Thu hút đầu tư FDI vào nông nghiệp: vẫn còn nhiều việc cần làm

Trong những năm qua, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực nông nghiệp dù có sự gia tăng nhưng chưa đạt kỳ vọng. Ngành nông nghiệp đang xây dựng kế hoạch, định hướng nhiều giải pháp để thu hút nguồn vốn FDI, phấn đấu đạt mục tiêu 25 tỷ USD vào năm 2030.

537 dự án FDI lĩnh vực nông nghiệp

Bắt đầu vào hoạt động tại Việt Nam từ năm 1995, Tập đoàn Nestlé (Thụy Sĩ) là một trong những doanh nghiệp FDI lớn nhất hiện nay đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Từ các sản phẩm cà phê, đến nay Nestlé đã có mặt trong hầu hết các chuỗi cung ứng, gắn bó với cuộc sống thường nhật của người dân.

Cuối tháng 4/2025, Nestlé đã công bố tăng vốn hoạt động tại Việt Nam, với khoản đầu tư lên khoảng 1.900 tỷ đồng, tập trung vào việc mở rộng Nhà máy Nestlé Trị An tại tỉnh Đồng Nai.

Câu chuyện của Nestlé là ví dụ điển hình cho thành công của doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực nông nghiệp. Không chỉ tạo ra công ăn việc làm, Nestlé còn chú trọng đến môi trường, phát triển bền vững, đào tạo nghề, ứng dụng công nghệ và hướng tới chuyển đổi số trong sản xuất.

Nestlé là một trong những doanh nghiệp FDI đang đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam.

Nestlé là một trong những doanh nghiệp FDI đang đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam.

Không chỉ có Nestlé, nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới đã chọn Việt Nam làm điểm đến chiến lược để đầu tư. Điển hình như: CP Group (Thái Lan), De Heus (Hà Lan), Cargill (Hoa Kỳ), Bayer (Đức), Zoetis (Hoa Kỳ)…

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, tính đến đầu năm 2025, Việt Nam có 537 dự án FDI còn hiệu lực trong lĩnh vực nông nghiệp. Đây là con số cho thấy tiềm năng lớn và sức hút ngày càng tăng của lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam đối với các nhà đầu tư quốc tế.

Khu vực FDI đã tạo ra khoảng 500.000 việc làm trực tiếp và gián tiếp trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần thúc đẩy đổi mới công nghệ, phát triển bền vững nguồn lực, đào tạo nông dân và hình thành các chuỗi cung ứng hiệu quả.

Vẫn còn không ít hạnchế

Những năm qua, Việt Nam đã dần hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu FDI vào lĩnh vực nông nghiệp. Ngoài Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, nhiều văn bản pháp lý liên quan đã được ban hành. Đơn cử như Nghị định số 210/2013/NĐ-CP về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn…

Đặc biệt, việc Việt Nam tích cực tham gia ký kết các Hiệp định thương mại tự do là điều kiện thuận lợi để Việt Nam vươn lên trở thành trung tâm sản xuất, chế biến nông sản và môi trường xanh của khu vực; từ đó góp phần thu hút FDI trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên nhìn tổng thể bức tranh thu hút nguồn vốn FDI trong lĩnh vực nông nghiệp, vẫn còn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhìn nhận, phần lớn các dự án FDI có quy mô vừa và nhỏ. Theo thống kê, khoảng 23% số dự án có vốn đăng ký dưới 1 triệu USD, dẫn đến hiệu quả đầu tư chưa cao, khó tạo đột phá trong chuyển đổi mô hình sản xuất.

Phân bố đầu tư chưa đồng đều giữa các vùng. Phần lớn các dự án tập trung ở những khu vực thuận lợi, gần thị trường tiêu thụ, trong khi những vùng khó khăn, nơi có tiềm năng phát triển nông nghiệp bền vững lại chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược.

Sản xuất thực phẩm tại nhà máy của Công ty C.P Việt Nam.

Sản xuất thực phẩm tại nhà máy của Công ty C.P Việt Nam.

Bên cạnh đó, liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, hợp tác xã, nông dân trong một số trường hợp còn yếu. Việc chuyển giao công nghệ, lan tỏa giá trị gia tăng, phát triển hệ sinh thái địa phương chưa thực sự hiệu quả.

