7 lợi thế sau khi sáp nhập Khánh Hòa và Ninh Thuận
Khánh Hòa và Ninh Thuận với sáp nhập sẽ tạo ra một không gian phát triển liên thông, đồng bộ về hạ tầng giao thông, logistics, đô thị và công nghiệp năng lượng – du lịch.
UBND tỉnh Khánh Hòa đã có tờ trình gửi Chính phủ về hồ sơ đề án sắp xếp tỉnh Khánh Hòa với tỉnh Ninh Thuận.

Khánh Hòa có lợi thế về du lịch với nhiều bãi biển thu hút du khách. Ảnh: XUÂN HOÁT
Theo tờ trình, Khánh Hòa và Ninh Thuận đều nằm trong vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, có vị trí liền kề, có chung đặc điểm về khí hậu, địa hình và cơ cấu kinh tế.
Việc sáp nhập hai tỉnh sẽ tạo ra một không gian phát triển liên thông, đồng bộ về hạ tầng giao thông, logistics, đô thị và công nghiệp – năng lượng – du lịch.
Đồng thời,tăng cường năng lực cạnh tranh của địa phương trên bản đồ đầu tư trong nước và quốc tế. Đặc biệt trong bối cảnh cần hình thành các vùng động lực, cực tăng trưởng mới theo tinh thành quy hoạch tổng thể quốc gia.
UBND tỉnh Khánh Hòa đánh giá, việc sáp nhập hai tỉnh sẽ tạo ra những tác động tích cực toàn diện về kinh tế - xã hội, cả ở tầm chiến lược lẫn điều hành thực tiễn.
Cụ thể, thứ nhất là mở rộng quy mô kinh tế và nâng cao hiệu quả đầu tư. Việc sáp nhập tạo ra đơn vị hành chính có tổng sản phẩm kinh tế lớn hơn, tăng khả năng lan tỏa và tích hợp chuỗi giá trị. Sự hợp nhất giúp cải thiện môi trường đầu tư, tinh gọn thủ tục hành chính, thu hút thêm vốn đầu tư trong và ngoài nước.
Thứ hai là nâng cao hiệu quả sử dụng hạ tầng và không gian phát triển. Tỉnh mới sẽ có điều kiện đồng bộ quy hoạch không gian kinh tế - xã hội. Đặc biệt là các tuyến hành lang phát triển chiến lược và cảng biển.

Ninh Thuận là trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Ảnh: H.H
Thứ ba là tái cơ cấu lao động, tăng cơ hội việc làm và thu nhập. Thứ tư là tối ưu hóa chi ngân sách và nâng cao đầu tư xã hội. Thứ năm là cải thiện chất lượng dịch vụ công và phúc lợi xã hội.
Thứ sáu là bổ sung và phát huy thế mạnh của từng địa phương. Khánh Hòa có lợi thế về du lịch, cảng biển, công nghiệp và logistics. Ninh Thuận có thế mạnh về năng lượng tái tạo và nông nghiệp đặc thù. Việc kết hợp sẽ hình thành vùng kinh tế động lực mới, phát triển cân bằng giữa công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ.
Cuối cùng là tăng cường liên kết vùng và cải thiện hạ tầng chiến lược. Tỉnh mới sẽ có lợi thế vượt trội về vị trí và hạ tầng liên vùng, với hệ thống giao thông quốc gia và quốc tế, tạo điều kiện để trở thành trung tâm kinh tế biển và năng lượng tái tạo trọng điểm quốc gia.
Theo thống kê, Khánh Hòa và Ninh Thuận sau hợp nhất sẽ có hơn 200 km đường cao tốc, hơn 192 km đường sắt cao tốc, hơn 21 km đường sắt Bắc Nam.
Bên cạnh đó, tỉnh mới sẽ có ba sân bay gồm sân bay gồm sân bay quốc tế Cam Ranh, sân bay lưỡng dụng Thành Sơn đang hoàn tất thủ tục để kêu gọi đầu tư và sân bay quốc tế Vân Phong đang được hoàn thiện đề án nghiên cứu.
Ngoài ra, tỉnh mới cũng có ba cảng biển nước sâu gồm cảng Vân Phong, cảng Cam Ranh và cảng Cà Ná.

Khánh Hòa và Ninh Thuận có hơn 200 km đường cao tốc. Ảnh: XUÂN HOÁT
Trong tờ trình, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng kiến nghị Trung ương cho phép tỉnh Khánh Hòa sau sắp xếp tiếp tục được hưởng các cơ chế, chính sách đặc thù, cá biệt đã được phê duyệt hiện đang áp dụng.
Cùng với đó, tỉnh đề nghị Trung ương sớm ban hành các chế độ, chính sách đồng bộ để kịp thời hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức được điều động đến nhận công tác sau sắp xếp. Đặc biệt, là chính sách hỗ trợ về nhà ở, phương tiện đi lại nhằm tạo điều kiện thuận lợi và giúp cán bộ, công chức, viên chức yên tâm công tác.
Khánh Hòa cũng đề nghị Trung ương tiếp tục quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện các dự án đầu tư công, công trình trọng điểm, cũng như các chương trình, dự án đã được xác định triển khai.