau sắp xếp, tỉnh Hưng Yên có diện tích 2.514,81 km2 (đạt 71,86% so với tiêu chuẩn), quy mô dân số 3.567.943 người (đạt 255% so với tiêu chuẩn). Trung tâm chính trị - hành chính của tỉnh Hưng Yên đặt tại tỉnh Hưng Yên hiện nay.
Có 97,12% cử tri đại diện hộ gia đình đồng ý với Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Hưng Yên năm 2025 và 97,37% cử tri đại diện hộ gia đình đồng ý với Đề án sắp xếp tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình. 139/139 Hội đồng nhân dân của đơn vị hành chính cấp xã, 10/10 Hội đồng nhân dân của đơn vị hành chính cấp huyện biểu quyết nhất trí tán thành hai Đề án quan trọng này.
Theo ông Trần Quốc Toản, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, hai Đề án trên có ý nghĩa lịch sử và hết sức đặc biệt đối với sự phát triển của tỉnh Hưng Yên trong giai đoạn hiện tại và ảnh hưởng lâu dài đến chiến lược phát triển của tỉnh. Nội dung của Đề án có tính chất cải cách mạnh mẽ trong tổ chức bộ máy hành chính, nhằm cụ thể hóa các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội và Chính phủ về sắp xếp đơn vị hành chính cấp cơ sở, hướng tới mục tiêu xây dựng bộ máy chính quyền tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân hơn khi không còn tổ chức chính quyền cấp huyện.
Với việc Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua hai Đề án trên, thể hiện tinh thần quán triệt, thực hiện các chủ trương lớn của Đảng, Nghị quyết của Trung ương về sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đồng thời gắn với việc thực hiện các mục tiêu phát triển nhanh, bền vững của tỉnh trong bối cảnh mới.
Sau sắp xếp Bình Phước có 40 đơn vị hành chính cấp xã

Thường trực HĐND tỉnh Bình Phước điều hành kỳ họp. Ảnh: Nhật Bình/TTXVN
Ngày 28/4, HĐND tỉnh Bình Phước đã tổ chức kỳ họp thứ 23 (chuyên đề) thông qua nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã.
Tại kỳ họp, các đại biểu đã thông qua Nghị quyết về việc tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Bình Phước. Trên cơ sở 111 đơn vị hành chính cấp xã hiện nay (gồm 86 xã, 20 phường, 5 thị trấn), sắp xếp lại thành 40 đơn vị hành chính cấp xã.
Cụ thể, thị xã Chơn Thành sau sắp xếp còn phường Minh Hưng (trụ sở tại phường Minh Hưng); phường Chơn Thành (trụ sở Trung tâm hành chính thị xã Chơn Thành); xã Nha Bích (trụ sở xã Minh Thắng). Huyện Hớn Quản sau sắp xếp còn xã Tân Quan (trụ sở tại xã Phước An); xã Tân Hưng (trụ sở tại xã Tân Hưng); xã Tân Khai (trụ sở tại Trung tâm hành chính huyện Hớn Quản); xã Minh Đức (trụ sở tại xã Minh Tâm).
Thị xã Bình Long sau sắp xếp còn phường An Lộc (trụ sở tại Trung tâm hành chính thị xã Bình Long); phường An Lộc (trụ sở tại xã Thanh Phú). Huyện Lộc Ninh sau sắp xếp còn xã Lộc Thành (trụ sở tại xã Lộc Thành); xã Lộc Ninh (trụ sở tại Trung tâm hành chính huyện Lộc Ninh); xã Lộc Hưng (trụ sở tại xã Lộc Hưng); xã Lộc Tấn (trụ sở tại xã Lộc Tấn); xã Lộc Thạnh (trụ sở tại xã Lộc Thạnh); xã Lộc Quang (trụ sở tại xã Lộc Phú). Huyện Bù Đốp sau sắp xếp còn xã Tân Tiến (trụ sở tại xã Tân Thành); xã Thiện Hưng (trụ sở tại Trung tâm hành chính huyện Bù Đốp); xã Hưng Phước (trụ sở tại xã Hưng Phước).
Huyện Bù Gia Mập sau sắp xếp còn 2 xã giữ nguyên gồm xã Bù Gia Mập (trụ sở tại xã Bù Gia Mập); xã Đắk Ơ (trụ sở tại xã Đắk Ơ) và các xã mới sau sắp xếp gồm: xã Phú Nghĩa (trụ sở tại Trung tâm hành chính huyện Bù Gia Mập); xã Đa Kia (trụ sở tại xã Đa Kia). Thị xã Phước Long sau sắp xếp còn phường Phước Bình (trụ sở tại Trung tâm hành chính thị xã Phước Long); phường Phước Long (trụ sở tại phường Long Thủy). Huyện Phú Riềng sau sắp xếp còn xã Bình Tân (trụ sở tại xã Long Hưng); xã Long Hà (trụ sở tại xã Long Hà); xã Phú Riềng (trụ sở Trung tâm hành chính huyện Phú Riềng); xã Phú Trung (trụ sở xã Phú Trung). Thành phố Đồng Xoài sau sắp xếp còn phường Đồng Xoài (trụ sở tại phường Tiến Thành); phường Bình Phước (trụ sở tại Trung tâm hành chính Đồng Xoài).
Huyện Đồng Phú sau sắp xếp còn xã Thuận Lợi (trụ sở tại xã Thuận Phú); xã Đồng Tâm (trụ sở tại xã Đồng Tiến); xã Tân Lợi (trụ sở tại xã Tân Lợi); xã Đồng Phú (trụ sở tại Trung tâm hành chính huyện Đồng Phú). Huyện Bù Đăng sau sắp xếp còn xã Phước Sơn (trụ sở tại xã Thống Nhất); xã Nghĩa Trung (trụ sở tại xã Đức Liễu); xã Bù Đăng (trụ sở Trung tâm hành chính huyện Bù Đăng); xã Thọ Sơn (trụ sở tại xã Thọ Sơn); xã Đắk Nhau (trụ sở tại xã Đắk Nhau) và xã Bom Bo (trụ sở tại xã Bom Bo).
Cũng tại kỳ họp, các đại biểu đã biểu quyết về việc tán thành chủ trương sáp nhập tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai thành 1 tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Đồng Nai, Trung tâm hành chính - chính trị đặt tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai; thống nhất phương án giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan chủ quản thực hiện dự án đầu tư xây dựng cầu Mã Đà.
Phát biểu tại kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Phước Huỳnh Thị Hằng đề nghị UBND tỉnh triển khai thực hiện kịp thời nghị quyết đã được HĐND tỉnh thông qua và thực hiện trình tự thủ tục tiếp theo quy định của pháp luật. Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện nghị quyết theo quy định.