ThS. BS Phan Thị Hải: Giá thuốc lá ở Việt Nam rất thấp, ai cũng có thể tiếp cận
ThS. BS Phan Thị Hải - Phó Giám đốc Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá mới thông tin về hậu quả của việc tiêu dùng thuốc lá đối với sức khỏe cộng đồng và sự phát triển kinh tế, xã hội, môi trường. Vị chuyên gia này nhận định, giá 1 bao thuốc lá ở Việt Nam thấp nhất, do vậy người có thu nhập thấp và người mới hút, kể cả trẻ em hay trẻ vị thành niên đều rất dễ tiếp cận với thuốc lá.

ThS. BS Phan Thị Hải - Phó Giám đốc Quỹ phòng chống tác hại Thuốc lá.
Hơn 45 triệu người Việt có nguy cơ mắc bệnh liên quan đến thuốc lá
Thưa ThS. BS Phan Thị Hải, hậu quả của tiêu dùng thuốc lá đối với sức khỏe cộng đồng và sự phát triển kinh tế, xã hội, môi trường là gì?
- Sử dụng thuốc lá là một trong nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong sớm. Thuốc lá chứa 7.000 hóa chất trong đó có 69 chất gây ung thư và là nguyên nhân gây nên 25 loại bệnh như: Ung thư, tim mạch, các bệnh về hô hấp và sinh sản.
Theo báo cáo của WHO năm 2021, sử dụng thuốc lá đã và đang gây ra gánh nặng bệnh tật và tử vong sớm tại Việt Nam, với hơn 104.000 ca tử vong do thuốc lá mỗi năm (trong đó 84.500 người tử vong/năm do hút thuốc chủ động và 18.800 người tử vong do tiếp xúc thụ động với khói thuốc).
Sử dụng thuốc lá đã tạo nên gánh nặng bệnh tật, làm suy giảm chất lượng nguồn lao động. Hơn 45 triệu người Việt Nam có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến thuốc lá và tử vong sớm do hút thuốc trực tiếp hoặc tiếp xúc với khói thuốc thụ động.
Mỗi công dân Việt Nam bị ốm đau hoặc tử vong sớm vì các bệnh liên quan đến thuốc lá đều làm suy giảm quy mô và chất lượng nguồn lao động của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Gánh nặng bệnh tật do sử dụng thuốc lá sẽ rõ rệt hơn trong 10 - 20 năm tới khi những người hút thuốc hiện nay phải đối mặt với những tác động đến sức khỏe của việc sử dụng thuốc lá.
Tại Việt Nam, theo ước tính sơ bộ của Hội Kinh tế Y tế Việt Nam năm 2022, tổng chi phí liên quan đến khám chữa bệnh, ốm đau và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá là 108.000 tỷ đồng một năm (tương đương 1,14% GDP năm 2022). Con số này lớn hơn gấp 5 lần so với đóng góp của nguồn thu thuế thuốc lá cho ngân sách quốc gia.
Bên cạnh đó, WHO nhận định thuốc lá là nguyên nhân làm cho rừng bị tàn phá và ô nhiễm môi trường. Hàng năm có khoảng 5% diện tích rừng bị phá để trồng cây thuốc lá cũng như lấy gỗ để sấy thuốc lá. Ước tính mỗi năm cần 18 tỷ cây xanh để làm củi sấy thuốc lá. Việc sử dụng thuốc lá thải ra môi trường mỗi năm khoảng từ 3.000 đến 6.000 tấn formaldehyde 12.000 đến 47.000 tấn nicotine 300 đến 600 triệu kg chất thải độc hại của các mẩu thuốc lá.
Thuốc lá rất dễ tiếp cận, kể cả trẻ em và trẻ vị thành niên
Bà hãy nêu thực trạng thuế và giá thuốc lá tại Việt Nam?
