Độc đáo nghi thức cúng tổ tiên, tạ ơn thần linh sau vụ điều

Thôn 5, xã Phước Sơn, huyện Bù Đăng có trên 87% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó phần lớn là đồng bào Tày, Nùng từ các tỉnh phía Bắc vào lập nghiệp. Bên cạnh việc cùng cộng đồng tích cực xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, đồng bào Tày, Nùng tại Phước Sơn đã và đang duy trì, bảo tồn nét văn hóa đặc trưng của cộng đồng mình, trong đó có nghi thức tổng kết vụ điều.

Vào Bình Phước lập nghiệp từ những năm 90 của thế kỷ trước, sau hơn 30 năm gắn bó với quê hương Bình Phước, gia đình ông Lương Huy Thắng và những đồng hương là đồng bào Tày, Nùng của mình vẫn duy trì nét văn hóa làm mâm cơm cúng tổ tiên, thần linh khi kết thúc vụ mùa hằng năm. Điểm khác biệt với quê hương miền núi phía Bắc, nơi sau mỗi vụ lúa, đồng bào làm mâm cơm mừng lúa mới, đồng bào Tày, Nùng tại Bình Phước cũng thực hiện nghi thức này sau mỗi vụ thu hoạch điều, cây trồng chủ lực của địa phương, với tên gọi là nghi thức tổng kết vụ điều.

Thành viên CLB đàn tính, hát then xã Phước Sơn chuẩn bị bánh ngải, bánh gấc cho mâm cơm cúng tổ tiên, thần linh

Thành viên CLB đàn tính, hát then xã Phước Sơn chuẩn bị bánh ngải, bánh gấc cho mâm cơm cúng tổ tiên, thần linh

Ông Lương Huy Thắng cho biết: “Trong này chúng tôi không có làm lúa mà cây điều là cây chủ lực của địa phương. Nên là xong vụ điều, bà con địa phương hay làm mâm cơm để cúng tổ tiên. Trước hết mong các cụ phù hộ cho con cháu có sức khỏe, sau là làm ăn mùa màng bội thu. Việc cúng này cũng là để cầu các vị thần linh cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt”.

Ông Lương Huy Thắng chuẩn bị cho mâm cơm cúng tổ tiên, thần linh

Ông Lương Huy Thắng chuẩn bị cho mâm cơm cúng tổ tiên, thần linh

Trong mâm cơm cúng tổ tiên, cảm tạ các vị thần linh, ngoài xôi, gà, còn không thể thiếu những món ăn truyền thống như bánh lá ngải, lá cẩm, bánh gấc hay món khấu nhục… với những gia vị cùng cách chế biến đã được truyền qua nhiều thế hệ của đồng bào Tày, Nùng.

Và bên mâm cơm cúng tổ tiên, cảm tạ thần linh sau vụ điều, các thành viên của câu lạc bộ (CLB) đàn tính, hát then cùng nhau hát những điệu then truyền thống, ngợi ca quê hương đất nước, hướng về việc cùng nhau phấn đấu xây dựng một quê hương, đất nước tươi đẹp, phát triển hơn.

Đại gia đình cùng quây quần bên mâm cơm cúng tổ tiên, tạ ơn thần linh hát then ngợi ca quê hương đất nước

Đại gia đình cùng quây quần bên mâm cơm cúng tổ tiên, tạ ơn thần linh hát then ngợi ca quê hương đất nước

Chủ nhiệm CLB đàn tính, hát then xã Phước Sơn Hoàng Thị Loan chia sẻ: “Văn hóa, văn nghệ, nhất là hát then là một bản sắc, một nền văn hóa không thể thiếu của người Tày, Nùng ở các tỉnh phía Bắc. Chúng tôi coi những dịp như thế này là cơ hội để các hội viên gặp nhau, cùng hát then, cùng gìn giữ nét văn hóa của cộng đồng dân tộc mình”.

Khẳng định Bù Đăng có bản sắc văn hóa dân tộc rất đa dạng, có những nét văn hóa riêng cần bảo tồn, phát huy, ông Nguyễn Văn Lưu, Phó Chủ tịch UBND huyện mong muốn: “Mỗi một người dân, mỗi một cộng đồng dân tộc sinh sống trên quê hương Bù Đăng có nét văn hóa riêng, độc đáo. Kết hợp những nét văn hóa này với những thắng cảnh được thiên nhiên ưu đãi, cùng với làm vườn, làm nông nghiệp, chúng tôi muốn xây dựng một sản phẩm du lịch đặc sắc của địa phương”.

Mâm cơm cúng tổ tiên, tạ ơn thần linh sau vụ điều, cùng những điệu then ngợi ca quê hương đất nước đã và đang là những nét văn hóa cần được duy trì, bảo tồn và phát huy trong cộng đồng Tày, Nùng sinh sống trên quê hương Bù Đăng, góp phần làm sâu sắc, đa dạng hóa bức tranh cộng đồng 31 dân tộc đang từng ngày chung tay vì một Bù Đăng phát triển.

Phạm Quang

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/173178/doc-dao-nghi-thuc-cung-to-tien-ta-on-than-linh-sau-vu-dieu
Zalo