Thú chơi chim cảnh và trách nhiệm môi sinh
HNN - Không chỉ Huế mà với nhiều địa phương khác, hình ảnh không ít người dân mang lồng chim đi uống cà phê từ lâu đã trở thành một thú vui. Tuy nhiên, khi Hạt Kiểm lâm liên quận Thuận Hóa - Phú Xuân mới đây đề nghị các chủ quán cà phê yêu cầu khách phải chứng minh nguồn gốc hợp pháp của chim cảnh mang theo, dư luận đã dấy lên không ít băn khoăn: Liệu đây có phải là sự 'hành chính hóa' một thú chơi đời thường, hay thực sự là bước đi cần thiết để nhắc nhở trách nhiệm của mỗi công dân trong bảo vệ môi sinh?

Cà phê chim mỗi sáng tại đường Nguyễn Chí Thanh. Ảnh: Ngọc Thanh
Thực tế, đây không phải là một quy định có tính “hành chính hóa”. Bởi thú chơi chim cảnh, nếu không được kiểm soát đúng cách, sẽ là một trong những nguyên nhân âm thầm gây hại cho hệ sinh thái và làm tổn thương đa dạng sinh học.
Cũng cần nhìn nhận rằng, thú chơi chim cảnh ở Việt Nam, đặc biệt là chim hoang dã như chào mào, họa mi, cu gáy… đang gắn với một thực trạng: việc bắt, bẫy, mua bán chim trời vẫn diễn ra phổ biến, mà phần lớn là không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc.
Chợ chim cảnh tồn tại như một góc khuất pháp lý, nơi chim trời được mua bán như món hàng thương mại. Dù không phải ai cũng chủ ý tiếp tay cho việc hủy hoại môi trường, nhưng nếu không có sự kiểm soát, thói quen ấy có thể biến thành một mắt xích trong chuỗi phá rừng, tàn sát động vật hoang dã.
Vì thế, yêu cầu “phải có hồ sơ chứng minh nguồn gốc hợp pháp” của chim cảnh tại quán cà phê không chỉ là chuyện giấy tờ. Đó là bước nhấn mạnh trách nhiệm pháp lý đối với thú chơi đã lâu được coi là tự do, không ràng buộc.
Đây không phải là cấm đoán, mà là nhắc nhở: Khi đã bước ra khỏi tư gia để hiện diện nơi công cộng, một hành vi mang tính sở thích cũng cần tuân thủ các chuẩn mực bảo vệ môi trường và pháp luật.
Có nhiều ý kiến cho rằng, quy định này sẽ khó thực hiện, bởi thói quen nuôi chim cảnh đã ăn sâu, việc yêu cầu người chơi chim cảnh, trong đó có nhiều người lớn tuổi, trình giấy tờ là điều không đơn giản. Song, cần nhấn mạnh rằng, sự thay đổi nào cũng cần bắt đầu từ một cú hích nhận thức. Ngay cả việc đội mũ bảo hiểm trước đây cũng từng bị phản ứng gay gắt, nhưng đến nay đã trở thành điều hiển nhiên.
Một trong những điểm đáng hoan nghênh là cách làm mềm dẻo của ngành kiểm lâm thành phố Huế: không xử phạt ngay, mà tập trung tuyên truyền, ký cam kết, nhấn mạnh vai trò đồng hành cùng người dân trong chuyển đổi nhận thức. Đây là cách tiếp cận nhân văn, phù hợp với vùng đất coi trọng truyền thống như Huế. Việc không “đánh úp” bằng chế tài hành chính, mà từng bước tạo dựng thói quen minh bạch hóa thú chơi chim cảnh, chính là khởi đầu để xây dựng một xã hội sinh thái, nơi từng cá nhân có trách nhiệm với hệ sinh thái xung quanh mình.
Nhưng để quy định này thực sự đi vào đời sống, cần những chính sách hỗ trợ đồng bộ hơn. Chẳng hạn, Nhà nước nên đẩy nhanh việc công bố danh mục các loài chim được phép nuôi, cung cấp địa chỉ các cơ sở gây nuôi được cấp phép, phát hành sổ tay hướng dẫn người dân đăng ký nuôi chim hợp pháp. Việc số hóa chứng nhận nguồn gốc cũng có thể được nghiên cứu triển khai qua ứng dụng di động đơn giản, giúp giảm phiền hà cho người chơi chim cảnh, đồng thời tăng hiệu quả quản lý.
Ở khía cạnh khác, các hội thi chim cảnh đang được xem là sân chơi văn hóa, cũng cần được nhìn nhận lại. Nhiều cuộc thi hiện nay đang gián tiếp thúc đẩy việc săn bắt chim rừng, đặc biệt là các loài chào mào, họa mi, khướu… Từ một sân chơi, có thể vô tình trở thành lực đẩy của một thị trường “xám” mà ở đó, luật pháp không theo kịp thực tế.
Do vậy, việc TP. Huế không khuyến khích tổ chức thi chim chào mào là một tín hiệu tích cực. Chính quyền các địa phương khác cũng nên cân nhắc lộ trình kiểm soát loại hình này, thay vì để nó tiếp tục tồn tại như một “vùng trũng pháp lý”.
Chúng ta không thể vừa nói bảo vệ thiên nhiên, vừa nhẩn nha uống cà phê bên cạnh một con chim bị nhốt sau song sắt, hót trong u sầu, chỉ để thỏa mãn thị hiếu nghe tiếng. Tự do không thể bị giam nhốt trong lồng, dù lồng ấy tre đan hay mạ vàng.
Để bước vào một thời đại phát triển bền vững, mỗi một thú chơi, ví dụ chơi chim cảnh, cũng cần được “định hình lại” bằng lăng kính sinh thái và pháp luật. Đó không phải là tước đi tự do cá nhân, mà là cùng nhau trao lại một không gian sống cân bằng và bao dung hơn, cho cả người và muôn loài.