- Từ năm 2006 đến 2019, Việt Nam mới chỉ thực hiện 3 lần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) thuốc lá nhưng mức tăng thuế mỗi lần thấp chỉ là 5% và khoảng cách thời gian giữa các lần tăng thuế khá dài (giá xuất xưởng). Cụ thể năm 2006, tăng mức thuế từ 55% lên 65%. Sau 8 năm đến năm 2016 tăng từ 65% lên 70%. 3 năm sau tăng từ 70% lên 75%.
Trong khi lạm phát trung bình trong giai đoạn này là 4% và thu nhập tăng trung bình là 5%. Vì vậy, việc tăng thuế có tác động không đáng kể đến giảm tiêu dùng thuốc lá trong các năm đó.
Tỷ lệ thuế thuốc lá tính theo giá bán lẻ chỉ chiếm 36%, thấp hơn nhiều so với trung bình của các quốc gia có thu nhập trung bình là 59% và chỉ bằng 1/2 của nhiều nước ASEAN (Thái Lan 78.6%, Singapore 67,1%, Indonesia 62.3%. Trong khi đó, mức thuế trên giá bán lẻ theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới: là 75% trên giá bán lẻ.
Giá một bao thuốc nhãn phổ biến nhất ở Việt Nam chỉ vào khoảng 0.9 USD/bao. Với mức giá này, giá thuốc lá ở Việt Nam đứng thứ 15, gần thấp nhất, trong số 19 nước trong khu vực Tây Thái Bình Dương.
Tăng thuế là những biện pháp quan trọng để giảm tiêu thụ thuốc lá
Bà hãy nêu đề xuất về cải cách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá ở Việt Nam?
- Theo Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC), các biện pháp về giá và thuế là những biện pháp quan trọng và hữu hiệu để giảm tiêu thụ thuốc lá trong các tầng lớp dân cư, đặc biệt là thanh thiếu niên, người nghèo.
- Nghị quyết 20 ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới cũng nêu rõ: Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các hàng hóa có hại cho sức khỏe như đồ uống có cồn, có ga, thuốc lá để hạn chế tiêu dùng.
- Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá quy định: Áp dụng chính sách thuế phù hợp để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá; Kinh doanh thuốc lá là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Luật Đầu tư cũng quy định: Kinh doanh sản phẩm thuốc lá, nguyên liệu thuốc lá, máy móc, thiết bị thuộc chuyên ngành thuốc lá là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
- Quyết định số 568 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược Quốc gia về PCTH thuốc lá đến năm 2030 nêu rõ: Xây dựng lộ trình tăng thuế đối với các sản phẩm thuốc lá đảm bảo đến năm 2030 mức thuế đạt tỷ trọng trên giá bán lẻ theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (70-75% trên giá bán lẻ)...
Về mức thuế, theo tính toán của các chuyên gia Tổ chức y tế Thế giới và đề xuất của Bộ Y tế bên cạnh thuế tương đối là 75%, chúng ta cần bổ sung mức thuế tuyệt đối với sản phẩm thuốc lá ở mức ít nhất 5.000 đồng/bao vào năm 2026 và tăng dần để đạt 15.000 đồng/bao vào năm 2030. Phương án khuyến nghị cụ thể như sau:

Phương án này sẽ giúp giảm tỷ lệ hút thuốc ở người trưởng thành, cụ thể: tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới sẽ giảm xuống dưới 36% và ở nữ giới xuống dưới 1,0% vào năm 2030, đáp ứng được mục tiêu chiến lược quốc gia.
Giảm 3,2 triệu người hút thuốc vào năm 2030 so với kịch bản không tăng thuế. Mức giảm này cao hơn phương án của Bộ Tài chính hiện nay là một triệu người hút thuốc.
Đặc biệt, tăng số thu thuế thực (đã điều chỉnh theo lạm phát) lên 169%, tăng từ 17,4 nghìn tỷ đồng năm 2020 lên 46,4 nghìn tỷ đồng vào năm 2030 (tăng thêm 29 nghìn tỷ đồng). Mức tăng này cao hơn so với mức tăng theo phương án của Bộ Tài chính là gần 10 nghìn tỷ đồng.
Cảm ơn những chia sẻ từ ThS.BS Phan Thị Hải!