Thông tư mới về tiền lương có hiệu lực từ 15/6
Bộ Nội vụ mới ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước.
Bộ Nội vụ vừa ban hành Thông tư 003/2025/TT-BNV hướng dẫn thực hiện quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/6/2025.
Thông tư này hướng dẫn thực hiện quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 44 ngày 28/2/2025 về quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước của Chính phủ.
Theo đó, về quản lý lao động, thang lương, bảng lương, thông tư này hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng kế hoạch lao động, tổ chức tuyển dụng, sử dụng lao động và thực hiện các chế độ, chính sách đối với người lao động theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 44; xây dựng và ban hành thang lương, bảng lương, phụ cấp lương theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 44.

Bộ Nội vụ mới ban hành thông tư về tiền lương. Ảnh minh họa
Hằng năm, doanh nghiệp rà soát lại các mức lương của người lao động và ban điều hành, thành viên hội đồng, kiểm soát viên chuyên trách trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương hiện hành.
Trường hợp các mức lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương hiện hành bảo đảm quy định tại khoản 2 Điều 6 thì được tiếp tục thực hiện theo quy định tại Điều 32 Nghị định số 44; trường hợp không bảo đảm thì doanh nghiệp phải sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới thang lương, bảng lương, phụ cấp lương theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 6 Nghị định số 44.
Đồng thời, quỹ tiền lương của người lao động và Ban điều hành được xác định theo các phương pháp quy định tại Điều 7 Nghị định số 44. Doanh nghiệp lựa chọn phương pháp xác định quỹ tiền lương của người lao động và Ban điều hành theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 44.
Thông tư nêu rõ các quy định về xác định quỹ tiền lương thông qua mức lương bình quân; đơn giá tiền lương ổn định; cũng như quy định về xác định quỹ tiền lương đối với một số trường hợp cụ thể, tạm ứng, dự phòng và phân phối tiền lương.
Về việc phân phối tiền lương, Điều 19 Nghị định 44 quy định rằng người lao động và Ban điều hành được trả lương theo quy chế trả lương do doanh nghiệp ban hành. Theo đó, tiền lương của người lao động được trả theo vị trí chức danh hoặc công việc, gắn với năng suất lao động và mức đóng góp của từng người vào kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Đối với Ban điều hành, tiền lương được trả theo chức danh, chức vụ và kết quả sản xuất, kinh doanh. Trong đó, mức tiền lương của tổng giám đốc, giám đốc (trừ trường hợp được thuê làm việc theo hợp đồng lao động) tối đa không vượt quá 10 lần so với mức tiền lương bình quân của người lao động.
Khi xây dựng quy chế trả lương, doanh nghiệp phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, tổ chức đối thoại tại nơi làm việc theo quy định của pháp luật lao động; đồng thời báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu để kiểm tra, giám sát và công khai tại doanh nghiệp trước khi thực hiện.
Nghị định 44/NĐ-CP cũng quy định chi tiết mức lương cơ bản của thành viên hội đồng, kiểm soát viên làm việc chuyên trách, trong đó mức lương của Chủ tịch hội đồng thành viên, Chủ tịch hội đồng quản trị có thể lên đến 80 triệu đồng/tháng.