ThS Nguyễn Hữu Hoàng: Nghiên cứu chuyển đổi số giúp người cao tuổi Việt Nam thích ứng

ThS Nguyễn Hữu Hoàng - nghiên cứu sinh tại ĐH Xã hội Quốc gia Nga đã dành tâm huyết khám phá hành trình thích ứng xã hội của người cao tuổi Việt Nam trước làn sóng chuyển đổi số, đóng góp khung lý thuyết mới và đề xuất những giải pháp thực tiễn nhằm kết nối thế hệ và xây dựng một xã hội bao trùm hơn trong thời đại công nghệ.

Khởi nguồn cảm hứng từ đời sống thực tế

Khi được hỏi về cảm hứng khởi đầu cho nghiên cứu của mình, ThS Nguyễn Hữu Hoàng chia sẻ, động lực sâu xa nhất xuất phát từ ba lý do quan trọng. Trước hết, anh nhận thấy, chuyển đổi số không còn là một viễn cảnh xa vời mà đã trở thành hiện thực với sự xuất hiện của những công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) và Internet vạn vật (IoT). Những biến đổi này không chỉ mang lại cơ hội mà còn đặt ra thách thức đối với mọi nhóm xã hội, đặc biệt là người cao tuổi – đối tượng dễ bị tổn thương trong quá trình thích nghi.

ThS Nguyễn Hữu Hoàng - nghiên cứu sinh tại ĐH Xã hội Quốc gia Nga. Ảnh: DƯƠNG TRIỀU

ThS Nguyễn Hữu Hoàng - nghiên cứu sinh tại ĐH Xã hội Quốc gia Nga. Ảnh: DƯƠNG TRIỀU

“Họ, giống như tất cả chúng ta, cần được trang bị kỹ năng và công cụ để khai thác các tiện ích số nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống”, ThS Nguyễn Hữu Hoàng bày tỏ.

Lý do thứ hai đến từ sự quan sát gần gũi trong chính gia đình mình. “Ông bà, cha mẹ chúng ta đang gặp vô vàn khó khăn trong việc sử dụng công nghệ hiện đại. Nếu không hỗ trợ họ kịp thời, nguy cơ bị gạt ra bên lề của cuộc sống số là rất lớn”, anh nhấn mạnh. Anh không chỉ nhìn thấy những áp lực truyền thống của tuổi già – từ suy giảm sức khỏe, trách nhiệm chăm sóc cháu con đến việc tự lo liệu cuộc sống – mà còn nhận ra một thách thức mới: “Áp lực số”. Điều này thúc đẩy anh tìm hiểu, nghiên cứu và đưa ra những giải pháp thiết thực, không chỉ để giúp thế hệ ông bà, cha mẹ hiện tại, mà còn để chuẩn bị hành trang cho thế hệ trẻ trong tương lai.

Cuối cùng, anh nhận ra việc thích nghi với chuyển đổi số không chỉ là vấn đề của riêng người cao tuổi mà còn là bài học cho chính giới trẻ. “Ai rồi cũng sẽ già đi. Nếu không chuẩn bị từ bây giờ, chúng ta sẽ dễ bị tách biệt khỏi xã hội trong tương lai”, anh lý giải. Từ đó, anh đề xuất ý tưởng giáo dục sớm về kỹ năng số và chuẩn bị cho xã hội già hóa, đồng thời nhấn mạnh trách nhiệm đạo đức của thế hệ trẻ trong việc hỗ trợ cha mẹ, ông bà thích ứng với cuộc sống số.

Thách thức trên hành trình nghiên cứu

Thực hiện một đề tài vừa mang tính học thuật cao, vừa giàu giá trị thực tiễn như vậy không hề dễ dàng. Là một nghiên cứu sinh trẻ, Nguyễn Hữu Hoàng đối mặt với không ít khó khăn, từ việc tiếp cận khối lượng lý thuyết nền khổng lồ đến thách thức thu thập dữ liệu tại Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

ThS Nguyễn Hữu Hoàng là một trong 9 người giành Giải thưởng 'Khuê Văn Các' lần thứ I, năm 2024. Ảnh: DƯƠNG TRIỀU

ThS Nguyễn Hữu Hoàng là một trong 9 người giành Giải thưởng 'Khuê Văn Các' lần thứ I, năm 2024. Ảnh: DƯƠNG TRIỀU

“Người cao tuổi là đối tượng khó tiếp cận nhất khi giãn cách xã hội. Họ không quen với việc khảo sát trực tuyến, trong khi phỏng vấn trực tiếp lại bị hạn chế bởi dịch bệnh”, ThS Nguyễn Hữu Hoàng chia sẻ. Điều này buộc anh phải liên tục điều chỉnh phương pháp nghiên cứu, tối ưu hóa cách tiếp cận để đảm bảo tính khách quan và hiệu quả.

Không chỉ vậy, việc nghiên cứu ở Nga yêu cầu anh so sánh và đối chiếu kết quả với các nghiên cứu quốc tế, đặc biệt là những nghiên cứu hàng đầu của Nga. “Rào cản ngôn ngữ, văn hóa và sự khác biệt trong cách tiếp cận là những thử thách lớn mà tôi phải vượt qua”, anh nói. Tuy nhiên, chính những khó khăn này lại giúp anh trưởng thành và tạo ra một luận án có tính sáng tạo cao, nổi bật sự riêng biệt của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu.

Những đóng góp ý nghĩa từ công trình nghiên cứu

Nghiên cứu của ThS Nguyễn Hữu Hoàng không chỉ cung cấp một khung lý thuyết toàn diện về “thích ứng xã hội của người cao tuổi Việt Nam trong chuyển đổi số” mà còn đưa ra những giải pháp thực tế để hỗ trợ nhóm đối tượng này.

ThS Nguyễn Hữu Hoàng cùng các nghiên cứu sinh tại ĐH Xã hội Quốc gia Nga. Ảnh: NVCC

ThS Nguyễn Hữu Hoàng cùng các nghiên cứu sinh tại ĐH Xã hội Quốc gia Nga. Ảnh: NVCC

Từ góc độ khoa học, anh đã thành công trong việc định nghĩa và lượng hóa khái niệm “thích ứng số” qua lăng kính xã hội học kỹ thuật số, phân tích sâu trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, chính trị và xã hội. Từ góc độ thực tiễn, anh đề xuất nhiều sáng kiến nhằm giảm “áp lực số” cho người cao tuổi, bao gồm việc xây dựng các chương trình đào tạo kỹ năng số phù hợp, cải thiện chính sách an sinh và tạo điều kiện để thế hệ trẻ hỗ trợ người cao tuổi trong gia đình mình.

Điều bất ngờ nhất, theo anh, là kết quả khảo sát cho thấy người cao tuổi Việt Nam không hoàn toàn bị động trước làn sóng chuyển đổi số. “Họ có mong muốn học hỏi, thích nghi và sẵn sàng thay đổi nếu được cung cấp đủ điều kiện”, ThS Nguyễn Hữu Hoàng chia sẻ.

Dương Triều

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/ths-nguyen-huu-hoang-nghien-cuu-chuyen-doi-so-giup-nguoi-cao-tuoi-viet-nam-thich-ung-post1697261.tpo
Zalo