Ông Seck Yee Chung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam, cho rằng mặc dù Việt Nam là điểm đến tiềm năng, nhiều nhà đầu tư vẫn gặp trở ngại bởi các thủ tục hành chính còn rườm rà và thiếu minh bạch.

Những bất cập trong Luật Đất đai, như tính thiếu ổn định và không rõ ràng trong quyền sử dụng và chuyển nhượng đất, đang là rào cản lớn đối với các dự án dài hạn. Ngoài ra, các quy định mới về bảo mật dữ liệu cũng khiến nhiều doanh nghiệp gặp trở ngại khi triển khai kế hoạch đầu tư.

Định hướng hútvốn FDI

Có thể thấy, nguồn vốn đầu tư FDI đã tạo ra một số phương thức mới, có hiệu quả cao, nhất là các dự án đầu tư vào phát triển nguồn nguyên liệu, góp phần cải thiện tập quán canh tác và điều kiện hạ tầng yếu kém, lạc hậu ở một số địa phương.

FDI đã và đang góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị hàng hóa nông sản xuất khẩu. Nhờ đó, xuất khẩu nông, lâm sản và thủy sản của Việt Nam năm 2024 đạt hơn 62 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Võ Văn Hưng cho biết, trong giai đoạn tới, lĩnh vực nông nghiệp sẽ tiếp tục là một trong những trụ cột quan trọng, có tiềm năng và dư địa rất lớn để thu hút đầu tư từ doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Thứ trưởng Võ Văn Hưng nhấn mạnh, trong bối cảnh và yêu cầu nhiệm vụ mới, ngành nông nghiệp và môi trường đã xác lập các mục tiêu, chính sách mang tính chiến lược, như chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp.

“Trước đây, nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích đáng kể, tuy nhiên hiện nay chúng ta cần tập trung mạnh mẽ hơn vào kinh tế nông nghiệp đa giá trị, thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện trong lĩnh vực này để tạo ra giá trị gia tăng cao hơn” - Thứ trưởng Võ Văn Hưng nhận định.

Cũng theo Thứ trưởng Võ Văn Hưng, quá trình phân tích cho thấy về số lượng, Việt Nam đã phát triển tương đối mạnh, nhưng vẫn còn một khoảng trống cần các nhà đầu tư FDI tập trung. Đó là công tác chế biến và xây dựng các sản phẩm có thương hiệu, giúp đưa sản phẩm ra thị trường, kết nối thị trường và tập trung phát triển thương hiệu quốc gia cho các ngành hàng chủ lực như lúa gạo, cà phê, thủy sản, trái cây, thực phẩm, dược liệu.

Thứ trưởng Võ Văn Hưng nhấn mạnh, FDI không chỉ là nguồn vốn mà còn là chất xúc tác cho đổi mới sáng tạo, nâng cao nội lực và chuyển đổi mô hình phát triển. Bộ Nông nghiệp và Môi trường không chỉ sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư có trách nhiệm mà còn cam kết trở thành người bạn đồng hành tin cậy, cùng kiến tạo một Việt Nam sinh thái, thịnh vượng và bền vững.

Tại cuộc gặp gỡ, trao đổi với các doanh nghiệp FDI hồi cuối tháng 4/2025, Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương Trần Lưu Quang đã khái quát 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm mà Việt Nam cần ưu tiên giải quyết trong thời gian tới, bao gồm: cải cách hành chính và thể chế; xử lý các quy định pháp luật còn chồng chéo; tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng chiến lược; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh chính sách điều tiết, hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh thay đổi về thuế và môi trường kinh doanh toàn cầu.

“Chúng tôi đang tiếp tục rà soát, nghiêm cứu xây dựng chính sách và có thể khẳng định rằng Việt Nam đang tiếp cận với cách làm mới, phù hợp hơn với bối cảnh phát triển. Chính phủ sẽ tiếp tục đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam” - Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương Trần Lưu Quang khẳng định.

Tùng Nguyễn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/thu-hut-dau-tu-fdi-vao-nong-nghiep-van-con-nhieu-viec-can-lam.694143.html
Zalo