Đề xuất tiếp tục thực hiện Nghị quyết 98 cho TP.HCM sau sáp nhập
Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đề nghị UBND TP.HCM đề xuất với Trung ương xem xét, chấp thuận tiếp tục tạo cơ chế thực hiện Nghị quyết 98/2023 cho Thành phố mới hết năm 2030.
Mới đây, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đã tổ chức phản biện xã hội về đề án sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh trên địa bàn TP.HCM (sáp nhập TP.HCM với các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu).
Trên tinh thần đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đã có một số đề nghị đến UBND TP.HCM.

Đề xuất rà soát chung cư, bố trí nhà ở cho cán bộ Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu đến TP.HCM công tác. Ảnh: THUẬN VĂN
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 98 cho TP.HCM mới
UBND TP.HCM cần đề xuất Trung ương xem xét, chấp thuận cho 3 tỉnh, thành được chủ động, cân đối kinh phí, nguồn lực hiện có để giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách sau khi thực hiện Nghị định 178/2024.
Đề xuất Trung ương xem xét, chấp thuận tiếp tục tạo cơ chế thực hiện Nghị quyết 98/2023 cho TP.HCM mới hết năm 2030.
Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đề nghị UBND TP.HCM bổ sung công tác phối hợp giữa các cơ quan có liên quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trong chuyển đổi giấy tờ về nhà đất, hộ tịch, thủ tục tư pháp... do có thay đổi từ việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC), giải quyết các chế độ, chính sách gắn với ĐVHC cho người dân bảo đảm kịp thời, minh bạch, đúng đối tượng.
Đồng thời phân công đầu mối giám sát việc duy trì giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và người dân bảo đảm không ngắt quãng và không gián đoạn.
UBND TP.HCM cũng cần xây dựng phương án sắp xếp, giải quyết chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ không chuyên trách cấp xã bị ảnh hưởng khi sắp xếp, bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, đúng chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của pháp luật gắn với việc ưu tiên giới thiệu việc làm, đào tạo nghề, hỗ trợ vốn vay.
Cần quy định lộ trình, thời gian sử dụng tạm thời các loại giấy tờ cũ trong giao dịch thủ tục hành chính để tránh ảnh hưởng đến đời sống của người dân và doanh nghiệp theo hướng tiếp tục sử dụng, trừ trường hợp người dân, doanh nghiệp có nhu cầu thay đổi hoặc phải điều chỉnh theo quy định pháp luật.
Theo kiến nghị của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, cần thành lập bộ phận tham mưu, quản lý, sử dụng tài sản công trong quá trình sắp xếp. Rà soát, kiểm tra, công khai công tác quản lý tài sản công theo quy định không để xảy ra tình trạng thất thoát, lãng phí; đề xuất phương án, bố trí trụ sở và trang thiết bị làm việc dôi dư điều chuyển cho các khu phố, ấp trên địa bàn TP sau khi sắp xếp.
“Rà soát các khu chung cư trên địa bàn để tham mưu, bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (nếu có nhu cầu về nơi ở) đến nhận công tác tại TP.HCM và ngược lại”– báo cáo nêu rõ.
Ngoài ra, đảm bảo vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và người dân được tham gia giám sát xuyên suốt từ giai đoạn xây dựng đến triển khai đề án sáp nhập.
Cần cơ chế cho khu vực Thủ Đức, Vũng Tàu...
Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, việc sáp nhập 3 đơn vị hành chính cấp tỉnh thành một siêu đô thị đặc biệt là thách thức rất lớn về quy mô dân số, địa bàn quản lý rộng và đa dạng. Do đó, cần có cơ chế đặc thù, phân cấp mạnh mẽ cho các phường thuộc khu vực đô thị trọng điểm ở TP Thủ Đức, TP Vũng Tàu, TP Thủ Dầu Một trước đây.
Cần bảo đảm rõ ràng về mô hình chính quyền đô thị, quy hoạch lại vùng hành chính hợp lý nhằm tránh xung đột chức năng giữa các trung tâm cũ.
Quá trình sắp xếp cũng phải đảm bảo tính ổn định, đồng thuận xã hội. Cần công bố rõ lộ trình, phương án xử lý các vấn đề nhạy cảm như tên gọi, trung tâm hành chính, bản sắc văn hóa địa phương…
Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đề nghị UBND TP quan tâm đẩy nhanh tiến độ trang bị ứng dụng công nghệ, tập huấn cán bộ, công chức, nguồn nhân lực đảm bảo sử dụng công nghệ phục vụ cho công tác quản lý địa bàn nhất là tại các phường, xã có địa bàn rộng, quy mô dân số đông.
Về đội ngũ cán bộ, công chức, cần quy định rõ phương án sắp xếp, bố trí cán bộ sau sáp nhập theo hướng công khai, minh bạch, có lộ trình và chính sách hỗ trợ thỏa đáng nhằm tránh gây xáo trộn tâm lý đội ngũ. Nên có chính sách khuyến khích nghỉ hưu sớm tự nguyện, đào tạo lại hoặc chuyển công tác phù hợp…