Tìm hướng khai thác giá trị di sản kiến trúc Pháp

HNN - Trải qua thời gian, những công trình kiến trúc Pháp còn tồn tại trên vùng đất Cố đô Huế được xem là quỹ di sản kiến trúc có giá trị, tạo nên nét đẹp sang trọng trong dòng chảy lịch sử văn hóa của vùng đất.

 Những công trình kiến trúc Pháp tuyệt đẹp nằm trên đường Lê Lợi, cạnh bờ sông Hương thơ mộng

Những công trình kiến trúc Pháp tuyệt đẹp nằm trên đường Lê Lợi, cạnh bờ sông Hương thơ mộng

Góp phần định hình diện mạo đô thị Huế

Nếu như phía bờ bắc sông Hương với những công trình kiến trúc cung đình rêu phong cổ kính, thì ngược lại phía bờ nam những công trình kiến trúc Pháp còn hiện hữu cho đến ngày hôm nay đã điểm tô, nhấn nhá cho đô thị Huế.

Huế có hàng trăm công trình kiến trúc Pháp nhưng vì nhiều lý do khác nhau một số công trình bị xuống cấp, một số bị đập bỏ để xây dựng mới. Có thể kể đến các công trình Pháp có kiến trúc tiêu biểu, như: Nhà Thương (Bệnh viện Trung ương Huế), Le Grand Hotel de Hue (khách sạn Sài Gòn Morin), Tòa Công chánh (Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao quận Thuận Hóa), Nhà Ga, Trường Quốc Học, Trường Đồng Khánh (nay là Trường Hai Bà Trưng), Dòng Chúa Cứu Thế, Trường Pellerin (Học viện Âm nhạc Huế), Đài chiến sĩ trận vong, Viện Dân biểu Trung Kỳ (Đại học Huế), Trường Thiên Hựu (Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế)...

Sự hiện hữu của những công trình kiến trúc Pháp được xem vô cùng quý giá. TS. Trần Văn Dũng – Sở Văn hóa và Thể thao TP. Huế cho rằng, ban đầu những công trình mang đậm nét kiến trúc nghệ thuật phương Tây phục vụ cho bộ máy hành chính Pháp, là cách biểu dương uy thế và sức mạnh để duy trì sự kiểm soát người dân bị đô hộ. Sau đó xuất hiện những ngôi nhà, biệt thự vẫn được xây dựng theo kiến trúc phương Tây nhưng thích nghi với điều kiện khí hậu và truyền thống địa phương vùng đất xứ Huế.

So sánh với Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, Huế không thua kém về sự đa dạng các phong cách kiến trúc, chỉ khác biệt về mức độ tinh xảo và nghệ thuật trang trí. TS. Dũng chia thành 3 loại công trình kiến trúc thuộc địa tiêu biểu tại Huế, gồm: công thự, biệt thự và nhà phố. Điều đó đã góp phần tạo nên sắc thái mới của không gian đô thị di sản Huế, khiến Cố đô Huế có sự chuyển tiếp hài hòa từ kiến trúc truyền thống sang kiến trúc hiện đại, đồng thời cũng là minh chứng quan trọng cho lịch sử phát triển đô thị của Huế.

Hai nhà nghiên cứu Phan Thuận An, Nguyễn Quốc Thông trong bài viết “Kiến trúc Pháp bên bờ sông Hương” đã nhận xét: “Bên cạnh sử dụng vật liệu xây dựng kiên cố và kỹ thuật xây dựng ngoại nhập, như hệ thống cửa kính, cửa chớp, pa-nô, tường hoa con tiện và các gờ chỉ của phần bệ công trình, chúng ta còn thấy rõ phong cách kiến trúc truyền thống Việt Nam trên các họa tiết trang trí bờ nóc tường hoa chắn mái. Thỉnh thoảng, sự kết hợp các phong cách kiến trúc còn thể hiện ngay trên hình thức cột trang trí: phần bệ và thân cột làm theo hình thức kiến trúc phương Tây, nhưng đầu cột theo phong cách truyền thống Việt Nam”.

Khai thác phát triển du lịch

Bên cạnh câu chuyện bảo tồn, nhiều ý kiến tâm huyết khi bàn về các công trình kiến trúc này cũng cho rằng cần khai thác, phục vụ phát triển du lịch bền vững.

TS. Trần Văn Dũng dẫn chứng, rất nhiều đô thị trên thế giới đã khai thác phát triển du lịch từ hệ thống di sản, bởi đó là nguồn lợi kinh tế vô cùng lớn. Vì thế đưa di sản kiến trúc thuộc địa vào chiến lược khai thác phục vụ phát triển du lịch sẽ góp phần quảng bá nét đặc sắc của di sản Huế và tạo ra nguồn thu nhập cho người quản lý, gìn giữ di sản kiến trúc thuộc địa. Qua đó, khuyến khích việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản kiến trúc thuộc địa được tốt hơn; TP. Huế cũng sẽ có thêm những sản phẩm du lịch mới lạ và đặc sắc.

Gần đây, không gian công trình kiến trúc Pháp ở số 23 - 25 Lê Lợi là trụ sở của Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao quận Thuận Hóa đã được đưa vào khai thác một cách rất hiệu quả với mô hình Không gian Sách và Văn hóa Huế. “Chính việc khai thác như thế này đã làm cho các công trình kiến trúc có sức sống hơn. Không chỉ vừa bảo tồn mà còn khai thác, quảng bá và tạo nên sự cuốn hút đối với du khách khi ngang qua”, anh Nguyễn Hoài (quận Thuận Hóa) - người thường xuyên lui tới không gian này, chia sẻ.

Thế nhưng, bất kỳ dự án khai thác, phát triển du lịch nào cũng đều bị ảnh hưởng và khó thực thi nếu quá trình thực hiện không được lên kế hoạch chu đáo và không nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ phía cộng đồng. Do vậy, chính quyền địa phương cần có những chính sách, chương trình phổ biến các thông tin dự án phát triển du lịch di sản kiến trúc thuộc địa một cách chi tiết và kịp thời đến người dân để tăng cường sự tìm hiểu, ủng hộ và đóng góp ý kiến của họ trong việc quy hoạch, phát triển các dự án du lịch bền vững.

Nhật Minh

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/van-hoa-nghe-thuat/tim-huong-khai-thac-gia-tri-di-san-kien-truc-phap-153871.html
Zalo