Thu hẹp khoảng cách quản trị công ty với khu vực
Việc đầu tư vào quản trị hiệu quả không chỉ là lựa chọn, mà trở thành nhu cầu quan trọng đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp niêm yết và các công ty đại chúng.
Thực trạng đáng lo
Hiện nay, các nhà đầu tư, đặc biệt là các quỹ đầu tư quốc tế, tập trung và dịch chuyển các khoản đầu tư bền vững vào những doanh nghiệp thực thi quản trị công ty gắn với đo lường mức độ tạo tác động đến môi trường và xã hội.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mặt bằng quản trị công ty của Việt Nam đang khá thấp. Ở cấp khu vực, Việt Nam đang tham gia 7 kỳ đánh giá chương trình Thẻ điểm Quản trị công ty ASEAN (ACGS). Hàng năm, mỗi nước trong khu vực được lựa chọn đánh giá trên chỉ số của 100 doanh nghiệp, nhưng năm 2024, Việt Nam chỉ có 69 doanh nghiệp được lựa chọn để đánh giá do yêu cầu phải công bố thông tin bằng tiếng Anh và chất lượng của báo cáo thông tin.
Đến nay, Việt Nam vẫn đang xếp ở cấp độ thấp nhất trong 6 nước ASEAN (sau Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines và Indonesia) và thấp hơn mức độ trung bình trong đánh giá Thẻ điểm ACGS.
Bà Nguyễn Minh Hiền, Giám đốc chuyên môn Viện Thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD) cho biết, chất lượng quản trị công ty Việt Nam tăng từ thấp lên trung bình trong những năm gần đây, nhưng vẫn đứng ở mức thấp và kém xa so với nhiều nước ASEAN khác. Phần mà Việt Nam đang yếu nhất theo lần đánh giá gần nhất là “Thực thi trách nhiệm của hội đồng quản trị”, với các cấu phần như tính đa dạng của thành viên HĐQT, tính độc lập để đưa ra các ý kiến đảm bảo lợi ích, cũng như bảo vệ các cổ đông nhỏ lẻ, các ủy ban chuyên trách để giám sát hoạt động của HĐQT.
Theo dự đoán của VIOD, trong lần đánh giá lần này, 3 điểm yếu nhất vẫn là vấn đề vai trò HĐQT, đảm bảo quyền và đối xử công bằng với cổ đông và thực hành về phát triển bền vững.
Quản trị công ty được đánh giá là một kênh rất quan trọng để dẫn vốn vào thị trường, vào doanh nghiệp. Đây là một thước đo năng lực cạnh tranh, là nền tảng tăng cường minh bạch và trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp khi thực thi chiến lược phát triển bền vững. Việc nâng cao mặt bằng quản trị công ty của từng doanh nghiệp và của thị trường chứng khoán Việt Nam trong khu vực cũng đang được các doanh nghiệp ưu tiên đưa vào chiến lược phát triển trong 2025 và những năm tới.
Thẻ điểm VNCG50
Với mục tiêu cải thiện mặt bằng quản trị công ty của Việt Nam lên mức trung bình trong những năm tới, ông Phan Lê Thành Long, Tổng giám đốc VIOD cho biết, tại Diễn đàn Thường niên về quản trị công ty lần thứ 7 (AF7) với chủ đề “Đầu tư vào quản trị công ty - chiến lược thu hút nhà đầu tư có trách nhiệm trong xu thế quốc tế hóa thị trường” được tổ chức vào ngày 5/12/2024 tại TP.HCM, VIOD sẽ công bố sáng kiến VNCG50.
Là đối tác chuyên môn có kinh nghiệm tham gia đánh giá quản trị công ty cho cả Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết (VLCA) và ACGS trong nhiều năm, VIOD đã đưa ra sáng kiến xây dựng Bộ chỉ số VNCG50 và được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX) ủng hộ. Đây là bộ thẻ điểm được xây dựng dựa trên các chỉ số đánh giá của ACGS theo các thông lệ tốt, đồng thời dựa trên thực tiễn về quản trị công ty tại Việt Nam.
VNCG50 được đánh giá bởi Hội đồng do VNX chủ trì, gồm các thành viên là các chuyên gia đến từ Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), đại diện quỹ, công ty chứng khoán và chuyên gia độc lập.
Theo lộ trình, năm 2024 sẽ công bố Thẻ điểm VNCG50 dưới dạng sáng kiến. Trong cuộc họp mới đây với các sở giao dịch, VNX và cuộc họp hội đồng của VNCG50, quan điểm thống nhất mang tính chiến lược là sở giao dịch sẽ căn cứ vào sáng kiến này để nâng cấp và ban hành Bộ chỉ số VNCG 50 trong thời gian tới, dự kiến là ngay trong năm 2025.
Khi nâng thành bộ chỉ số, những doanh nghiệp nằm trong danh sách này sẽ có những lợi ích lớn, bởi bộ chỉ số sẽ trở thành điểm tham chiếu để thu hút đầu tư. Nhắc đến việc thu hút vốn đầu tư, doanh nghiệp cũng sẽ có nhiều động lực lớn hơn để cải thiện quản trị công ty.
Ông Long đánh giá, để nâng điểm số lên được mức trung bình của khu vực vẫn còn nhiều khó khăn mang tính kỹ thuật, do đó, nỗ lực từ phía chính doanh nghiệp là rất cần thiết. Việc công bố Thẻ điểm VNCG50 nhằm mục tiêu lớn nhất là thị trường chứng khoán Việt Nam không chỉ được nâng hạng, mà còn thu hút thành công dòng vốn mới, chất lượng vào thị trường.
Cải thiện quản trị công ty đóng vai trò quan trọng không chỉ trong việc thu hút vốn đầu tư của các quỹ đầu tư quốc tế, mà còn tạo nền tảng phát triển bền vững cho chính thị trường chứng khoán Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.